Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng mãi tên người
Sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước, chứng kiến nhiều cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp đều lần lượt thất bại, phong trào cứu nước của nhân dân ta đứng trước khủng hoảng sâu sắc về đường lối, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết chí lên đường ra đi tìm đường cứu nước khi mới vừa tròn 21 tuổi. Lúc này, đối với người thanh niên ấy, chỉ có một khát vọng cháy bỏng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.
Trong những năm tháng bôn ba nơi xứ người, chịu biết bao khó khăn, gian khổ ấy, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã xây dựng một hệ thống lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc phù hợp với thực tiễn Việt Nam; đồng thời, sáng lập ra một chính đảng - Đảng Cộng sản Việt Nam để tổ chức, lãnh đạo, nhân dân làm cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã gắn kết thành một khối, phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc, làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám lịch sử năm 1945. Ngày 2/9/1945, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc. Nước ta từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, một nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhân dân ta từ người nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Từ buổi ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi đi vào cõi vĩnh hằng, trải qua nhiều thập kỷ hoạt động cách mạng đầy sóng gió, chịu đựng biết bao hy sinh gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chèo lái con thuyền cách mạng nước nhà đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người đã khắc ghi vào lịch sử dân tộc những mốc son sáng chói trong các cuộc đấu đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ nền độc lập cho tổ quốc, bảo vệ tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Đó là là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao với chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”; là thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, vững bước tiến trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Có thể thấy, ý chí cứu nước, giành độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân là tinh thần chủ đạo, xuyên suốt cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng như Người đã bộc bạch: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc cho quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”; hay “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Chính lòng yêu nước thương dân ấy, mong muốn ấy của Người đã trở thành niềm động viên to lớn, truyền thêm sức mạnh cho mọi tầng lớp nhân dân cùng đoàn kết một lòng, ủng hộ kháng chiến, tham gia kháng chiến và giành thắng lợi.
Không chỉ hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại cho Đảng ta, nhân dân ta một di sản tư tưởng vô cùng quý báu, một tấm gương sáng ngời về đạo đức, phong cách và lối sống.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; là kết quả của cả một quá trình vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại...
Hệ thống đó bao gồm một số nội dung cơ bản như: Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; Sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; Quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; Quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; Phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân…
Tư tưởng Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng vô cùng phong phú, vĩ đại của Người không những là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam của cách mạng Việt Nam mà còn là đóng góp quý báu của Người vào sự nghiệp cách mạng của các dân tộc bị áp bức trên thế giới, vào sự phát triển những tinh hoa tư tưởng và văn hóa nhân loại.
Về đạo đức cách mạng, nếu như yêu nước thương dân là lẽ sống, là ngọn nguồn, động lực và đích đến của mọi hoạt động cách mạng của lãnh tụ Hồ Chí Minh, thì cần, kiệm, liêm chính lại là những phẩm chất căn bản, cốt lõi tạo nên tính cách, thói quen của Người. Người là hiện thân của nếp sống giản dị, trong sáng, yêu lao động, không màng công danh phú quý cho bản thân. Người là biểu tượng về ý chí, nghị lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng. Người là tấm gương gần dân, tin dân, yêu thương, quý trọng nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người là hiện thân của tinh thần khoan dung, nhân ái Việt Nam; là biểu tượng của đạo đức cách mạng cao đẹp, tinh thần quốc tế trong sáng, thuỷ chung, là sứ giả của hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc.
Những phẩm chất đạo đức cách mạng cao quý của Người không phải tự nhiên mà có. Đó là kết quả của cả một quá trình không ngừng tự tu dưỡng, tự rèn luyện và hoàn thiện bản thân mình. Bằng cả cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng cho mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng noi theo, từ đó tạo ra sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống nhân dân.
Noi gương Người, trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, các thế hệ người Việt Nam, từ cán bộ đảng viên cho đến nhân dân, đã thi đua thực hiện tốt cần, kiêm, liêm, chính. Nhờ đó, dù bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhưng với tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng, ta vẫn huy động được một nguồn lực lớn về sức người sức của, đảm bảo cho các cuộc chiến giành thắng lợi. Trong công cuộc kiến thiết đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trên cả nước đã có hàng hàng triệu cán bộ, đảng viên, những “người tốt, việc tốt”, những Anh hùng, Chiến sĩ thi đua… tiêu biểu cho ý chí tự lực, tự cường của dân tộc; cần cù, sáng tạo, lao động với tinh thần “mình vì mọi người”, “mỗi người làm việc bằng hai”, có ý thức tiết kiệm của công, không tham ô, lãng phí... Nhờ vậy, sự nghiệp kiến thiết đất nước trước đây và công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Đặc biệt, noi gương Người, những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên, liên tục, là tình cảm, trách nhiệm của các cán bộ, Đảng viên cũng như nhiều tầng lớp nhân dân.
Việc xây dựng cam kết, kế hoạch rèn luyện, tu dưỡng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với trách nhiệm nêu gương được triển khai đồng bộ, sâu rộng, ngày càng trở thành việc làm chủ động, thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên (nhất là người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị); xây dựng đội ngũ cán bộ (đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược) có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, tiên phong, gương mẫu; đấu tranh có hiệu quả trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…
Hơn bao giờ hết, trong mỗi bước đi lên của dân tộc, hình ảnh, tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là niềm tin vững chắc, soi sáng con đường đi lên của đất nước. Tiếp tục đi theo con đường cách mạng vẻ vang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Người; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng đất nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Nước Việt Nam từ một xứ thuộc địa phong kiến, nghèo nàn, lạc hậu đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từng bước hoàn thiện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.
Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch của đất nước sau hơn 36 năm đổi mới và hội nhập quốc tế là minh chứng sinh động khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng; khẳng định sự đúng đắn về đường lối cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra. Và chính trong quá trình vận động của cách mạng, tư tưởng, đường lối đó ngày càng được bổ sung, phát triển và hoàn thiện, trở thành ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam vững bước đi tới tương lai.
Tháng 5 nhớ Bác Hồ kính yêu:
Bài: Minh Duyên (tổng hợp)
Ảnh, đồ họa: TTXVN - Lê Phú; Video: Vnews
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Nguyễn Hà