Bắc Ninh: Chú trọng giải quyết vấn đề môi trường tại làng nghề, CCN làng nghề
Liên quan vấn đề bảo vệ môi trường ở các làng nghề, CCN, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 30/3/2022 quy định một số chính sách đầu tư, hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Theo chủ trương trên, sẽ hỗ trợ 100% kinh phí thu gom, xử lý chất thải rắn làng nghề tồn đọng từ trước đến thời điểm dự án được tỉnh phê duyệt. Nguồn kinh phí thực hiện theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. Hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung khu vực nông thôn, làng nghề, ưu tiên đầu tư khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...Đây là những bước đi quan trọng để thực hiện lộ trình làm sạch môi trường làng nghề, CCN làng nghề trên địa bàn Bắc Ninh vào năm 2025.
Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế ô nhiễm, phương án chuyển đổi, nhằm tập chung giải quyết vấn đề môi trường làng nghề, CCN. |
Cạnh đó, thực hiện Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường tỉnh giai đoạn 2019-2025, Sở Công Thương Bắc Ninh đã xây dựng báo cáo điều chỉnh, bổ sung quy hoạch CCN, CCN làng nghề; xây dựng “Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2022-2025” và quy chế quản lý kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các làng nghề, CCN làng nghề có phương án phát triển về lâu dài.
Đối với các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan đã có nhiều động thái tích cực nhằm hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường phát sinh. Cụ thể: Thành phố Bắc Ninh đã tiến hành cải tạo hệ thống xử lý nước thải làng nghề bún Khắc Niệm công suất 400 m3/ngày đêm, tuy nhiên chất lượng nước thải sau xử lý chưa đảm bảo yêu cầu; đã xây dựng phương án cải tạo, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải làng nghề Phong Khê giai đoạn 1, công suất 5.000 m3/ngày đêm; xây dựng Đề án “Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, giai đoạn 2022-2030” và đang xây dựng Đề án “Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh, giai đoạn 2022-2025”. Thành phố Từ Sơn đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu nhà ở tại phường Trang Hạ và phường Đông Ngàn để chuyển đổi CCN Dốc Sặt thành đất ở đô thị theo đúng chủ trương của tỉnh; yêu cầu các phường triển khai xâydựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề và thành lập tổ tự quản bảo vệ môi trường làng nghề. Huyện Gia Bình đã xây dựng Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 26-2-2021 về việc giải quyết ô nhiễm môi trường các làng nghề, CCN làng nghề và khu vực gây ô nhiễm trên địa bàn huyện; tiếp tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề đúc đồng xã Đại Bái. Huyện Quế Võ phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề gốm Phù Lãng. Thuận Thành chỉ đạo các xã có làng nghề gồm: Trí Quả, Song Hồ, Mão Điền và Hoài Thượng xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề. Yên Phong triển khai Dự án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tồn đọng tại làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn; triển khai dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải làng nghề Mẫn Xá, diện tích 3,8 ha; đầu tư xây dựng CCN làng nghề Mẫn Xá để di chuyển các cơ sở trong làng nghề ra CCN; xây dựng “Đề án tổng xử lý môi trường làng nghề xã Văn Môn, huyện Yên Phong giai đoạn 2022-2026” và xây dựng quy chế quản lý chất thải rắn xỉ, nhôm làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn.
Thực tế đang cho thấy, tiến độ triển khai các dự án trên cơ bản còn chậm; một số dự án đi vào hoạt động chưa thực sự phát huy hết hiệu quả. Cùng với đó, một số địa phương chưa xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề, chưa thành lập Tổ tự quản về bảo vệ môi trường vừa chưa chú trọng đầu tư xử lý làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tình trạng xả thải trộm ra môi trường vẫn tái diễn ở một số làng nghề.
Để khắc phục thực trạng trên, tỉnh Bắc Ninh dự kiến sẽ xây dựng phương án chuyển đổi thành khu đô thị đối với một số làng nghề bị ô nhiễm trầm trọng như sản xuất giấy Phong Khê, CCN Phú Lâm; cô đúc nhôm xã Văn Môn, lộ trình đến năm 2030. Đồng thời bố trí nguồn vốn cho đầu tư các công trình xử lý môi trường khu vực nông thôn, làng nghề để giải quyết các vấn đề môi trường tồn đọng. Tăng cường sự lãnh đạo của chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, phường đối với công tác bảo vệ môi trường nói chung, làng nghề nói riêng. Tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở có nguồn thải lớn, nhằm kiểm soát hiệu quả vấn đề môi trường ở các làng nghề, CCN.
Tin mới
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Phú Thiện(Gia Lai): Người phụ nữ Jrai với ước mơ truyền nghề may thổ cẩm cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.