Châu Âu tìm giải pháp giảm khí thải hàng không

31/05/2023 11:13 Tác động môi trường
Châu Âu hiện đang đi đầu trong công cuộc thúc đẩy người dân tìm kiếm các giải pháp “xanh” thay thế cho việc di chuyển bằng máy bay cho các chặng bay ngắn. Một phong trào tẩy chay đi máy bay - phong trào “flight shame” (đi máy bay là đáng xấu hổ) đã được phát động. Kể từ đó, nhiều người châu Âu đã lựa chọn di chuyển bằng tàu hỏa - một giải pháp được coi là thân thiện hơn với môi trường.
Châu Âu tìm giải pháp giảm khí thải hàng không

Một chiếc máy bay thải ra khí trắng trên bầu trời

Các hãng hàng không, trong đó có hãng KLM của Hà Lan, đang tích cực hợp tác với các đối tác vận tải đường sắt đối với một số tuyến vận tải. Trong khi đó, hai nước Áo và Pháp cũng đang nỗ lực tìm cách hạn chế các chặng bay nội địa mà có dịch vụ đường sắt hoạt động.

Một cuộc cách mạng đường sắt đang diễn ra tại châu Âu, với các tuyến tàu cao tốc và các nhà điều hành mới được đưa vào hoạt động, đảo ngược xu hướng giảm nhu cầu dịch vụ tàu chạy qua đêm, cũng như việc xây dựng các tuyến đường hầm, lắp đặt các đầu máy xe lửa mới giúp giảm thời gian di chuyển, cải thiện độ tin cậy và hiệu quả. Các chương trình khuyến mãi vé giá rẻ cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc kích cầu.

Với nguồn đầu tư dồi dào vào đường sắt, quá trình “tàu hỏa hóa” mạng lưới vận tải của châu Âu đang trên đà phát triển tốt và việc di chuyển hầu hết dựa vào đường sắt chỉ còn là vấn đề thời gian, trả lại bầu trời trong xanh cho châu lục này. Tuy nhiên, quá trình chuyển giao vẫn gặp một số khó khăn khi tiến độ vẫn chậm. Chưa có dấu hiệu cho thấy các sân bay tại châu Âu sẽ yên ắng hơn trong thời gian tới.

Đầu năm 2023, Pháp đã ban hành lệnh cấm 3 chặng bay nội địa đường ngắn nhằm cắt giảm mức độ ô nhiễm khí thải. Mặc dù đã được các quan chức Liên minh châu Âu (EU) thông qua và ban hành thành luật tại Pháp tháng 5 này, song lệnh này vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong việc tìm giải pháp di chuyển thay thế và hầu như không tác động mạnh tới việc giảm thiểu khí thải.

Theo Tổ chức Transport & Environment (T&E) ước tính, các chặng bay bị cấm chỉ chiếm 0,3% tổng lượng khí thải của ngành hàng không Pháp và chiếm 3% lượng khí thải của các chuyến bay nội địa.

Tuy không nhiều nhưng khí thải hàng không ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình trạng biến đổi khí hậu, do các loại khí, hơi nước và vệt khói từ máy bay thải ra. Hơn nữa, ngành hàng không đang trên đà phục hồi nhanh chóng sau đại dịch COVID, khiến lượng khí thải hàng không tại châu Âu tăng trung bình 5% so với giai đoạn 2013-2019.

Ngoài ra, các hãng hàng không cũng không phải trả thuế nhiên liệu tại EU, đồng thời vé máy bay được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT).

Mặc dù tác động ở mức hạn chế, song lệnh cấm của Pháp tạo tiền đề cho những lệnh hạn chế trong tương lai ngành hàng không. Giám đốc điều hành công ty tư vấn hàng không Altair Advisory, ông Patrick Edmond, đánh giá lệnh cấm này như một dấu hiệu báo trước các biện pháp tương tự có thể được đưa ra nếu ngành không nghiêm túc trong việc giảm thiểu khí carbon.

Pháp không phải là quốc gia EU đầu tiên áp dụng chính sách cứng rắn đối với các chặng bay ngắn. Năm 2020, Chính phủ Áo đã đồng ý hỗ trợ hãng hàng không quốc gia Áo (Austria Airlines) với điều kiện hãng này phải cắt bỏ tất cả các chuyến bay có dịch vụ tàu hỏa chạy dưới 3 tiếng. Chính phủ nước này cũng đưa ra mức thuế 30 euro (32 USD) đối với tất cả các chuyến bay dưới 350 km khởi hành từ các sân bay trong nước. Tây Ban Nha cũng đã đề ra lộ trình cắt giảm các chuyến bay có đường tàu chạy ít hơn 2 tiếng 30 phút vào năm 2050./.

TA
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động