Đảm bảo an ninh năng lượng hiệu quả gắn phát triển bền vững và bảo vệ môi trường

21/09/2018 21:07 Tăng trưởng xanh
(CNMT) - Tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, một diễn đàn khá quan trọng vừa được Báo Công thương tổ chức với Chủ đề “Những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững”. Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng chủ trì Diễn đàn.
Tại diễn đàn, ông Lê Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, năm 2017, tổng điện sản xuất và mua đạt 192,45 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2016, điện thương phẩm đạt 174,05 tỷ kwh, tăng 8,92% so với năm 2016. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng công suất đặt nguồn điện toàn quốc tăng bình quân 12,8%/năm, cao hơn mức tăng trưởng phụ tải cực đại cùng giai đoạn là 9,6%/năm, trong đó công suất đặt nguồn điện năm 2015 đạt 39.350 MW, đứng thứ 2 trong các nước Asean. Việt Nam có thể sẽ đối mặt với thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng bởi hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng cũng là thách thức gây sức ép lên hạ tầng cơ sở. Một thách thức nữa được Phó Cục trưởng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo đưa ra, đó là tác động môi trường của hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh.

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Lê Văn Lực tham luận tại Diễn đàn


Ông Lê Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo

Trước những những thách thức đó, Phó Cục trưởng Lê Văn Lực đưa ra những mục tiêu tổng quát trong phát triển năng lượng Việt Nam trong thời gian tới, qua đó cần tập trung huy động mọi nguồn lực cho phát triển năng lượng, đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng ngày càng cao với mức giá hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; sử dụng đa dạng và hợp lý các nguồn năng lượng sơ cấp trong và ngoài nước; đẩy mạnh các hoạt động sử dụng năng lượng và khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu; từng bước xây dựng các thị trường năng lượng cạnh tranh nhằm tăng hiệu quả hoạt động và khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân


Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân

Điện gió và điện mặt trời là 2 nguồn năng lượng tái tạo được ông Quân đặc biệt quan tâm, tuy nhiên ông cho biết những nghiên cứu chủ lực về sử dụng nguồn năng lượng này ở Việt Nam còn rất ít. Để phát triển nguồn năng lượng này, Việt Nam cần làm chủ về công nghệ trong đó có nghiên cứu về công nghệ vật liệu và cơ khí chế tạo. Nếu không sẽ phụ thuộc vào nhập khẩu, từ đó đẩy giá thành lên cao, điều này sẽ khó được Chính phủ chấp nhận. Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự báo nhu cầu sử dụng điện đến năm 2030 sẽ tăng trưởng cao so với các nước, từ 7-11%/năm. Đây là thách thức trong giai đoạn tới để đảm bảo nguồn cung.
5 năm tới có thể sẽ thiếu điện

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam


Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Đến năm 2030, việc đảm bảo cung cấp điện sẽ có nhiều tiềm ẩn, rủi ro bởi các nguồn điện đưa vào vận hành trong 5 năm tới rất thấp so với Quy hoạch VII điều chỉnh. Nhiều dự án nguồn điện lớn, đặc biệt nguồn điện trong miền Nam đang bị chậm so với tiến độ. Nguồn nhiên liệu tiềm ẩn nhiều rủi ro, khí thiên nhiên suy giảm, khí thay thế đưa vào khó. Phó Tổng Giám đốc Ngô Sơn Hải đề xuất 2 giải pháp chính nhằm cân đối cung cầu và cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030:
Thứ nhất, kiểm soát nhu cầu phụ tải, trong đó tăng cường biện pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, thực hiện bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất công nghiệp trong việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời, đặc biệt mặt trời áp mái.
Thứ hai, cần đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành các công trình nguồn điện. Đảm bảo cung cấp đủ khí cho phát điện. Có cơ chế về khung giá mua điện từ Lào để đẩy nhanh việc đàm phám với phía Lào nhằm thu gom các nguồn điện tại Nam Lào và các đường dây đấu nối để nhập khẩu về Việt Nam qua các đường dây 220kv hiện hữu. Tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc theo phương án cách ly lưới điện. Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và tập trung đầu tư công trình lưới điện 220 - 110kv.
“Lấy giá cả để điều tiết nguồn cung”
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, hiện nay, cách tiếp cận về tư duy an ninh năng lượng vẫn mang dáng dấp “hầu cung”. Vì vậy cần thay đổi cơ chế, hệ thống điều hành mới giải quyết được vấn đề này. Trong đó, cần có cách tiếp cận mới. Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tư duy về cấu trúc ngành cần thay đổi phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vấn đề toàn cầu hóa cũng không thể không quan tâm. Tiếp đến là cần điều chỉnh phía cung và phía cầu. PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng "phải lấy giá cả để điều tiết nguồn cung". Nếu để giá thấp, nền kinh tế không thể phát triển được. Mặt khác, tư duy hiện đại hóa phải chi phối, không chỉ ở cơ cấu kinh tế mà phải nghiêng về đô thị hóa.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, cần đánh giá tổng thể sơ đồ phát triển ngành điện, than, khí trong vài thập kỷ qua để thấy được những thách thức mà Việt Nam đang gặp phải, từ đó lập sơ đồ phát triển ngành năng lượng Việt Nam.
Phát triển kinh tế - xã hội cần phải có năng lượng
Kết luận Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Đây là hai trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Quan điểm của Chính phủ đã chỉ ra trong mọi trường hợp không để thiếu năng lượng, thiếu điện cho phát triển kinh tế, xã hội. Đây không chỉ liên quan đến kinh tế mà còn là vấn đề của xã hội. Chính vì vậy cần đặt mục tiêu “trong mọi hoàn cảnh phải đáp ứng nhu cầu năng lượng”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra ba thách thức lớn mà ngành năng lượng đang gặp phải:
Thứ nhất, hiện nguồn năng lượng sơ cấp hoặc đã được khai thác hết hoặc cạn kiệt. Tiềm năng thủy điện chỉ còn vài nghìn MW nhỏ hoặc siêu nhỏ. Năng lực sản xuất của ngành than còn rất ít. Ngành khí chỉ còn hai mỏ khí lớn là Lô B và Cá voi xanh, chỉ đủ cho nhà máy Ô Môn hoạt động. Các nhà máy khác ở Phú Mỹ phải nhập khẩu khí hóa lỏng để hoạt động.
Thứ hai, trong giai đoạn này, việc kêu gọi đầu tư từ các Tập đoàn kinh tế trong nước rất khó, trong khi đó giá năng lượng thấp, không thu hút được đầu tư từ bên ngoài.
Thứ ba, nhu cầu của người dân được sống trong môi trường trong sạch, ít ô nhiễm đã và đang tạo áp lực lớn trong xây dựng quy hoạch, chính sách, phát triển năng lượng tạo. Trước những thách thức đó, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng cần có các giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề, trong đó chú trọng đến việc phải có sự phát triển phù hợp trong ngành năng lượng giữa than, dầu, khí. Trong giai đoạn tới, nhiều khả năng sẽ thiếu điện nên cần có cơ chế đặc thù triển khai những dự án, đẩy nhanh tiến độ các dự án mới. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo trong bối cảnh Việt Nam tạm dừng các dự án điện hạt nhân, nhiệt điện than ngày càng khó thực hiện do sức ép đến từ các địa phương. Đẩy mạnh chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Một trong những vấn đề then chốt cũng được Thứ trưởng nhắc tới, đó chính là chính sách về giá điện, giá năng lượng trong thời gian tới. Hiện nay giá điện vẫn nằm trong sự điều tiết của Nhà nước, tuy nhiên phải phát tín hiệu để người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Tất cả đều hướng tới mục tiêu đó là, đảm bảo an ninh năng lượng hiệu quả gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

 
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động