Vĩnh Phúc tập trung gỡ khó trong thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp

24/07/2023 08:07 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Thời gian qua, Vĩnh Phúc đã dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo, ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển CCN; 6 tháng đầu năm 2023, các CCN tiếp tục thu hút đầu tư thêm 65 dự án, nâng tổng số dự án đầu tư thứ cấp trong các CCN đến cuối tháng 6/2023 lên 681 dự án.

Theo Quy hoạch phát triển CCN của Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh sẽ có 32 CCN, tổng diện tích là 689,955 ha. Đến hết tháng 12/2022, toàn tỉnh đã thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng 16/32 CCN với diện tích trên 400 ha, đạt 61.5% tổng diện tích quy hoạch CCN trên địa bàn tỉnh.

Việc phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng số CCN đã được thành lập và coi như hình thành đạt 91.67% so với mục tiêu của quy hoạch.

Đến cuối năm 2022, trong số 22 CCN (gồm 16 CCN đã thành lập, giao chủ đầu tư và 6 CCN thực tế đã hình thành) có 13 CCN đã thu hút đầu tư 617 cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD), giải quyết việc làm cho gần 14 nghìn lao động, đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 46,99% diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch.

Trong đó, có 6/13 CCN đạt tỷ lệ lấp đầy 100% là CCN Yên Đồng, CCN Tề Lỗ, CCN thị trấn Yên lạc, CCN Hùng Vương - Phúc Thắng: CCN Hương Canh và CCN Tân Tiến.

Trong 6 tháng đầu năm nay, các CCN tiếp tục thu hút đầu tư thêm 65 dự án, nâng tổng số dự án đầu tư thứ cấp trong các CCN đến cuối tháng 6/2023 lên 681 dự án.

Vĩnh Phúc tập trung gỡ khó trong thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp
Phối cảnh CCN Đồng Sóc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Kết quả trên đã góp phần quan trọng vào phát triên công nghiệp, giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn, giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư.

Để có được kết quả này, thời gian qua, tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo, nhất là trong việc ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển CCN.

Giai đoạn 2019 -2021, các chủ đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng CCN được hỗ trợ 100% kinh phí lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đầu tự hạ tầng CCN, dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật; rà, phá bom mìn trong CCN; hỗ trợ 700 triệu đồng/ha vốn thực hiện bồi thường - GPMB; 30% kinh phí xây dựng hệ thống điện phục vụ CCN; 30% kinh phí xây dựng nhà điều hành, quản lý CCN.

Đồng thời, các cơ sở khi thực hiện hoạt động đầu tư SXKD trong CCN cũng được hỗ trợ 10% giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, được đầu tư bằng 100% vốn của DN trong nước.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh đã có 2 CCN cơ bản đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo chính sách của tỉnh tại các Nghị quyết với tổng kinh phí hỗ trợ 40,819 tỷ đồng.

Trong đó, CCN Đồng Sóc được hỗ trợ hạng mục bồi thường, GPMB với giá trị 20 tỷ đồng, hạng mục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và hạng mục rà phá bom mìn với kinh phí 819 triệu đồng; CCN làng nghề Minh Phương được hỗ trợ hạng mục bồi thường, GPMB với giá trị 20 tỷ đồng.

Tuy vậy, nhiều CCN trên địa bàn tỉnh hiện vẫn gặp khó khăn trong thu hút các dự án đầu tư thứ cấp cũng như đầu tư hạ tầng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới khó khăn trong thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào các CCN được cơ quan chuyên môn nhận định là công tác bồi thường, GPMB gặp nhiều khó khăn, kéo dài thời gian thực hiện, dẫn đến chậm tiến độ thực hiện các dự án.

Trong 16 CCN đã được thành lập và giao chủ đầu tư, tổng diện tích đã GPMB mới chỉ đạt 231,95 ha, đạt 59.01% tổng diện tích đã quy hoạch chi tiết. Một số CCN có tỷ lệ GPMB đạt thấp như CCN Hợp Thịnh, CNN Lý Nhân, CCN Thổ Tang - Lũng Hòa, CCN làng nghề Vĩnh Sơn, CCN Hoàng Lâu…

Việc thu hút đầu tư hạ tầng đối với các CCN trên địa bàn tỉnh chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Các CCN đã đi vào hoạt động chủ yếu là các CCN đã hình thành, triển khai từ trước năm 2009 (trước khi có Quyết định 105 của Thủ tướng Chính phủ).

Việc thực hiện đầu tư của nhiều nhà đầu tư chưa nghiêm túc, hầu hết chậm tiến độ so với yêu cầu, các công trình hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào chưa hiện đại, chắp vá, thiếu đồng bộ, không hoàn chỉnh.

Mặt khác, công tác quy hoạch phát triển các CCN còn manh mún, diện tích dành cho các CCN quá nhỏ, nhiều CCN không còn phù hợp. Quy mô quy hoạch diện tích các CCN nhỏ, lại yêu cầu phải xây dựng trạm xử lý nước thải, dẫn đến suất đầu tư hạ tầng lớn nên chưa tạo sức hút cho các nhà đầu tư, không phù hợp với yêu cầu thực tế của các nhà đầu tư.

Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục rà soát, ban hành đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách phát triển CCN tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư; tổ chức thẩm định, thành lập mới các CCN theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đôn đốc, hướng dẫn đảm bảo công tác quản lý, khởi công, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đảm bảo đúng tiến độ theo chỉ đạo của UBND tỉnh; chủ động trong thu hút đầu tư các cơ sở SXKD của các DN, hộ gia đình vào trong CCN.

Minh Phú

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động