Cách mạng công nghiệp 4.0 và ảnh hưởng của nó tới Việt Nam

19/09/2018 02:15 Công nghệ, thiết bị
Loài người đã trải qua 3 lần đại cách mạng công nghiệp và bắt đầu từ năm 2000 bước sang thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Người ta gọi đó là cách mạng công nghiệp 4.0.

Cũng giống như 3 cuộc cách mạng công nghiệp lần trước, 4.0 giúp năng suất lao động tăng lên nhiều lần so với trước, giảm thiểu hao phí cơ bắp và trí não cho con người, góp phần nâng cao đời sống và bảo vệ môi trường sinh thái. Thế nhưng, với sự tích hợp những ưu việt nhất của các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây và đặc biệt với sự trợ giúp của những đột phá trong công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp 4.0 đã tích hợp hài hòa 3 lĩnh vực chủ yếu lại với nhau, đó là: yếu tố vật lý, kỹ thuật số và công nghệ sinh học.

Cách mạng công nghiệp 4.0 và ảnh hưởng của nó tới Việt Nam


CEO Sundar Pichai của Google đã có buổi giao lưu thú vị
với Nguyễn Hà Đông tại Hà Nội, Việt Nam

Yếu tố vật lý: là robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, công nghệ nano,…
Kỹ thuật số: được thể hiện ở internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương lai thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (SMAC),…
Công nghệ sinh học: chủ yếu được áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm, ngành y, công nghiệp dược, năng lượng tái tạo, hóa học, vật liệu mới,…
Với sự kết hợp đó, 4.0 đã gây nên một sự trấn động chưa từng có bởi tác động nhanh và mạnh tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu. Theo các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về 4.0 đã cảnh báo: với sự tích hợp đa chiều đó làm cho quy mô, phạm vi, tốc độ lan tỏa và tính phức tạp của cách mạng 4.0 sẽ vượt trội gấp nhiều lần so với 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó:
Nếu tốc độ phát triển và lan tỏa của 3 đời công nghệ trước theo cấp số cộng, cấp số nhân thì 4.0 phát triển theo hàm số mũ, phi tuyến tính.
Phạm vi ứng dụng và phát triển của 3 cuộc cách mạng trước có thể chỉ ở một số quốc gia, một số lĩnh vực thì 4.0 có tính lan tỏa cao ở mọi ngành, mọi quốc gia, mọi lĩnh vực trên phạm vi toàn cầu và do đó nó làm thay đổi cả hệ thống sản xuất, quản lý, quản trị cũng như cách thức tiêu dùng.
Nếu thời gian thực hiện của cuộc cách mạng 1.0 kéo dài hàng thế kỷ, 2.0 khoảng trên dưới nửa thế kỷ, 3.0 nhiều chục năm thì 4.0 sẽ ào tới như một cơn lốc, nâng cao và đưa đi xa bất cứ ai biết lợi dụng nó nhưng đồng thời cũng nhanh chóng bỏ lại sau những kẻ đứng ngoài cuộc.
Với đặc tính đó, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đem lại cơ hội vượt trội cho mọi quốc gia nắm bắt được cơ hội này, kể cả các nước đang phát triển, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các ý tưởng khởi nghiêp. Mặt khác nó lại gây ra sự phá hoại ghê gớm các kiểu thị trường truyền thống, tạo ra sự cách biệt và bất bình đẳng giữa các quốc gia, các thành phần dân cư. Thậm chí nó có thể gây nên những tổn hại về quyền riêng tư, hao hụt về tài chính, thậm chí cả tính mạng con người nếu hành xử không đúng, không phù hợp.
Thực tế, hơn một thập kỷ qua đã chứng minh: ai biết ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ có cơ hội phát triển và vượt lên nhanh chóng so với đối thủ cạnh tranh, trở thành người đi tiên phong. Trong lĩnh vực truyền thông có thể kể ra Facebook, Twitter, Tencent, lĩnh vực giải trí có Netflix, Pinterest; giáo dục có Cousera, KHAN Academy; giao thông vận tải có Uber, Grap, Didi chungxing; hệ thống phân phối thương mại và dịch vụ có Amazon, Alibaba, v.v…
Việc ứng dụng công nghệ mới vào một lĩnh vực nào đó thường xảy ra sự xung đột gay gắt với cách làm cũ, công nghệ cũ. Nhớ lại người lao động ở Anh đã từng đập phá các động cơ hơi nước vì cho rằng nó là nguyên nhân dẫn tới mất việc làm của nhiều lao động giản đơn. Ngày nay cũng thế, sự xuất hiện của Internet, mạng xã hội đã khai tử nhiều tờ báo danh tiếng đã tồn tại từ lâu đời, những người lái xe taxi truyền thống đang phản ứng gay gắt với Uber, Grap; các cửa hàng thương mại, siêu thị truyền thống đang rơi vào thế cạnh tranh không cân sức với thương mại điện tử, v.v…
Tuy nhiên, phải nhận thức rằng đó là xu thế, là con đường sẽ phải trải qua, vấn đề là biết thích ứng khi cách mạng 4.0 tràn tới. Trong xu thế này đòi hỏi phải thức thời, thay đổi các công cụ quản lý, điều chỉnh lại chính sách, có cách xử lý hài hòa giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài. Đặc biệt phải biết chủ động ứng dụng 4.0 để nâng cao năng suất lao động, đem lại lợi ích lâu dài cho đất nước, cho dân tộc.
Một câu hỏi đặt ra, liệu Việt Nam có thể bắt nhịp được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay không? Nhìn lại lịch sử công nghệ, Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội hòa nhập với 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Vì vậy, cho tới nay trình độ ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam còn ở mức thấp, rất thấp. Theo đánh giá của Viện Quản lý kinh tế, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, số lượng doanh nghiệp của chúng ta trong thời gian vừa qua tăng lên nhanh chóng, trong đó 55% số doanh nghiệp có công nghệ thấp và cực thấp, gần 40% số doanh nghiệp có công nghệ trung bình thấp, chỉ gần 8% số doanh nghiệp có trình độ công nghệ ở mức trung bình cao và chưa đầy 2% tổng số doanh nghiệp Việt Nam có được trình độ công nghệ tương đương với trình độ công nghệ tiên tiến trên thế giới, nhưng lại vẫn chưa tham gia được vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam bước vào cách mạng công nghiệp 4.0 từ vạch xuất phát ban đầu về công nghệ.
Theo các chuyên gia, với hành trang đó đi vào cách mạng công nghiệp 4.0 các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với khó khăn to lớn về sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng (hạ tầng pháp lý, hạ tầng kỹ thuật), đặc biệt đội ngũ lao động còn hành xử theo kiểu tiểu nông, thiếu kỷ luật và kỹ năng công nghiệp. Nhưng mặt khác, Việt Nam lại có một lợi thế cạnh tranh to lớn là “bắt đầu từ chỗ không có gì”. Điều này cũng giống như việc xây nhà mới trên một mảnh đất trống sẽ dễ dàng và ít tốn kém hơn so với cải tạo một ngôi nhà cũ thành một ngôi nhà ưng ý. Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế đó cần phải tổng hòa được các điều kiện cơ bản sau:
1) Chính phủ phải có quyết tâm lớn với tầm nhìn dài chính sách và sự hành động liên tục, đồng bộ, nhịp nhàng.
Gần đây người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần hạ quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, Chính phủ điện tử. Ông khẳng định: Việt Nam quyết tâm lọt vào nhóm các quốc gia đầu tiên ứng dụng công nghệ 5G, Việt Nam cũng đã chính thức đề nghị Nhật Bản hỗ trợ trong việc nghiên cứu, đào tạo và triển khai công nghệ 4.0. Vấn đề bây giờ là hành động và biến quyết tâm của Chính phủ, Trung ương trở thành quyết tâm và hành động của cả hệ thống từ Trung ương xuống đến cơ sở. Đây vừa là yêu cầu, vừa là cơ hội vàng cho tất cả các địa phương, vùng miền bắt nhịp được với cách mạng công
nghiêp 4.0. Tuy nhiên nó đòi hỏi sự ứng xử và hành động của các địa phương không thể theo phong trào, bắt chước nhau như đã từng xẩy ra lâu nay. Với những trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật của cả nước như Hà nội, Thành phố Hồ Chí Minh cần phải đi đầu trong việc xây dựng và đưa vào hoạt động các khu công nghệ cao, các thung lũng phần mềm…làm đầu tầu dẫn dắt cả nước. Thành phố Cần Thơ đã sớm hình thành khu Vườn ươm công nghệ với sự hỗ trợ của Hàn Quốc là một cách làm hay, đáng trân trọng! Rõ ràng các địa phương cần căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình để xây dựng hạ tầng kết nối số, an ninh mạng, tạo nguồn nhân lực số, xây dựng các khu công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh, hệ sinh thái…phù hợp với yêu cầu đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp. Những thành tựu ban đầu của Nông nghiệp sạch Đà lạt là những bài học quý để triển khai ở các địa phương khác.
2) Phải có một cơ sở hạ tầng pháp lý để nuôi dưỡng, vun trồng sự sáng tạo và một cơ sở hạ tầng kỹ thuật đủ mạnh. Để thực hiện điều này, Chính phủ đang tích cực xây dựng môi trường pháp lý, kiến tạo môi trường kinh doanh. Hiện nay, cơ sở hạ tầng viễn thông của Việt Nam bao gồm cáp biển (645Gbps), Backbone (1650 Gbps), vệ tinh (900 Gbps). Hệ thống trạm phát sóng 3G, 4G đã phủ được 95% dân số. Đó là những tín hiệu và vốn quý ban đầu để thực hiện cách mạng 4.0.
3) Có được những doanh nghiệp đủ tầm, đủ năng lực đi tiên phong và làm hạt nhân thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hàng vạn hộ nông dân cùng hành động theo một tín hiệu chung trên con đường thực hiện cách mạng 4.0. Những thành công ban đầu trong chuỗi giá trị của TH True Milk, Vingroup, rau sạch Đà Lạt, Viettel, mía đường Lam Sơn (Lasuco),… là những tín hiệu đáng mừng. Qua thực tế hoạt động của các điển hình này đã gột rửa được quan niệm sai lầm: ứng dụng công nghệ cao sẽ tốn tiền và tăng chi phí. Thực tế nhờ áp dụng Internet vạn vật, Lasuco đã tích hợp hệ thống cảm biến trong vùng nguyên liệu trọng điểm để biết chính xác tình hình từng thửa ruộng, tiến độ thu hoạch, vận chuyển của từng xe mía trên con đường về nhà máy. Do đó, năng suất mía đã tăng từ 45 tấn/ha lên 70 tấn/ha, cá biệt lên tới 120 tấn/ha, tránh được tình trạng thất thoát nguyên liệu khi giá mía thị trường tăng cao như đã từng xảy ra nhiều năm trước đây. Điều này làm tăng năng suất, giảm giá thành sản xuất đáng kể.
4) Tận dụng được cơ hội của hội nhập quốc tế trong việc nghiên cứu, ứng dụng, triển khai thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0.
Việt Nam đã là thành viên của WTO hơn 10 năm, tham gia đàm phán, ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do - FTA, đang là thành viên tích cực biến mục tiêu của Cộng đồng ASEAN trở thành hiện thực, thực hiện phương châm ASEAN 2018 “tự cường” và “sáng tạo”,… Những FTA với Nhật Bản, Liên minh Á - Âu, Liên minh Châu Âu, CP TPP,… sẽ là những điều kiện tuyệt vời để Việt Nam tiếp cận được công nghệ tiên tiến của các nước phát triển hàng đầu trên thế giới.
Một vấn đề cần được giải quyết nhanh và bài bản của Việt Nam là xây dựng một xã hội học suốt đời, một hệ thống giáo dục vì sự sáng tạo đồng thời có được cách thức đào tạo lại, đào tạo bổ sung cho những người mất việc làm do tác động của 4.0. Mặt khác, cũng cần phải sửa đổi Luật ruộng đất, thay đổi các quy định đã lạc hậu về hạn điền để cởi bỏ sợi dây tự buộc chân mình trên con đường đưa nông nghiệp nước nhà lên con đường sản xuất lớn, áp dụng những thành tựu mới của công nghệ sinh học ở vùng nông thôn rộng lớn.

Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động