Bộ Thông tin và Truyền thông công bố giải pháp tổng thể nhằm tăng năng lực cạnh tranh quốc gia

18/09/2018 19:34 Tăng trưởng xanh
Đây là những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong năm nay, Việt Nam tăng thêm từ 8-18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.

Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch tổng thể thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

Ngoài việc thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP, yêu cầu của kế hoạch tổng thể còn bám sát các tiêu chí đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, về năng lực đổi mới sáng tạo của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới và về Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.

Bên cạnh đó, bản kế hoạch tổng thể này thực hiện kiên định các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP và Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, đến năm 2020, chất lượng môi trường kinh doanh Việt Nam ngang hàng với trung bình các nước ASEAN 4.

Mục tiêu được đưa ra của kế hoạch tổng thể là tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để trong năm nay, Việt Nam tăng thêm từ 8-18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.

Theo đó, Việt Nam sẽ hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh, kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Danh mục nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư.

Bên cạnh đó, trong những năm tới Bộ sẽ giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành. Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ đẩy nhanh tiến độ ứng dụng Công nghệ Thông tin (CNTT) trong giải quyết các thủ tục hành chính và thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Để làm được điều này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đưa ra một loạt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Thứ Nhất, yêu cầu đầu tiên là thắt chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường liêm chính, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công vụ; thay đổi thái độ làm việc phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp; kịp thời phát hiện và thay thế cán bộ, công chức chần chừ trong cải cách thủ tục hành chính, tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, hoặc có hành vi lạm dụng thẩm quyền, vị trí việc làm để tư lợi riêng.

Thứ hai, tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến; áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan; triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp…; thực hiện thuê dịch vụ CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, thuê ngoài đối với các dịch vụ liên quan đến thanh toán, chi trả; đào tạo nhân lực công nghệ thông tin.

Thứ ba, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đồng bộ, tránh chồng chéo, gây ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp.

Thứ tư, hoàn thành rà soát, xây dựng kế hoạch cắt giảm, bổ sung, sửa đổi các quy định về Điều kiện đầu tư, kinh doanh trước tháng 6/2018 và hoàn thành soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định về Điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó bãi bỏ các Điều kiện đầu tư, kinh doanh không còn cần thiết, trình Chính phủ trong quý III/2018.

Thứ năm, cắt giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành trong từng lĩnh vực ngay trong năm 2018. Trước ngày 31/10/2018 hoàn thành việc rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan.

Tạo môi trường cạnh tranh, minh bạch, khuyến khích phát triển thị trường các dịch vụ thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận; xóa bỏ độc quyền của một số tổ chức được các bộ quản lý chuyên ngành chỉ định như hiện nay.

Thứ sáu, chú trọng ứng dụng CNTT, thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực quản lý của Bộ.

Thứ bảy, nghiên cứu, rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử để phù hợp với môi trường kinh tế số và xây dựng Chính phủ điện tử.

Thứ tám, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với thẻ viễn thông, thẻ game, kiểm soát chặt chẽ việc phát hành và sử dụng thẻ viễn thông, thẻ game của các công ty viễn thông; tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động cung ứng các trò chơi điện tử tuyến nhằm ngăn chặn các hình thức cờ bạc trá hình, bất hợp pháp.

Thứ chín, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện trục tích hợp dữ liệu quốc gia để thực hiện liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành phục vụ cho công tác quản lý và thực hiện giao dịch điện tử.

Thứ mười, tổ chức hướng dẫn các bộ, ngành đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độc cao; thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích giúp cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính hiệu quả hơn.

Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử bảo đảm phù hợp với môi trường kinh tế số và xây dựng chính phủ điện tử.

Bộ trưởng yêu cầu trước ngày 30/6, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ xây dựng Kế hoạch hành động của đơn vị mình, trong đó xác định cụ thể mục tiêu, các nhiệm vụ phải thực hiện, các văn bản pháp luật phải bổ sung, sửa đổi, thời hạn hoàn thành.

Trước ngày 10 của tháng cuối quý và trước ngày 10 tháng 12, các cơ quan đơn vị thuộc Bộ xây dựng báo cáo, đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện trong quý và cả năm gửi Văn phòng Bộ, Vụ Quản lý doanh nghiệp để tổng hợp.Vụ Quản lý doanh nghiệp và Văn phòng Bộ được giao nhiệm vụ phối hợp theo dõi, đôn đốc thực hiện và tổng hợp xây dựng báo cáo thực hiện Nghị quyết 19-2018/NQ/CP của Bộ TT&TT.

 
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động