Vĩnh Phúc: Phòng ngừa nguy cơ cháy nổ và môi trường từ vật liệu nổ công nghiệp
Vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) chủ yếu được các doanh nghiệp sử dụng để khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Hiện nay, việc sử dụng VLNCN tại các doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc không nhiều, quy mô ở mức nhỏ lẻ. Tuy nhiên, việc quản lý vẫn được ngành Công thương tăng cường nhằm kịp thời chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót trong sử dụng VLNCN. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần đảm bảo tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.
Những năm gần đây, công tác quản lý hóa chất nguy hại, vật liệu nổ công nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc được thực thi khá nền nếp, tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước... |
Theo đó, ngành Công thương đã chủ động rà soát, triển khai các quy định sử dụng VLNCN đến các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động; tổ chức thẩm định, cấp phép cho các đơn vị theo tình hình thực tế; tổ chức đào tạo, huấn luyện kỹ thuật an toàn VLNCN cho người lao động; cập nhật kiến thức, hướng dẫn, đánh giá việc thực hiện các quy định theo luật và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Từ năm 2018 đến nay, ngành Công thương đã thẩm định, cấp 18 giấy phép cho các đơn vị, doanh nghiệp; tổ chức 5 lớp huấn luyện an toàn VLNCN; kiểm tra cấp giấy chứng nhận huấn luyện an toàn cho 79 học viên...
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực VLNCN, tiền chất thuốc nổ (TCTN), ngành Công thương đã chủ động xây dựng Dự thảo Quy chế quản lý VLNCN, TCTN sử dụng để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và được UBND tỉnh ban hành thành quy chế.
Ban hành các văn bản đề nghị các doanh nghiệp hoạt động VLNCN tăng cường công tác quản lý thông qua việc rà soát, đảm bảo kho chứa. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp có kế hoạch sửa chữa, cải tạo kho chứa VLNCN đảm đảo đúng quy định. Đối với các đơn vị chưa thực hiện cải tạo, sửa chữa kho, Sở Công thương sẽ tham mưu UBND tỉnh xử lý vi phạm theo quy định.
Nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh tồn tại của các đơn vị sử dụng VLNCN, ngành Công thương đã tiến hành kiểm tra 2 đợt với 4 đơn vị. Qua kiểm tra cho thấy, cơ bản các đơn vị đều chấp hành tốt quy định của pháp luật, chưa có đơn vị nào có dấu hiệu vi phạm trong việc sử dụng VLNCN phải kiến nghị tới cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.
5 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh không có tình trạng sử dụng VLNCN trái phép và chưa xảy ra tình trạng mất an toàn liên quan đến việc sử dụng VLNCN. Ngành Công thương cũng chưa tiếp nhận thông tin phản ánh việc để xảy ra thất thoát, buôn bán trái phép hay việc khiếu nại, khiếu kiện liên quan hoạt động VLNCN.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 22 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về hóa chất nguy hại (HCNH), VLNCN. Theo đánh giá, những năm gần đây, công tác quản lý HCNH, TCTN, VLNCN được thực thi khá nền nếp, tuân thủ quy định Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Tuy nhiên, thực tế, tại một số doanh nghiệp, cơ sở vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác đảm bảo an toàn như chưa cập nhật các quy định mới về quản lý; việc tồn trữ VLNCN, TCTN trong các kho chưa đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản, vận chuyển, tiêu hủy; sử dụng người lao động chưa qua đào tạo, huấn luyện về an toàn; thực hiện chưa nghiêm chế độ báo cáo định kỳ việc xây dựng kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố; diễn tập phương án ứng phó sự cố cháy nổ, môi trường chưa đáp ứng yêu cầu…
Nếu không được quản lý tốt, hóa chất nguy hại và vật liệu nổ công nghiệp có thể gây ra các sự cố môi trường nghiêm trọng. |
Để kịp thời khắc phục chấn chỉnh những tồn tại trong hoạt động HCNH, TCTN và VLNCN; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quản lý, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và địa phương thực hiện tốt các quy định hiện hành.
Riêng ngành Công thương, tăng cường tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến HCNH, VLNCN, TCTN cho các tổ chức, cá nhân; thường xuyên tổ chức các khóa huấn luyện, đào tạo cho những người tiếp xúc với VLNCN, TCTN.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường các kho chứa HCNH, VLNCN, TCTN; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định.
Chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình kho chứa VLNCN, TCTN dạng cố định trước khi đưa vào sử dụng. Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra kết cấu đối với kho lưu động và thống nhất địa điểm cho phép đặt kho đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự.
Hướng dẫn và tham gia ý kiến về Báo cáo đánh giá rủi ro, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp đối với các đơn vị có kho chứa VLNCN thuộc đối tượng phải xây dựng, thực hiện.
Hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất thuộc danh mục chất nguy hiểm phải xây dựng kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó với sự cố hóa chất; thiết lập khoảng cách an toàn, phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất và đặc tính của hóa chất; tổ chức diễn tập phương án ứng phó sự cố hóa chất đã được xây dựng trong kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất nhằm chủ động phòng ngừa các sự cố hóa chất cháy nổ xảy ra.
Chú trọng công tác quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng HCNH, VLNCN ngay từ khâu thẩm định hồ sơ cấp phép, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công của dự án có sử dụng VLNCN của các doanh nghiệp phù hợp với thiết kế phương án nổ mìn sát với thực tế và theo đúng quy định của pháp luật…
Vật liệu nổ có khả năng gây sát thương cao, nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ con người. Hiện nay, ở một số lĩnh vực sản xuất, các đơn vị, doanh nghiệp đưa hóa chất nguy hại, vật liệu nổ vào sử dụng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đặc biệt nguy cơ cháy nổ và các sự cố tác động xấu đến môi trường. Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này, thời gian qua, các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đã chú trọng thực hiện hiệu quả Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. |