"Công thức chết": El Nino và biến đổi khí hậu nhân tạo

21/08/2019 10:34 Tác động môi trường
Trong nhiều năm trở lại đây, các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra ở khắp nơi trên thế giới với diễn biến ngày càng khó lường. Theo các nhà khoa học, hiện tượng El Nino kết hợp với biến đổi khí hậu nhân tạo chính là nguyên nhân.   
Nền nhiệt toàn cầu tăng nhanh do sử dụng đất bất hợp lý Cần loại bỏ nhiên liệu hoá thạch để kiểm soát nền nhiệt toàn cầu Số ca rắn cắn ở Mỹ tăng đột biến, nghi do biến đổi khí hậu

Diễn biến thời tiết cực đoan

Mùa hè năm nay, Alaska (Mỹ) trải qua những đợt nắng nóng nhất trong lịch sử. Chỉ trong 2 tuần, các nhà khoa học đếm được tới gần 1.000 xác cá hồi còn nguyên trứng bị “luộc” chết do nhiệt độ nước suối tăng cao kỷ lục.

cong thuc chet el nino va bien doi khi hau nhan tao
Những con cá hồi bị nước nóng "luộc" chết còn nguyên trứng trong bụng. Ảnh: CNN.

Bà Sue Mauger - Giám đốc Khoa học của Tổ chức Cook Inletkeeper cho biết: "Nhiệt độ năm 2019 thậm chí đã vượt xa mức nhiệt chúng tôi dự đoán cho trường hợp xấu nhất vào năm 2069".

Tại một số quốc gia châu Phi, cuộc sống của người dân bị đảo lộn, nhiều người tử vong do nắng nóng, thiếu nước sạch. Chính phủ Namibia vừa tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến hạn hán nghiêm trọng. Đồng thời triển khai các gói trợ cấp, hỗ trợ, điều động các xe chở nước đến các khu vực khô hạn, phục hồi các giếng, trạm bơm… Nông dân được khuyến cáo giảm số lượng vật nuôi để tránh thiệt hại.

cong thuc chet el nino va bien doi khi hau nhan tao
Hạn hán kinh hoàng xảy ra nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: Reuters.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), tại Angola, khoảng 2,3 triệu người đang sống trong khủng hoảng an ninh lương thực do khô hạn. Nhiệt độ cao liên tục khiến hoạt động sản xuất, chăn nuôi bị đình trệ; công tác chăm sóc y tế cho người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tại tỉnh Cunene (phía Nam Angola, giáp Namibia) hạn hán kéo dài từ tháng 10 năm ngoái đến nay khiến khoảng 1,1 triệu người (90% dân số) không có đủ nước sạch để sử dụng, hoạt động nông nghiệp cũng bị tê liệt. Vào tháng 3, số người cần chăm sóc sức khoẻ đặc biệt tại địa phương này là 850.000 người. Ở nhiều tỉnh, thành trong khu vực, số trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp lên tới 2.500 cháu.

Ông Tayib Bromand - chuyên gia thích ứng với biến đổi khí hậu tại Bộ Năng lượng và Nguồn nước của Afghanistan cho biết: "Năm ngoái, chúng tôi trải qua hạn hán nghiêm trọng ở nước này, bao gồm cả lưu vực sông Kabul. Mực nước ngầm giảm hơn 10m. Nhiều người buộc phải mua nước để dùng".

Ở Afghanistan, hạn hán cũng hoành hành từ năm ngoái. Bao gồm cả những nơi đông dân như lưu vực sông Kabul - nơi sinh sống của hơn 5 triệu người dân. Có nơi mực nước ngầm giảm tới hơn 10 mét.

Đáng chú ý, tại Ấn Độ, nhiệt độ nhiều nơi vượt mức 45 độ C. Sau khi ghi nhận nhiều ca tử vong vì đột quỵ do nắng nóng, cơ quan chức năng bang Andhra Pradesh (miền Đông Nam Ấn Độ) đã khuyến cáo người dân không ra ngoài đường khi không thật sự cần thiết. Nhiệt độ cao cũng khiến tình hình ô nhiễm không khí trầm trọng hơn, đặc biệt tại những thành phố lớn như Mumbai, Delhi,…

Tại các nước châu Âu như Anh, Đức, Pháp, Hà Lan,… các chuyên gia cũng liên tục ghi nhận mức nhiệt kỷ lục trong mùa hè vừa qua. Nhiều người cần được chăm sóc y tế đặc biệt do nắng nóng. Trẻ em và người già được khuyến cáo ở yên trong nhà để tránh “bão nhiệt”.

El Nino và biến đổi khí hậu nhân tạo - "Công thức chết"

Trong khí tượng học, đôi khi người ta còn gọi hiện tượng El Nino là dao động phương Nam (El Niño–Southern Oscillation). Đây là thuật ngữ để miêu tả hiện tượng nước biển nóng lên tại đại dương nhiệt đới của phần phía Đông và trung tâm Thái Bình Dương. Ngày nay, khoa học đã chứng minh được rằng hiện tượng El Nino có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.

cong thuc chet el nino va bien doi khi hau nhan tao
Nhiệt độ ở bề mặt đại dương ngày càng nóng lên do hiện tượng El Nino cộng hưởng với biến đổi khí hậu nhân tạo. Ảnh minh hoạ: NOAA.

El Nino có khả năng gây ra hạn hán, mưa bão, lụt lội. Đây tuy là hiện tượng thiên nhiên, nhưng sau khi cộng hưởng với sự nóng lên toàn cầu do khí nhà kính con người tạo ra, nó trở nên khó lường và cực đoan hơn.

Bên cạnh đó còn có hiện tượng Al Nina, trong tự nhiên, hai hiện tượng này xảy ra theo một chu kỳ nhất định và đan xen nhau. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, diễn biến của chúng thường xuyên nằm ngoài dự đoán của các nhà khoa học.

Bắt đầu từ năm 2009 - 2010, hạn hán và nắng nóng dữ dội đã bao trùm khu vực rừng nhiệt đới Amazon, ở cường độ lớn hơn rất nhiều so với dự kiến của các nhà khoa học vào thời điểm đó. Năm 2010 đến 2011, hạn hán và sóng nhiệt nghiêm trọng đã tấn công miền nam Hoa Kỳ, song song với hiện tượng La Nina.

Những năm nóng nhất được ghi nhận trên toàn cầu đều trùng với năm có hiện tượng El Nino diễn ra. Từ cuối thế kỷ 20 đến nay, hiện tượng El Nino bắt đầu gia tăng mạnh mẽ, diễn biến phức tạp ở khu vực Trung Thái Bình Dương. Cụ thể, Australia và một số khu vực châu Á, lượng mưa ít hơn đáng kể so với những năm không xảy ra El Nino, gây hạn hán ở nhiều nơi. Trong khi đó, nhiều nước châu Mỹ lại phải hứng chịu mưa lớn, lũ lụt trên diện rộng.

Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), tháng 11/2018 là thời điểm đánh dấu năm thứ 4 liên tiếp nóng nhất trong lịch sử. Nhiệt độ trung bình toàn cầu (cả trên đất liền và đại dương) trong năm 2018 đều cao hơn 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp; 20 năm nóng nhất trong lịch sử đều được ghi nhận trong 22 năm qua.

Tại nhiều khu vực ở châu Mỹ, châu Á, châu Âu, các hình thái thời tiết khắc nghiệt khác cũng liên tục xuất hiện kể từ đó, làm dấy lên mối lo ngại về hiện tượng El Nino “siêu tăng áp” do biến đổi khí hậu nhân tạo.

Tiến sĩ John Fasullo của Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển quốc gia Hoa Kỳ cho biết: "El Nino đang ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta nhiều hơn đáng kể so với cách đây 50 năm. Ô nhiễm môi trường do con người gây ra đang làm cho thời tiết trên Trái đất chuyển đổi mạnh mẽ, từ dạng cực đoan này sang dạng cực đoan khác".

Giữa tháng 4/2019, thông qua kênh truyền hình National Geographic, các nhà khoa học đưa ra cảnh báo: Tác động của hiện tượng El Nino cộng với hệ quả của biến đổi khí hậu nhân tạo có thể sẽ khiến năm 2019 trở thành năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại.

Phó Tổng thư ký WMO Elena Manaenkova cho biết: "Mỗi một biến động tăng dần của nền nhiệt toàn cầu đều có tác động rất lớn đến sức khỏe con người, an ninh lương thực và nước sạch. Sự tồn vong của các loại động, thực vật và chuỗi thức ăn cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Qua đó, con người chính là thủ phạm và cũng là nạn nhân lớn nhất".

Diệu Anh (Theo National Geographic, The Guardian, climate.gov,...)
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động