Bắc Ninh phát triển công nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững
Đảo đảm các yếu tố môi trường bền vững trong khu công nghiệp
Trong chiến lược phát triển trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, Bắc Ninh luôn coi trọng đến công tác bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, ngay từ khâu quy hoạch, tỉnh đã định hướng phát triển các KCN phải gắn kết với các yếu tố môi trường, coi đó là tiêu chí quan trọng quyết định sự phát triển hài hòa bền vững.
Bảo vệ môi trường được xác định là mục tiêu hàng đầu, xuyên suốt trong việc ban hành các chủ trương, chính sách thu hút đầu tư vào tỉnh. Với phương châm thực hiện quy hoạch và triển khai xây dựng các KCN theo hướng đồng bộ từ hạ tầng thiết yếu cho đến các yêu cầu về bảo vệ môi trường như hệ thống xử lý chất thải, nước thải… nên công tác bảo vệ môi trường trong các KCN cơ bản được thực hiện bài bản ngay từ khi các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động.
Hiện nay, trong tổng số 10 KCN đi vào hoạt động, có 9 KCN xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn theo quy định; 1 KCN Hanaka đã xây dựng và lắp đặt xong thiết bị nhưng chưa đưa vào vận hành, do chưa có mặt bằng để thi công hệ thống thu gom nước thải về Trạm xử lý. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần tập đoàn Hanaka đang có kế hoạch di dời KCN Hanaka sang KCN Gia Bình II. Đồng thời có 2 KCN mới đang triển khai xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung: KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh; KCN Yên Phong II-C. 8 KCN đã được lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tự động để theo dõi thường xuyên, liên tục chất lượng nước thải trước khi xả ra ngoài môi trường.
Hiện nay, trong tổng số 10 KCN của Bắc Ninh đi vào hoạt động, có 9 KCN xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn theo quy định. |
Về cơ bản các doanh nghiệp thứ cấp đều đầu tư hệ thống xử lý nước thải sơ bộ đạt tiêu chuẩn xả thải của KCN, đấu nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung trong KCN để xử lý đạt Quy chuẩn trước khi xả ra môi trường. 100% các KCN đi vào hoạt động có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định. Các KCN cơ bản được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Đối với một số lĩnh vực sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao như: sản xuất hóa chất; sản xuất giấy; sản xuất sắt thép... cơ bản chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường như đều lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định; thuê đơn vị có chức năng thu gom, xử lý để xử lý chất thải nguy hại, hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường… Các yếu tố này cho thấy môi trường được bảo đảm song song với phát triển kinh tế, góp phần đưa Bắc Ninh trở thành cực tăng trưởng của vùng Thủ đô, vùng trọng điểm kinh tế Bắc bộ, nhanh chóng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng với việc yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng KCN trước khi đi vào hoạt động phải đầu tư xây dựng và tổ chức vận hành hệ thống xử lý nước thải bảo đảm chất lượng nước thải sau khi xử lý đạt Quy chuẩn môi trường cho phép và thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp xử lý khi phát hiện các chỉ tiêu vượt ngưỡng; lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tự động để theo dõi thường xuyên, liên tục chất lượng nước thải trước khi xả ra ngoài môi trường... tỉnh hướng trọng tâm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, công nghệ nguồn, gia tăng xuất khẩu; phát triển công nghiệp hỗ trợ… trên cơ sở chọn lọc các dự án theo tiêu chí “2 ít, 3 cao” (sử dụng ít đất, ít lao động; suất vốn đầu tư cao, đóng góp ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao).
Đồng thời, hạn chế việc cấp đăng ký đầu tư đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; thu hồi đăng ký đầu tư đối với các đơn vị vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường…Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp lý, chế tài mạnh như ngừng cung cấp điện, phong tỏa ngân hàng, thu hồi Giấy phép kinh doanh... nếu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhằm quản lý chặt các cơ sở thuộc danh mục có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Tuyên truyền mạnh mẽ chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đến các chủ đầu tư, doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường.
Hiện nay, tỉnh yêu cầu đẩy nhanh việc hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN Hanaka theo quy định của Luật Môi trường; xây dựng quy chế phối hợp thực hiện các nhiệm vụ quản lý môi trường trong KCN, trong đó quy định cụ thể việc chia sẻ thông tin liên quan đến công tác quản lý môi trường giữa các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững, tạo sự phát triển vững mạnh.
Tăng cường xử lý rác thải dân sinh và làng nghề
Ðể khắc phục những bất cập về môi trường trong lĩnh vực rác thải rắn sinh hoạt, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư xây dựng 550 điểm tập kết chất thải sinh hoạt tại các thôn; 100% thôn, xã đã thành lập được các tổ, đội thu gom chất thải từ hộ gia đình đến điểm tập kết. Toàn tỉnh hiện có 89.487 hộ đô thị và 250.832 hộ nông thôn, do đó mỗi tổ viên tổ vệ sinh sẽ phụ trách trung bình khoảng 164 hộ, có tám đơn vị thực hiện việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm tập kết về các khu xử lý chất thải tập trung cấp huyện với tổng số 31 xe chuyên dụng, các xe đều đã được gắn các thiết bị định vị (GPS) để theo dõi, kiểm soát lộ trình thu gom; tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt toàn tỉnh đạt hơn 90%. Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác xử lý chất thải, tỉnh đã thu hút các nhà đầu tư triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động ba khu xử lý tập trung và 10 lò đốt chất thải sinh hoạt tại các địa phương, đồng thời cấp chủ trương đầu tư cho hai dự án xử lý chất thải sinh hoạt tập trung công nghệ cao phát năng lượng. Từ năm 2021 trở đi, khi các nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt tập trung công nghệ cao đi vào hoạt động, sẽ bảo đảm xử lý cơ bản chất thải phát sinh trên địa bàn.
Trong tổng số 62 làng nghề trên địa bàn, làng nghề sản xuất giấy Phong Khê được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (giai đoạn 1) với công suất 5.000 m3/ngày; làng nghề bún Khắc Niệm được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 400 m3/ngày, còn lại, hầu hết các làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tại các CCN, mới chỉ hoàn thành, đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải CCN đa nghề Ðông Thọ với công suất 300 m3/ngày và hệ thống xử lý nước thải CCN Tân Chi với công suất 3.200 m3/ngày, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường Việt Nam.
Ðến nay, 9 trong số 10 KCN đang hoạt động cơ bản đã thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường nói chung và xử lý nước thải nói riêng, chủ đầu tư hạ tầng KCN đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường (hệ thống thu gom và thoát nước mưa, nước thải, nhà máy xử lý nước thải tập trung...), tám KCN đã lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tự động để theo dõi thường xuyên, liên tục chất lượng nước thải trước khi xả ra môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn một số DN chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ðối với công tác khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường liên quan phát triển kinh tế sao cho hiệu quả nhất, đối với các làng nghề, vấn đề được quan tâm hiện nay là cần tăng cường rà soát các điều kiện bảo vệ môi trường. Xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề, kế hoạch chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời ra khỏi khu dân cư đối với cơ sở sản xuất không thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển và gây ô nhiễm môi trường. Ðối với các KCN, yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng KCN trước khi đi vào hoạt động phải đầu tư xây dựng và tổ chức vận hành hệ thống xử lý nước thải, kịp thời xử lý khi phát hiện các chỉ tiêu vượt ngưỡng; lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tự động để theo dõi thường xuyên, liên tục chất lượng nước thải trước khi xả ra ngoài môi trường.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường triển khai thanh tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất trong KCN vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, không đầu tư các công trình xử lý nước thải, khí thải theo quy định, không ký hợp đồng và chuyển giao các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh với đơn vị có đủ chức năng. Ðồng thời, hạn chế việc cấp đăng ký đầu tư đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong KCN; thu hồi đăng ký đầu tư đối với các đơn vị trong KCN vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường khi có đề nghị của các cơ quan chuyên môn.
Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh sẽ xây dựng nhiều cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường, bố trí nguồn vốn đầu tư các công trình xử lý môi trường khu vực công ích, giải quyết các vấn đề môi trường tồn đọng. Một số chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường, các quy định về bảo vệ môi trường đối với KCN, CCN, làng nghề và khu vực nông thôn đã được điều chỉnh, bổ sung phù hợp tình hình thực tế... Về lâu dài, tỉnh Bắc Ninh sẽ chuyển hướng thu hút đầu tư vào các ngành có công nghệ cao, công nghệ nguồn, gia tăng xuất khẩu. Phát triển công nghiệp hỗ trợ; các dự án sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có sức cạnh tranh; các dự án xây dựng hạ tầng. Những ngành được khuyến khích đầu tư gồm công nghệ thông tin, điện tử, vi điện tử, công nghệ sinh học. Cùng với đó, tỉnh sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, ngành du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo,...