Nền nhiệt toàn cầu tăng nhanh do sử dụng đất bất hợp lý
Cần loại bỏ nhiên liệu hoá thạch để kiểm soát nền nhiệt toàn cầu Số ca rắn cắn ở Mỹ tăng đột biến, nghi do biến đổi khí hậu Huy động nguồn lực thích ứng biến đổi khí hậu |
Bản dự thảo của một báo cáo về biến đổi khí hậu và sử dụng đất thuộc Uỷ ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) vừa bị rò rỉ cho thấy, nền nhiệt toàn cầu đang tăng nhanh ở mức đáng báo động, không cân sức với những nỗ lực cắt giảm khí thải carbon và chuyển đổi sản xuất năng lượng hiện tại. Theo các chuyên gia, để kiểm soát tốc độ ấm lên toàn cầu, con người cần thay đổi cách thức sản xuất lương thực và quản lý đất đai.
Cụ thể, dân số thế giới vẫn đang trên đà tăng "phi mã", con người hiện khai thác tới 72% diện tích đất liền để phục vụ nhu cầu sinh hoạt; hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp và một số hình thức sử dụng đất khác là nguyên nhân tạo ra một phần tư lượng khí thải nhà kính, chưa kể tới lượng carbon phát sinh do nạn phá rừng, chuyển đổi đất than bùn…
Một trại chăn nuôi gia súc ở California (Mỹ) đang phải chống chọi với hạn hán. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh đó, khoảng 50% lượng khí thải mê-tan (một trong những loại khí nhà kính độc hại nhất) được sinh ra từ hoạt động chăn nuôi và trồng trọt. Bản dự thảo cũng nêu rõ, kể từ khi áp dụng nông nghiệp thâm canh, dân số thế giới đã tăng vọt từ 1,9 tỉ người lên 7,7 tỉ người chỉ trong một thế kỷ. Điều này khiến đất bị xói mòn đáng kể, lượng vật chất hữu cơ trong lòng đất tỉ lệ nghịch với tốc độ gia tăng dân số.
Các nhà khoa học khẳng định, những vấn đề này sẽ trở nên tồi tệ hơn khi biến đổi khí hậu làm tăng cường độ mưa, lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng và các hình thái thời tiết tiêu cực khác. Nếu môi trường đất bị suy thoái đến một mức độ không thể cứu vãn, an ninh lương thực toàn cầu sẽ bị đe doạ nghiêm trọng.
Những nhận định tiêu cực trên không còn là viễn cảnh, khi trên thế giới vừa qua đã xảy ra một loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan cao độ: Sóng nhiệt càn quét châu Âu, nhiệt độ thường trực trên mức 40 độ trong suốt tháng 7; băng tại Bắc Cực tan nhanh kỷ lục, lượng băng tan trong một ngày tháng 6 lên tới 3 tỉ tấn; nhiệt độ toàn cầu trong tháng 7 cao hơn 1,2 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp…
IPCC đã từng cảnh báo trước đó: Nếu nền nhiệt toàn cầu cao vượt mức 1,5 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp, nhân loại sẽ phải hứng chịu thiên tai liên hoàn, rơi vào tình trạng khan hiếm lương thực và nước sạch… Như vậy, con số 1,2 độ C như hiện nay là rất đáng báo động.
Ông Bob Ward - Giám đốc Chính sách của Viện nghiên cứu về biến đổi khí hậu và môi trường Grantham (Anh Quốc) cho biết: "Hiện chúng ta đang ở rất gần ngưỡng nguy hiểm của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Nguy hiểm ở chỗ rất khó để có thể ngăn chặn nó khi mọi thứ đã quá trầm trọng".
Báo cáo của IPCC nhấn mạnh, các nước trên thế giới cần thắt chặt quản lý sử dụng đất để kiểm soát mức phát thải carbon; ngưng tháo nước, bảo toàn và phục hồi đất than bùn; giảm lượng thịt tiêu thụ để hạn chế sản sinh khí mê-tan; giảm chất thải thực phẩm,…
Đáng chú ý, một trong số các biện pháp bảo vệ môi trường được IPCC đưa ra là ăn chay. Báo cáo khuyến nghị người dân tăng cường các chế độ ăn uống lành mạnh bằng ngũ cốc, đậu, rau… thay cho thịt, để giảm phát thải nhà kính, đồng thời nâng cao sức khoẻ.
Bên cạnh đó, các phương pháp quản lý sử dụng đất được nhắc đến trong báo cáo bao gồm: nâng cao hiệu quả tiếp cận thị trường của nông sản; tăng cường các dịch vụ nông nghiệp tích cực; phát triển hệ thống dự báo thời tiết, vụ mùa,…
Tuy nhiên, so với những gì đang diễn ra với trái đất, mọi nỗ lực và kế hoạch hiện tại vẫn quá ít ỏi. Các nhà lãnh đạo quốc tế dự kiến sẽ gặp nhau trong một hội nghị tại Anh vào cuối năm 2020 để thúc đẩy các chính sách giảm phát thải, kiểm soát biến đổi khí hậu,… Theo các nhà khoa học, các kế hoạch cần được tiến hành quyết liệt và gấp rút trước khi cuộc sống của người dân toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.