Khởi công giai đoạn 1 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 được tổ chức với hình thức kết nối trực tuyến 4 điểm cầu.
Trong đó, điểm cầu chính được đặt tại vị trí đầu tuyến Km 0+314 thuộc địa phận xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Ba điểm cầu phụ được đặt tại TP Cần Thơ (Ấp Thới Hiệp 2, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ), tỉnh Hậu Giang (khu dân cư vượt lũ Tân Hòa, huyện Châu Thành A) và tỉnh Sóc Trăng (thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng nhiều lãnh đạo của các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng… tại Lễ khởi công (Hình TTXVN) |
Theo quy hoạch, Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188km, điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc TP. Châu Đốc (An Giang), điểm cuối giao quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng). Tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục, vận tốc thiết kế 100km/h (giai đoạn 1). Đây là cao tốc trục ngang đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được chia thành 4 dự án thành phần do 4 địa phương có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 1 nằm trên địa bàn tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ có chiều dài hơn 57 km, tổng mức đầu tư ước 13.800 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 thuộc địa bàn TP. Cần Thơ, chiều dài hơn 37 km, tổng mức đầu tư khoảng 9.800 tỷ đồng; Dự án thành phần 3 thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang, chiều dài khoảng 37 km, tổng mức đầu tư dự tính hơn 9.900 tỷ đồng; Dự án thành phần 4 trên địa bàn hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, chiều dài 57 km, tổng mức đầu tư hơn 11.100 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, dự án đường bộ Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Tổng quan dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng |
Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được đầu tư xây dựng nhằm hình thành trục ngang trung tâm vùng ĐBSCL qua TP. Cần Thơ, tỉnh An Giang, Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng, kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam. Dự án cũng được kỳ vọng sẽ tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng ĐBSCL với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
Dự án này cũng sẽ giúp ĐBSCL không còn bị lệ thuộc nhiều vào TP. Hồ Chí Minh cho việc xuất khẩu hàng hóa đi các nơi, vì tuyến đường bộ cao tốc này sẽ được nối liền với cảng Trần Đề được quy hoạch đến năm 2030 với năng lực thông quan khoảng 50 - 55 triệu tấn/năm, giai đoạn đến 2050 dự kiến đạt 130 -150 triệu tấn/năm. Đây cũng được coi như là một trong những cảng cửa ngõ, là động lực cho vùng ĐBSCL phát triển theo trục dọc, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các trung tâm kinh tế trong khu vực, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng; từng bước hình thành trục kết nối, giao thương và phát triển kinh tế - xã hội giữa Việt Nam với các nước tiểu vùng sông Mê Kông…/.
Trường Giang