Bến Tre: Tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt

29/06/2023 18:33 Địa phương
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI đã đặt ra các chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt trên 95%, tại khu vực nông thôn đạt 80% và tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn đạt 70%. Để đảm bảo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, tỉnh Bến Tre đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian qua.
Phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường luôn là mục tiêu lâu dài của tỉnh Bến Tre
Phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường luôn là mục tiêu lâu dài của tỉnh Bến Tre

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bến Tre, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 1.000 tấn/ngày, tương đương hơn 360.000 tấn/năm. Tỷ lệ thu gom, xử lý tại các bãi chôn lấp và nhà máy xử lý rác thải tập trung khoảng 420 tấn/ngày, tương đương hơn 150.000 tấn/năm. Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại đô thị khoảng 300 tấn/ngày, tỷ lệ được thu gom và xử lý tại cơ sở xử lý rác thải tập trung là 94%. Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại nông thôn là hơn 700 tấn/ngày, tỷ lệ được thu gom và xử lý là 64%.

Hiện tỉnh đang đầu tư Nhà máy xử lý rác thải tập trung tại tỉnh, nhà đầu tư là Công ty cổ phần xử lý rác thải Bến Tre. Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 350 doanh nghiệp đăng ký hoạt động các ngành nghề liên quan đến dịch vụ môi trường như: khai thác, xử lý và cung cấp nước; thoát nước và xử lý nước thải; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải; tái chế phế liệu. Các doanh nghiệp đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

Có thể nhận thấy, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao công tác quản lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng, thời gian tới tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ban hành các văn bản để hoàn thiện hệ thống các quy định, chính sách về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động về bảo vệ môi trường của tỉnh; xây dựng kế hoạch, từng bước triển khai có hiệu quả chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; thúc đẩy giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng rác thải, trong đó có rác thải nhựa; tăng cường khả năng phân loại, tái chế, tái sử dụng và ủ phân compost nhằm giảm tối đa lượng rác thải được xử lý bằng hình thức chôn lấp trực tiếp; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ chôn lấp trực tiếp dưới 30%.

Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre làm đầu mối tổ chức phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và các địa phương mở rộng các mô hình phân loại rác thải tại nguồn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn; xử lý triệt để, ngăn chặn kịp thời các bãi chôn lấp rác tự phát; từng bước xóa bỏ các bãi rác cấp xã, bãi rác tạm và thay vào đó là đầu tư xây dựng điểm tập kết, trạm trung chuyển rác đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Mới đây nhất, ngày 02 tháng 6 năm 2023, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Quyết định số 24/2023/QĐ-UBND về việc quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Việc ban hành quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt thể hiện quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Quyết định này đã thể hiễn rõ ràng các quy định về phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt; quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;quản lý chất thải rắn cồng kềnh; quản lý hoạt động thu gom chất thải rắn trên đường, khu vực công cộng và thu gom trên sông, rạch, kênh, mương, ven biển cũng như các chính sách ưu đãi về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Bên cạnh đó, Quyết định số 24/2023/QĐ-UBND cũng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạtđổi với các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt; trách nhiệm của cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; quyền và trách nhiệm của cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt;trách nhiệm của đơn vị được giao quản lý, vận hành bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.

Quyết định này cùng với Quyết định số 21/2023/QĐ-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2023 của UBND tỉnh Bến Tre trước đó quy định về việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh thể hiện sự thống nhất trong tăng cường hoàn thiện hệ thống các quy định, chính sách về quản lý chất thải rắn của tỉnh.

Việc ban hành các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt cũng như thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre trong công cuộc xây dựng tỉnh thành một địa phương phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Làm tốt công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung là cơ sở để xây dựng một Bến Tre phát triển thịnh vượng, với đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, có môi trường sống lý tưởng cho người dân theo đúng Quy hoạch tỉnh Bến Tre tầm nhìn đến 2050.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động