Vĩnh Phúc: Siết chặt bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu

27/02/2019 17:28 Địa phương
Vĩnh Phúc thuộc đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Thủ đô, có nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, một số doanh nghiệp đã nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo theo quy định về công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế một cách bền vững.

Vĩnh Phúc: Siết chặt bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu


Công ty cổ phần thép Trường Biện (cụm công nghiệp Đồng Văn, huyện Yên Lạc) được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu. Ảnh Nguyễn Lượng

Thời gian qua, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở nước ta có chiều hướng tăng mạnh, diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong dư luận. Trong quá trình theo dõi, kiểm tra, giám sát hàng hóa, điều tra xác minh, lực lượng chức năng đã phát hiện doanh nghiệp thực hiện một số phương thức, thủ đoạn gian lận trong nhập phế liệu để không chịu các chính sách quản lý đối với phế liệu, hoặc nhập khẩu các lô hàng rác thải về nước sau đó từ chối nhận hàng, để tồn đọng tại cảng biển Việt Nam nhằm thu lợi từ các đối tượng ở nước ngoài.

Trước tình hình đó, ngày 17/9/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27 về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Tại Vĩnh Phúc, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, một số doanh nghiệp đã nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, như: Công ty cổ phần Thép Trường Biện, Công ty TNHH Thương mại Khánh Dư (Yên Lạc)... Tuy nhiên, hoạt động nhập khẩu phế liệu diễn ra không phức tạp; thành phần, khối lượng phế liệu nhập khẩu tập trung chủ yếu vào sắt, thép phế liệu với khối lượng nhỏ lẻ. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh đã thành lập Đoàn Thanh tra công tác cấp Giấy chứng nhận (GCN), giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Qua rà soát cho thấy, hoạt động nhập khẩu phế liệu trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu vào các năm 2013, 2014, từ năm 2015 đến nay, hoạt động này đã giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do từ năm 201, giá sắt thép xuống thấp, hàng tồn kho nhiều, hoạt động sản xuất của các đơn vị tái chế phế liệu chỉ mang tính cầm chừng. Do lợi nhuận mang lại thấp nên các cơ sở tái chế giảm nhập phế liệu từ nước ngoài, tăng cường thu mua phế liệu trong nước.
Hàng năm, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh kế hoạch sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm, các văn bản hướng dẫn về xác định mức độ đạt chuẩn các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT; tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn về những khó khăn, vướng mắc trong công tác BVMT.
Từ năm 2013 đến nay, Sở TN&MT cấp 12 GCN, giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cho 9 đơn vị, trong đó, có 3 đơn vị nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài là Công ty cổ phần Công nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại Khánh Dư và Công ty cổ phần Thép Trường Biện. Đến thời điểm thanh tra (đầu tháng 10/2018), có 3 giấy chứng nhận còn hiệu lực.
Đồng chí Đỗ Hữu Mạnh, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng đoàn thanh tra cho biết: "Đoàn Thanh tra đã tiến hành kiểm tra trực tiếp tại 7 đơn vị được cấp GCN đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Trong đó, có 3 đơn vị đã tiến hành nhập khẩu từ nước ngoài theo GCN đã được cấp, gồm: Công ty TNHH Thương mại Khánh Dư, Công ty cổ phần Thép Trường Biện, Công ty cổ phần Công nghiệp Việt Nam; 2 đơn vị chỉ tiến hành thu mua phế liệu làm nguyên liệu sản xuất từ các doanh nghiệp chế xuất trong nước là Công ty TNHH Song Tinh, Công ty TNHH Môi trường Công nghiệp Xanh; 2 đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu sản xuất nhưng không tiến hành nhập khẩu phế liệu là Công ty TNHH Công nghiệp Chính Đạt và Công ty TNHH Ánh Phát.
Từ năm 2013 đến nay, các đơn vị đã nhập khẩu hơn 38.000 tấn phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Việc nhập khẩu đảm bảo đúng trình tự, thủ tục; phế liệu đã được đưa về bãi tập kết của công ty để phân loại, xử lý, tái chế theo quy định. Các đơn vị đã bố trí kho, bãi tập kết phế liệu nhập khẩu, bảo đảm không để thất thoát phế liệu và không gây phát tán các tạp chất đi kèm ra môi trường xung quanh; phương pháp xử lý các tạp chất đi kèm phế liệu, hệ thống xử lý chất thải đã được áp dụng. Việc thực hiện giám sát môi trường được thực hiện theo đúng định kỳ, nhập khẩu đúng chủng loại, số lượng phế liệu theo quy định và được ngành hải quan thông quan.
Tuy nhiên, công tác lưu trữ hồ sơ cấp GCN đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu tại Sở TN&MTchưa tốt, chỉ lưu được GCN mà chưa cung cấp được hồ sơ; một số hồ sơ cấp GCN không đầy đủ, vi phạm về thời hạn cấp theo quy định; bãi tập kết phế liệu được đổ bê tông có độ phẳng không đảm bảo, thoát nước chưa tốt, có hiện tượng đọng nước mưa, rạn nứt, cần sửa chữa,khắc phục để tránh thẩm thấu; nền kho lưu trữ phế liệu có hiện tượng rạn nứt, cần sửa chữa,khắc phục; khu lưu trữ phế liệu thông thường của một số đơn vị còn thiếu biển báo, chỉ dẫn...
Vì vậy, Đoàn Thanh tra có yêu cầu đối với Sở TN&MT trước khi tiếp tục cấp, gia hạn GCN đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cho các đơn vị phải rà soát, kiểm tra việc khắc phục các tồn tại, vi phạm đã được phát hiện qua thanh, kiểm tra; tăng cường quản lý Nhà nước về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục công tác lưu trữ hồ sơ về cấp GCN; thẩm định hồ sơ, cấp GCN đúng thời hạn. Các đơn vị được cấp GCN tự kiểm tra, rà soát hệ thống kho, bãi lưu giữ, tập kết phế liệu, hoàn thiện và bổ sung các thiết bị PCCC...
Theo nhận định của một số ngành chức năng, từ ngày 1/1/2019, do chính sách cấm nhập khẩu của các nước như: Trung Quốc, Malaysia thay đổi, xu hướng phế liệu sẽ tiếp tục dịch chuyển mạnh về nước ta làm gia tăng lượng phế liệu nhập khẩu. Vì vậy, mới đây, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Dự thảo Quyết định ban hành Quy chế phối hợp kiểm soát phế liệu nhập khẩu.
Trước thực tế này, cùng với các tỉnh, thành trên cả nước, Vĩnh Phúc tăng cường công tác quản lý các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này,nhằm quản lý hiệu quả phế liệu nước ngoài nhập vào Việt Nam, không đánh đổi lợi ích kinh tế với môi trường.

 Theo báo Vĩnh Phúc
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động