COP25: Tiến tới thực thi Hiệp định Paris từ năm 2021

03/12/2019 12:26 Tăng trưởng xanh
Hội nghị lần thứ 25 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) đã chính thức khai mạc ngày 02/12/2019 tại Madrid, Vương quốc Tây Ban Nha, với mục tiêu đạt thỏa thuận về một số quy định nhằm thực thi Hiệp định Paris. 
Nhìn lại các Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi Khí hậu
cop25 tien toi thuc thi hiep dinh paris tu nam 2021
Hình ảnh tại phiên khai mạc Hội nghị COP25.

Mục tiêu của Hiệp định Paris, được 197 quốc gia ký kết và 185 nước thông qua, là duy trì mức tăng nhiệt độ trái đất không vượt ngưỡng 2OC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ngoài ra, thỏa thuận cũng đặt mục tiêu các nước giàu đóng góp khoản ngân quỹ 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các dạng năng lượng tái sinh ít phát thải hơn.

Tại Hội nghị COP24 tại Katowice, Ba Lan năm 2018, các bên tham gia Hội nghị đã thống nhất và thông qua Bộ Quy tắc khí hậu Katowice hướng dẫn các nội dung chủ yếu thực hiện Thỏa thuận Paris về các vấn đề giảm nhẹ, thích ứng và một phần về cơ chế minh bạch trong ứng phó và hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, Bản hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận Paris này vẫn còn thiếu 04 nội dung quan trọng chưa thống nhất, gồm: (1) các cơ chế hợp tác theo Điều 6; (2) Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); (3) thông tin đầu vào để thực hiện đánh giá nỗ lực toàn cầu và (4) Khung minh bạch và mức độ linh hoạt áp dụng cho một số quốc gia đang phát triển. Đây sẽ là 04 nội dung trọng tâm tiếp tục được thảo luận tại Hội nghị COP25 năm nay, để Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu có thể được thực hiện từ năm 2021.

Hội nghị COP25 kéo dài 2 tuần (từ ngày 2 đến ngày 13/12) diễn ra trong bối cảnh những tác động ngày càng gia tăng do Trái Đất ấm lên trong năm qua được phản ánh một cách rõ nét, với các vụ cháy rừng từ Bắc Cực và rừng nhiệt đới Amazon cho tới Australia cùng những siêu bão gây thiệt hại nghiêm trọng cho các khu vực nhiệt đới.

Tại phiên khai mạc Hội nghị, ông Hoesung Lee - Chủ tịch Ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết, các báo cáo đặc biệt của IPCC cho thấy tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra ở mức độ nghiêm trọng hơn dự kiến; vấn đề cắt giảm phát thải khí CO2 là vô cùng cấp thiết và việc cắt giảm phát thải khí CO2 ngay lập tức có thể lập tức thu hút sự đầu tư từ khối tư nhân. Từ đó, đóng góp tích cực cho các vấn đề về phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực.

Ông Sebastián Piñera - Tổng thống Chi lê đã kêu gọi các quốc gia phải hành động ngay lúc này vì tương lai của con cháu, gia đình của chúng ta, thông qua việc cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với những cam kết tham vọng hơn.

cop25 tien toi thuc thi hiep dinh paris tu nam 2021
Đại diện đoàn Việt Nam tham dự COP 25

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP 25 gồm đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Hội đồng tư vấn của Uỷ ban quốc gia về BĐKH (VPCC); đại diện Văn phòng Chính phủ.

Ban đầu, hội nghị COP 25 dự kiến diễn ra tại thành phố Santiago thuộc Chile ở Nam Mỹ, nhưng hồi tháng 10 chính phủ Chile đã hủy kế hoạch đăng cai do tình hình xã hội hỗn loạn. Sau đó, Tây Ban Nha đã nhận đăng cai hội nghị. Theo quy định của UNFCCC, Chủ tịch COP25 vẫn là Chi lê và vì vậy Chilê vẫn là nước chủ trì điều hành Hội nghị COP25 năm nay.

Mai Hoa
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động