Hải Phòng tăng cường năng lực quản lý tổng hợp chất thải rắn
Bài 2: Tình hình quản lý chất thải rắn trên địa bàn
Trách nhiệm của UBND các cấp trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt |
Rác thải hữu cơ được xử lý thành phân mùn vi sinh tại Khu liên hợp xử lý rác thải Tràng Cát (Hải Phòng) |
Trong thời gian qua, công tác thu gom và xử lý chất thải rắn trên địa bàn Thành phố gặp rất nhiều khó khăn như rác thải sinh hoạt không được phân loại tại nguồn; các bãi rác tạm xử lý rác sinh hoạt nông thôn chưa được xử lý theo đúng quy định; rác thải sinh hoạt nông thôn được xử lý bằng biện pháp đốt chưa đảm bảo về một số thông số kỹ thuật theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia….
Chất thải rắn sinh hoạt đô thị
Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị thu gom tại 07 quận trên địa bàn thành phố khoảng 1.100 tấn/ngày (đạt 97,5%); tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị thu gom được xử lý hợp vệ sinh đạt 100%.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 4 đơn vị thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, gồm: Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng thu gom trên địa bàn 4 quận: Lê Chân, Hồng Bàng, Hải An, Ngô Quyền và 1 phần huyện An Dương; xử lý rác thải trên địa bàn 07 quận: Lê Chân, Hồng Bàng, Hải An, Ngô Quyền, Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn và huyện An Dương. Công ty Cổ phần Công trình công cộng và Xây dựng Hải Phòng thu gom rác thải trên địa bàn quận Kiến An. Công ty Cổ phần Công trình công cộng và Dịch vụ du lịch Hải Phòng thu gom rác thải trên địa bàn quận Đồ Sơn và một phần quận Dương Kinh và xử lý rác thải trên địa bàn 02 quận: Đồ Sơn, Dương Kinh (rác thải trên địa bàn quận Dương Kinh và Đồ Sơn chuyển về xử lý tại bãi rác Đình Vũ từ ngày 15/9/2018). Hợp tác xã Môi trường và Dịch vụ thương mại Thành Vinh thu gom rác thải trên địa bàn một số phường thuộc quận Dương Kinh.
Chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố được xử lý chủ yếu theo phương thức chôn lấp hợp vệ sinh tại 02 khu xử lý: Tràng Cát và Đình vũ. Riêng khu xử lý rác Đình Vũ, ngoài chôn lấp hiện có đã áp dụng thử nghiệm mô hình xử lý rác Fukuoka của Nhật Bản, tuy nhiên do điều kiện về hạ tầng kỹ thuật nên mô hình này mới ở hình thức thử nghiệm.
Chất thải rắn sinh hoạt nông thôn
Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt của 08 huyện trên địa bàn thành phố Hải Phòng khoảng 220.776 tấn/năm; tỷ lệ thu gom, xử lý đạt khoảng 87,2%. Đến đầu năm 2017, trên địa bàn thành phố có 156 bãi rác tại 101 xã (huyện An Lão có 24 bãi rác; Kiến Thuỵ có 26 bãi rác; Tiên Lãng có 26 bãi rác; Thuỷ Nguyên có 17 bãi rác; Cát Hải có 03 bãi rác; An Dương có 02 bãi rác; Vĩnh Bảo có 50 bãi rác). Các địa phương đã tổ chức thực hiện xử lý chôn lấp được 140 bãi rác/100 xã (đạt tỷ lệ 90% số bãi), còn lại 16 bãi chưa được xử lý (gồm: Cát Hải 1 bãi, Kiến Thuỵ 5 bãi, Vĩnh Bảo 10 bãi); có 33/156 bãi rác tạm đã ngừng chôn lấp rác (đạt tỷ lệ 22%); rác thải sinh hoạt nông thôn được xử lý bằng biện pháp chôn lấp đơn giản, chưa đạt tiêu chuẩn về kỹ thuật và môi trường trong khâu xử lý.
Số doanh nghiệp tham gia dịch vụ thu gom, vận chuyển là 10 tổ chức (03 Hạt quản lý đường bộ, 6 doanh nghiệp và 01 hợp tác xã). Ký kết hợp đồng dịch vụ cho 62 xã tại 6 huyện, tổng lượng rác được thu gom, vận chuyển, xử lý tập trung khoảng 186 tấn/ngày (chiếm 38,5% rác khu vực nông thôn) trong đó có 06 xã, thị trấn (lượng rác khoảng 23 tấn/ngày) rác thải được xử lý bằng lò đốt (chiếm 12,36 lượng rác xử lý tập trung).
Chất thải rắn công nghiệp thông thường
Hàng năm, khoảng 400 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có báo cáo tình hình phát sinh và quản lý chất thải. Qua theo dõi thống kê, năm 2016, chất thải công nghiệp thông thường phát sinh với tổng khối lượng 2.508.000 tấn; năm 2017 khoảng 2.495.000 tấn. Chất thải rắn công nghiệp thông thường được các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phân loại, lưu giữ tại cơ sở về cơ bản đã đúng quy định.
Hiện nay, toàn bộ lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường được 07 đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại, gồm: Công ty TNHH Tân Thuận Phong; Công ty Cổ phần Thương mại Hải Đăng; Công ty TNHH Phát triển thương mại và sản xuất Đại Thắng; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Toàn Thắng; Công ty Cổ phần Hoà Anh; Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ kho vận Phú Hưng; Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hải Phòng và các đơn vị thu mua phế liệu nhỏ lẻ thu gom. Ngoài ra, một số doanh nghiệp hợp đồng với đơn vị khác ngoài thành phố để thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp thông thường.
Chất thải rắn nguy hại
Kết quả tổng hợp số liệu chất thải nguy hại của các cơ sở sản xuất kinh doanh với lượng chất thải nguy hại phát sinh hàng năm tăng dần, cụ thể như sau:
Năm
Khối lượng |
2014 |
2015 |
2016 |
2017 |
CTNH phát sinh (kg) | 3.288 | 7.262,90 | 8.460,89 | 14.435,721 |
CTNH được thu gom xử lý (kg) | 2.987 | 6.426,09 | 7.614,80 | 14.001,11 |
Tỷ lệ CTNH được thu gom, xử lý (%) | 91 | 88 | 90 | 97 |
Chất thải nguy hại cơ bản được các chủ nguồn thải phân loại, lưu giữ đúng quy định theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên & Môi trường. Tuy nhiên, còn nhiều doanh nghiệp chưa thu gom triệt để, lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại chưa đúng quy định do ý thức hoặc do chưa cập nhật các văn bản pháp luật quy định.
Tổng lượng chất thải y tế nguy hại phát trên địa bàn thành phố trung bình khoảng 787,91 kg/ngày, trong đó: 09 bệnh viện tuyến thành phố; 16 bệnh viện đa khoa quận/huyện và Trung tâm y tế có giường bệnh phát sinh khoảng 701,32 kg/ngày (chiếm 89,01%). 08 bệnh viện trực thuộc các Bộ, ngành đóng trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 40,1 kg/ngày (chiếm 5,09%). 11 Trung tâm y tế dự phòng (01 Trung tâm y tế dự phòng thành phố và 10 Trung tâm y tế quận/huyện không có giường bệnh) phát sinh khoảng 5,93kg/ngày (chiếm 0,75%). 15 Trung tâm y tế chuyên khoa các đơn vị trực thuộc phát sinh khoảng 0,45 kg/ngày (chiếm 0,06%). 224 trạm y tế xã/phường/thị trấn phát sinh khoảng 13,85kg/ngày (chiếm 1,76%). 06 bệnh viện đa khoa tư nhân phát sinh khoảng 26,71 kg/ngày (chiếm 3,36%).