Bắc Ninh chú trọng nền kinh tế số
Nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) là hạt nhân của chuyển đổi số và là phần quan trọng nhất của nền kinh tế số lõi (Core Digital Economy). Kinh tế số đóng góp không nhỏ trong sự hội nhập của các doanh nghiệp vào chuỗi công nghệ toàn cầu. Theo đánh giá sơ bộ, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP năm 2022 là 12,86%, trong đó ngành kinh tế số lõi đóng góp 7,82 (chiếm 60,85%), số hóa các ngành khác đóng góp 5,03% (chiếm tỷ trọng 39,15%), bình quân giai đoạn 2019-2022 đạt khoảng 11,53%. Đối với các khu vực, đóng góp kinh tế số của khu vực dịch vụ trong GDP cao nhất, bình quân giai đoạn đạt 6,60%, công nghiệp và xây dựng đạt 5,97%, nông lâm và thủy sản đạt 0,05%. Sử dụng công nghệ, dữ liệu, môi trường số làm không gian hoạt động chính để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế, bao gồm kinh tế số lõi và kinh tế số theo ngành đang là một xu hướng tất yếu.
Là địa phương thu hút đầu tư FDI lớn với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ cao, Bắc Ninh đã và đang đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế số chung của cả nước. |
Là địa phương thu hút đầu tư FDI lớn với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ cao, Bắc Ninh đã và đang đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế số chung của cả nước. Các doanh nghiệp tích cực đổi mới quy trình sản xuất kinh doanh truyền thống sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng và điều này sẽ làm tăng năng suất cũng như hiệu quả lao động. Hiện Bắc Ninh là một trong nhóm các địa phương có tỷ trọng ngành kinh tế số lõi cao nhất cả nước, với các chỉ số kinh tế đã có (như: quy mô GRDP, GRDP bình quân đầu người, thu nhập bình quân đầu người; thu hút FDI, sản lượng công nghiệp, xuất khẩu). Trong đó ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học Bắc Ninh năm 2022 chiếm 50,73%, Thái Nguyên đứng thứ hai (chiếm 39,92%), Bắc Giang (chiếm 30,31%), hai đầu tàu kinh tế như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh lần lượt là 15,56% và 12,93%... Những tính toán này đã phản ánh bức tranh sinh động về ngành kinh tế số trên phạm vi quốc gia. So sánh các chỉ tiêu kinh tế số của Bắc Ninh và các địa phương trong cả nước thì Bắc Ninh hiện là địa phương có tỷ trọng kinh tế số lõi đứng đầu cả nước.
Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển KT-XH tỉnh Nguyễn Phương Bắc, những con số trên tuy mới chỉ là tính toán thử nghiệm nhưng có thể nhận định về những đóng góp của tỉnh trong phát triển kinh số trong phạm vị quốc gia, kết quả trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư các tập đoàn lớn của thế giới về công nghệ, công nghệ thông tin và các doanh nghiệp phụ trợ, đóng góp của khu vực này đối với cơ cấu kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn trong những năm qua. Về bán hàng trực tuyến trong Điều tra doanh nghiệp năm 2022, phạm vi kết quả đo lường này chỉ tính toán trên khối doanh nghiệp, chưa tính ở khối cá thể, hành chính, sự nghiệp; đồng thời chỉ đo lường theo khía cạnh Đặt hàng kỹ thuật số và chưa đo lường được khía cạnh Giao hàng kỹ thuật số nên Bắc Ninh có lệ thấp hơn khá nhiều so với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang mang lại nhiều sự thay đổi cơ bản về kinh tế, xã hội trên toàn cầu. Để tiếp tục xây dựng hình ảnh địa phương là địa chỉ hấp dẫn để tiếp tục thu hút nguồn lực, xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố công nghệ cao, thành phố kinh tế số, thời gian tới, các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số. Cần có sự quan tâm sâu sắc của chính quyền các cấp trong vấn đề nâng cao trình độ nhận thức của xã hội về chuyển đổi số. Xây dựng các kế hoạch cụ thể, quy mô lớn để phổ cập kiến thức về chuyển đổi số đến mọi người dân. Về phía doanh nghiệp, cần tập trung xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của công nghệ số, thúc đẩy phát triển sáng tạo những dòng sản phẩm, dịch vụ mới. Sở Thông tin và Truyền Thông chủ trì tiếp tục đề xuất giải pháp liên quan đến kinh tế số, phấn đấu thực hiện mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành một trong những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong nhóm dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TU ngày 18-3-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế số là trụ cột, nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia những năm tiếp theo và đề ra mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội và tăng lên 30% vào năm 2030”.
THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO