Bình Định tăng cường công tác quản lý tín chỉ Carbon

07/06/2024 08:55 Tăng trưởng xanh
Nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) trên địa bàn tỉnh Bình Định, ngày 03/6/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 116/KH-UBND về việc thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 02/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon.
Bình Định tăng cường công tác quản lý tín chỉ Carbon

Theo kế hoạch, Sở Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các Sở Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi tín chỉ carbon trong nước và ra nước ngoài sau khi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP được Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, chủ trì, tham mưu việc phổ biến hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon, quản lý các chương trình, dự án, hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tạo tín chỉ carbon phục vụ triển khai thí điểm và phát triển thị trường carbon trong nước, trao đổi với quốc tế.

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các ngành, đơn vị, địa phương tổng hợp thông tin các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chương trình dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trên địa bàn tỉnh báo cáo UBND tỉnh để báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, đôn đốc, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện NDC, Công ước khung của Liên hợp quốc, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về biến đổi khí hậu, về giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh; kịp thời báo cáo và tham mưu UBND tỉnh những giải pháp để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, đơn vị được phân công trong Kế hoạch; tổng hợp tình hình thực hiện báo cáo UBND tỉnh để báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường đúng thời gian quy định.

Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương về nội dung nêu tại khoản 4 của Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 02/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện NDC.

Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng và đánh giá, xác định tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng cấp tỉnh đến năm 2030 và có tính đến năm 2050, và đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu NDC để làm cơ sở cho các hoạt động trao đổi tín chỉ carbon rừng.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, Phòng Văn hoá và Thông tin, Trung tâm Văn hoá - Thông tin - Thể thao các huyện, thị xã, thành phố, hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia, NDC, phương thức tạo tín chỉ carbon, tham gia thị trường carbon tự nguyện, tổ chức và phát triển thị trường carbon tuân thủ.

UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp các Sở, ngành rà soát danh mục lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính trên địa bàn để phục vụ việc cập nhật danh mục lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính định kỳ 02 năm một lần theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban liên quan, đài phát thanh địa phương xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông về thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia, Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, NDC, phương thức tạo tín chỉ carbon, tham gia thị trường carbon tự nguyện, tổ chức và phát triển thị trường carbon tuân thủ./.

Công Thành
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động