Bộ Tài nguyên và Môi trường với nhiệm vụ “Phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

30/05/2023 12:26 Tăng trưởng xanh
Nghị quyết số 15-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu đó, ngành Tài nguyên và Môi trường cũng đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong các lĩnh vực quản lý của ngành.
Phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - nhiều nhiệm vụ cần ngành Tài nguyên và Môi trường giải quyết
Phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 còn nhiều nhiệm vụ cần ngành Tài nguyên và Môi trường quyết tâm thực hiện

Mới đây, Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 07/02/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tập trung vào hoàn thiện cơ chế, chính sách và tạo nguồn lực cho phát triển bền vững Thủ đô.

Nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về sử dụng tài nguyên và quản lý môi trường phù hợp chiến lược phát triển của Thủ đô. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và đề xuất các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền liên quan đến đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để cải thiện, tạo lập môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đặc biệt là kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân.

Tăng cường công tác quy hoạch và khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch ngành, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, phát triển nhanh, bền vững phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn tới.

Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ việc lập kế hoạch sử dụng đất 05 năm giai đoạn 2021-2025 của thành phố Hà Nội, lập và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để đảm bảo quỹ đất phù hợp, thống nhất với các quy hoạch đã được phê duyệt. Kiểm soát chặt chẽ quy trình chuyển đổi đất tại khu vực nông thôn thành đất đô thị theo quy hoạch và chương trình phát triển đô thị. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các hoạt động nhiệm vụ chính

Tăng cường nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể triển khai pháp luật về bảo vệ môi trường, đưa nội dung bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vào quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án,... theo hướng chủ động phòng ngừa và kiểm soát nguồn gây ô nhiễm tác động xấu đến môi trường, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường để xây dựng Thủ đô Xanh - Sạch - Đẹp và phát triển bền vững; giải quyết các vấn đề môi trường “nóng” như ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm không khí tại đô thị, ô nhiễm tiếng ồn, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt… đặc biệt là đối với sông Tô Lịch. Tăng cường quản lý các cơ sở bảo tồn thiên nhiên, nuôi nhốt các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cácbon thấp hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050; Khuyến khích và có các biện pháp hỗ trợ các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố chuyển đổi sang loại hình khu công nghiệp sinh thái hoặc xây dựng mới các khu công nghiệp sinh thái nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, năng lượng, nâng cao tính cạnh tranh của khu công nghiệp trong thu hút đầu tư và phát triển bền vững là các nhiệm vụ lâu dài.

Xây dựng và triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị, quản lý và xử lý hiệu quả các vấn đề về nhà ở đô thị, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự và an toàn giao thông, xử lý chất thải, nước thải và bảo đảm vệ sinh môi trường; thực hiện hoàn thiện và chuẩn hóa hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu về đất đai và tài nguyên vào năm 2025.

Xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố
Xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là trách nhiệm không chỉ của ngành Tài nguyên và Môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ về tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ở Thủ đô như: Tăng cường quản lý và bảo vệ nguồn nước, môi trường các lưu vực sông, xử lý ô nhiễm khu vực cửa sông, hệ thống hồ ao; đảm bảo an ninh nguồn nước sinh hoạt, sản xuất; xử lý hệ thống nước thải kết hợp với hành lang thoát lũ và chỉnh trang xây dựng các không gian xanh đô thị nhằm từng bước khắc phục tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố. Tập trung hoàn thành cải tạo môi trường hệ thống các sông, hồ; các chương trình chống úng, ngập; hạ tầng xử lý rác thải, nước thải, cây xanh đô thị... theo quy hoạch đô thị. Xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng và triển khai mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường, hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn và giám sát biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, dự báo, cảnh báo về khí tượng thủy văn và ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố. Quan tâm đẩy mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng, thực hiện quy hoạch, kế hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên trên địa bàn Thủ đô gắn với công tác đánh giá tác động môi trường và đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu.

Tiếp tục khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, sử dụng các loại nguyên vật liệu mới thân thiện với môi trường để thay thế các loại vật liệu truyền thống. tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về môi trường của các cấp quản lý và mọi người dân để cùng thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Hướng dẫn rà soát các dự án đã được giao đất, cho thuê đất và dự án chưa được giao đất để kịp thời điều chỉnh dự án hoặc thu hồi nhằm tạo quỹ đất đầu tư các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở cho người thu nhập thấp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường giao các đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong công tác tham mưu, xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tài nguyên môi trường, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội và cả nước.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động