Xử lý nước thải mỏ tại mỏ than Hà Tu

29/10/2018 16:58 Quản lý nguồn thải
Các hoạt động khai thác than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tại Quảng Ninh đều nằm trong khu vực có hệ sinh thái và điều kiện môi trường rất nhạy cảm như: hệ sinh thái rừng; hệ sinh thái các lưu vực và xen kẽ ở các khu dân cư. Tốc độ phát triển của ngành than đồng nghĩa với sự gia tăng ô nhiễm nguồn nước tại các vùng có hoạt động khai thác than của tỉnh Quảng Ninh, ảnh hưởng đến cảnh quan vịnh Hạ Long.

Mỏ than Hà Tu nằm trên địa bàn thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Trong nhiều năm qua, nước thải mỏ chưa được xử lý, chảy thẳng vào suối Lộ Phong và đi ra biển. Nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường khu vực, xử lý triệt để các nguồn nước thải mỏ trước khi xả ra môi trường, việc xây dựng trạm xử lý nước thải mỏ Hà Tu từ moong là cần thiết và nằm trong lộ trình xử lý triệt để nước thải mỏ của TKV. Trạm xử lý nước thải mỏ Hà Tu được đề cập đến trong dự án này có phạm vi xử lý nước thải mỏ được bơm trực tiếp từ moong V.16, là moong tích nước thải mỏ, nước bề mặt từ khu vực lân cận và xả nước thải sau xử lý vào nguồn tiếp nhận là suối Lộ Phong.

Xử lý nước thải mỏ tại mỏ than Hà Tu

Ông Nguyễn Mạnh Điệp - Trưởng ban Môi trường, Tập đoàn Công nghiệp - Than khoáng sản Việt Nam đang giới thiệu cho đoàn khảo sát.

Dựa vào kết quả phân tích chất lượng nước thải cần xử lý, lưu lượng và trên cơ sở thực tế xử lý các mỏ than tại vùng Quảng Ninh, công nghệ xử lý nước thải Hà Tu như sau: trung hòa bằng sữa vôi, xử lý cặn lơ lửng bằng phương pháp trọng lực trong bể lắng tấm nghiêng (lamenlla) có sử dụng chất keo tụ và xử lý mangan bằng bình lọc trọng lực.
Nước thải mỏ than Hà Tu chủ yếu có độ pH thấp, hàm lượng sắt (Fe) và mangan (Mn) cao, lượng cặn lơ lửng (TSS) lớn, các thành phần khác nhìn chung đạt tiêu chuẩn môi trường. Nước thải được tập trung vào bể điều lượng và được xử lý liên tục 24/24h.
1. Nước thải từ các nguồn thải có đặc trưng thay đổi theo từng thời điểm về lưu lượng, hàm lượng các chất ô nhiễm đặc biệt có thể có rác và cặn kích thước lớn. Vì vậy, trước khi cho vào hệ thống thiết bị xử lí hoá lý, nước thô được dẫn qua thiết bị chắn rác, vào bể lắng 2, sau đó qua cửa phai vào bể lắng 1 nhằm lắng đọng một phần lượng pha rắn hạt thô đồng thời điều hoà cả lưu lượng lẫn chất lượng.
2. Tại bể lắng 1 và bể lắng 2, cặn có kích thước lớn được lắng xuống đáy và được nạo vét định kỳ bằng thủ công, nước tràn được bơm qua thiết bị khuấy trộn hóa chất vào hệ thống thiết bị hợp khối.
3. Nước thải từ bể lắng 1 theo đường ống được bơm về ngăn keo tụ. Tại đây, dung dịch keo tụ PAC, chất trợ lắng polymer, sữa vôi được bơm vào và hoà trộn với nước thải qua thiết bị hòa trộn tĩnh sau đó tự chảy vào ngăn phản ứng keo tụ liền kề.
Chất keo tụ PAC, PAM dạng bột được pha chế tại thùng chứa hóa chất keo tụ và trợ lắng. Dung dịch keo tụ được bơm định lượng bơm từ thùng pha chế đến thiết bị hòa trộn, trước hết cho PAC vào để giảm độ nhớt, tăng khả năng hút giữa các hạt có kích thước nhỏ tạo thành các hạt có kích thước lớn hơn, sau đó cho tiếp PAM để tăng khả năng hội tụ của các hạt khi tiếp xúc với nhau tạo thành thể keo tụ lớn, tăng tốc độ lắng đọng.
Các thiết bị đo pH tại đầu vào và sau bể trung hoà sẽ là căn cứ để điều chỉnh bơm định lượng cấp lượng dung dịch sữa vôi vừa đủ đảm bảo độ pH của nước sau trung hoà nằm trong giới hạn cho phép. Xác định lượng TSS sau bể lắng lamenlla để điều chỉnh bơm định lượng cấp lượng dung dịch PAC, PAM vừa đủ để đảm bảo hàm lượng TSS của nước sau xử lý nằm thấp hơn tiêu chuẩn quy định.

Trạm xử lý nước thải than Hà Tu

5. Tại bể lọc trọng lực tự động xử lý Fe và Mn sẽ xảy ra 2 quá trình:
Quá trình lọc: Nước cấp vào thiết bị qua đường ống và được chứa trong khoang lọc. Giai đoạn lọc diễn ra, nước sau khi qua lớp vật liệu lọc được chứa trong khoang chứa nước. Nước trong khoang chứa qua các ống liên thông cấp lên khoang chứa nước rửa lọc, nước sạch cấp ra ngoài qua rãnh thoát.
Quá trình rửa lọc: Sau một thời gian vận hành, các cặn bẩn có trong nước bị giữ lại trên bề mặt vật liệu lọc sẽ gây ra trở lực cản trở quá trình lọc. Để thiết bị hoạt động bình thường cần phải rửa lọc, quá trình diễn ra hoàn toàn tự động khi trở lực nước gây ra đủ lớn. Đường ống thoát nước rửa lọc được thiết kế đủ lớn để có thể thoát kịp lượng nước trong quá trình rửa lọc trong khi thiết bị vẫn hoạt động liên tục. Sự chênh lệch về áp suất tạo ra do sự xuất hiện của lớp tạp chất trên bề mặt vật liệu lọc với áp suất do lượng nước chứa trong ngăn chứa nước rửa lọc tạo ra là nguyên nhân của giai đoạn rửa lọc. Sự chênh lệch này sẽ khiến nước trong ngăn chứa qua các ống liên thông xuống ngăn chứa nước sạch, lượng nước này thấm ngược qua lớp vật liệu lọc và ra ngoài qua đường ống thoát nước rửa lọc cuốn theo các cặn bẩn trên bề mặt vật liệu lọc. Kết quả là vật liệu lọc được rửa sạch các tạp chất, phục hồi khả năng và tốc độ lọc như ban đầu. Nước rửa lọc sẽ được bơm trở lại bể lắng tấm nghiêng.
6. Bùn chứa trong bể chứa bùn được máy bơm bùn bơm lên máy ép bùn để tiến hành tách nước.
Dung dịch bùn từ bể chứa bùn còn chứa 97% - 99% nước. Để có thể vận chuyển đi đổ thải, cần phải tiến hành tách nước khỏi bùn đảm bảo lượng nước còn lại trong bùn dưới 30%.
Để tách nước khỏi bùn có thể dùng phương pháp tự nhiên (phơi, lọc qua cát sỏi...) hoặc phương pháp cơ giới (máy ép bùn). Do điều kiện địa hình chật hẹp, để tránh ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, nâng cao hiệu quả xử lý bùn, lựa chọn phương pháp dùng máy ép bùn để tách nước khỏi bùn.

Trạm quan trắc tự động

7. Toàn bộ hoạt động của Trạm xử lý nước thải có thể điều khiển tự động hoặc bán tự động.

 Duy Nam
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động