An Giang: Xả lũ gây thiệt hại hàng chục hecta cây ăn trái ở huyện Phú Tân
Bài 2: Chính quyền địa phương nói gì?
Bài 1: Hàng chục hecta cây ăn trái “chết đuối” |
Theo thống kê sơ bộ từ người dân địa phương, tính đến cuối tháng 10/2022, diện tích cây trồng bị thiệt hại trong đợt xả lũ vừa qua đã lên đến hàng chục hecta. Cụ thể, tại xã Hiệp Xương: Công ty Kim Trường Phát thiệt hại gần 8ha cây na Đài Loan trưởng thành đang cho thu hoạch; gia đình ông Trần Văn Phường thiệt hại 0,9 ha na Đài Loan đang cho thu hoạch. Còn tại xã Phú Thành, gia đình ông Phan Văn Thiệt thiệt hại 1,1ha với 60.000 cây mít giống; gia đình ông Trần Công Tâm thiệt hại 1ha na Đài Loan; gia đình ông Đào Văn Hồng thiệt hại 0,8ha chanh, hạnh, na; gia đình ông Võ Văn On thiệt hại 0,9 ha với 500 cây mít và 500 cây na Thái Lan; gia đình ông Nguyễn Văn Chiêu thiệt hại 0,9 ha, với 500 cây cam, 200 cây na và 200 cây mít…
Hàng chục hecta cây ăn trái của người dân bị mất trắng do xả lũ - Ảnh: Linh Nguyên - Minh Đức. |
Trước đó, theo Công văn số 371/PNNPTNT ngày 3/10/2022 của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Phòng NN&PTNT) huyện Phú Tân về việc “Vận hành cống dưới đê để điều tiết lũ” gửi UBND các xã, thị trấn trong huyện, nêu rõ: “Dự báo trong tháng 10/2022 mực nước lũ sẽ tiếp tục tăng lên và có khả năng đạt đỉnh. Để việc xả lũ năm 2022 đảm bảo an toàn, hiệu quả, Phòng NN&PTNT đề nghị UBND các xã, thị trấn quan tâm một số nội dung sau: Tùy tình hình thực tế tại địa phương, tổ chức vận hành linh hoạt các cống dưới đê để điều tiết mực nước lũ trong nội đồng. Lưu ý, phải đảm bảo hiệu quả khi xả lũ và hài hòa với lợi ích giữa các loại hình sản xuất, hạn chế tối đa thiệt hại cho một số diện tích cây ăn trái và việc chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm; Tổ chức tuần tra, kiểm tra tất cả các tuyến đê bao. Trong đó, tuyến đê có xả lũ, rà soát các vị trí xung yếu, có nguy cơ sạt lở (do sóng vỡ) để có phương án xử lý phù hợp…”.
Hàng chục ha cây trái của người dân bị mất trắng do xả lũ (hình Linh Nguyên - Minh Đức) |
Trao đổi với congnghiepmoitruong.vn ngày 17/10, về việc hàng chục hecta cây ăn trái của người dân mất trắng do xả lũ, ông Nguyễn Văn Sang - Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Xương cho biết: “Huyện Phú Tân được đầu tư hệ thống kiểm soát lũ nhằm điều tiết nước xả lũ vào phục vụ sản xuất nông nghiệp của các tiểu vùng. Tại tiểu vùng này (gồm xã Phú Thành, xã Hiệp Xương, xã Phú Xuân…) việc xả lũ phải có sự thống nhất của cả 3 xã liên quan. Việc xả lũ đã được chính quyền địa phương thông báo trên đài truyền thanh của xã trước đây 2-3 tháng để bà con kịp thời nắm bắt kế hoạch xả lũ của UBND huyện. Theo quy định, nước lũ trên sông Vàm Nao phải cao trên 3m mới đóng cống xả, tuy nhiên, do năm nay lượng nước mưa kết hợp với triều cường lớn nên mực nước cao hơn so với mọi năm…”.
Nhiều diện tích cây ăn trái bị ngập úng do xả lũ - Ảnh: Linh Nguyên - Minh Đức. |
Đề cập đến việc kiểm soát xả lũ, ông Sang cho biết: “Việc xả lũ thường dựa vào kinh nghiệm là chính. Chủ yếu dựa vào việc ngập gốc rạ tại khu vực cao nhất để điều tiết mực nước chứ không đo đạc thực tế. Chẳng hạn, ngồi ngay tại đây, nhìn mức nước dâng lên mố cầu phía trước cổng UBND xã tôi cũng có thể biết được mực nước trong đồng là bao nhiêu…”.
Liên quan đến “tiếng kêu cứu” của người dân bị thiệt hại vườn cây trái do xả lũ vừa qua, ông Sang giải thích: “Vùng sản xuất cây ăn trái tại khu vực thiệt hại do nước lũ mà PV phản ánh hiện chưa nằm trong vùng quy hoạch chuyển đổi sản xuất cây ăn trái nên người dân phải tự đảm bảo về mặt đê bao để khi xả lũ không gây thiệt hại. Nhà nước có khuyến khích chuyển đổi cây trồng nhưng người dân phải chủ động phòng chống lũ để bảo vệ hoa màu…”.
“Việc khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái và khuyến cáo các biện pháp bảo vệ bằng miệng chứ không có văn bản. Hiện nay xã đã nhận được chỉ đạo của UBND huyện về việc lập danh sách các hộ dân bị thiệt hại để rà soát và có biện pháp hỗ trợ… Tuy nhiên xã chưa thể thống kê được mức độ thiệt hại nên chưa báo cáo lên huyện…”.
Hàng chục ha cây trái của người dân bị mất trắng do xả lũ (hình Linh Nguyên - Minh Đức) |
Tương tự, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Phú Thành Nguyễn Bá Vạn cũng cho rằng, việc xả lũ chủ yếu là do kinh nghiệm chứ không đo đạc mực nước, nhưng cơ bản phải đảm bảo ngập hết diện tích đất lúa đã thu hoạch.
Liên quan đến diện tích cây ăn trái bị thiệt hại trong đợt xả lũ gần đây, ông Vạn cho biết: “Đa số những diện tích bị thiệt hại đều thuộc khu vực chưa được quy hoạch trồng cây ăn trái nên việc bảo vệ hoa màu bà con phải tự chủ động. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình vẫn còn chủ quan khi không chủ động nâng cao bờ bao dẫn đến tình trạng ngập úng. Vì vậy, rút kinh nghiệm…”.
Hiện tại UBND xã đã lập đoàn kiểm tra để thống kê thiệt hại, báo cáo lên UBND huyện để đề nghị có biện pháp hỗ trợ bà con kịp thời… Tuy nhiên, thẩm quyền hỗ trợ người dân phụ thuộc vào cấp trên…”.
Về quy trình xả lũ, ông Nguyễn Thanh Tuyến - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Tân cho biết: “Việc xả lũ được thực hiện theo quy trình mực nước cách mặt ruộng khoảng 1m đối với vùng trũng nhất. Việc đóng, mở cống xả lũ nội đồng sẽ do UBND các xã liên quan quản lý trực tiếp. Bên cạnh đó, khi cống vành đai sông Vàm Nao dâng cao 3m sẽ tiến hành đóng cửa cống”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đăng Khoa - Phó trưởng phòng NN&PTNN huyện Phú Tân cho biết: “Phòng NN&PTNT huyện đã yêu cầu các xã thống kê, báo cáo diện tích và mức độ thiệt hại của cây trồng do lũ để làm cơ sở đề nghị lãnh đạo huyện báo cáo và xin ý kiến UBND tỉnh có biện pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, đến hôm nay (ngày 18/10) là hạn cuối cùng phải nộp báo cáo nhưng xã Hiệp Xương vẫn chưa có thông tin phản hồi. Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện cũng đã nhắc nhở lãnh đạo xã Hiệp Xương nhanh chóng thống kê thiệt hại và báo cáo kịp thời”.
“Vấn đề ngập lũ một phần do sự chủ quan của người dân do những năm gần đây không có lũ lớn, một phần do địa hình những vùng lên vườn đa số trũng thấp nên nền đất yếu làm cho hệ thống đê bao dễ sụt lún theo thời gian… Bên cạnh đó, năm nay do ảnh hưởng của thời tiết mưa bão nhiều nên lượng nước lũ cũng dâng cao bất thường…” - Ông Khoa chia sẻ thêm.
Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh An Giang thăm mô hình chuyển đổi cây ăn trái tại Công ty Kim Trường Phát - Ảnh: AGTV. |
Hiện tại, UBND huyện Phú Tân đã giao Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND xã Hiệp Xương, UBND xã Phú Thành và các đơn vị có liên quan rà soát, kiểm tra thực tế, cũng như các quy định của pháp luật có liên quan và khẩn trương tham mưu, đề xuất UBND huyện xem xét, xử lý theo quy định. Thời gian hoàn thành trước ngày 3/11/2022.
Câu hỏi mà dư luận đặt ra là trước khi sự cố đáng tiếc này xảy ra, Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân cũng đã đưa ra dự báo và lưu ý các địa phương phải đảm bảo hiệu quả khi xả lũ và hài hòa với lợi ích giữa các loại hình sản xuất, hạn chế tối đa thiệt hại cho một số diện tích cây ăn trái và việc chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm; Tổ chức tuần tra, kiểm tra các tuyến đê bao để có phương án xử lý phù hợp… Thế nhưng sau khi hàng chục hecta cây ăn trái bị thiệt hại do xả lũ gây ra đến nay vẫn chưa một cá nhân, tổ chức nào chịu trách nhiệm?
Trường Giang - Phạm Sinh - Phú Khuynh