Để rác không còn là gánh nặng môi trường nông thôn

06/08/2020 16:49 Tác động môi trường
Hiện nay, vấn đề xử lý rác thải ở nông thôn còn chưa được quan tâm đúng mức, còn khoảng 71% chất thải rắn sinh hoạt vẫn chủ yếu được xử lý theo hình thức chôn lấp, chỉ 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến sản xuất phân compost và 13% được xử lý bằng phương pháp đốt.
Tăng cường công tác quản lý rác thải sinh hoạt
de rac khong con la ganh nang moi truong nong thon
Công tác quản lý chất thải sinh hoạt nông thôn còn chưa được quan tâm đúng mức.

Theo ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, việc xử lý rác thải ở nông thôn đang gặp nhiều bất cập về vấn đề quy hoạch, về việc đầu tư trong công tác quản lý chất thải, việc lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp. Vì quy hoạch không hợp lý đã dẫn đến tình trạng mỗi xã có một lò đốt chất thải, hay những bãi chôn lấp chất thải không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật vẫn phát sinh; Công tác quản lý chất thải nói chung, trong đó có chất thải sinh hoạt nông thôn còn chưa được quan tâm đúng mức; Khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế xã hội từng địa phương, đặc điểm điều kiện tự nhiên của từng vùng miền.

Việc xử lý chất thải rắn tại các địa phương chưa được áp dụng các phương pháp và công nghệ đảm bảo, xảy ra tình trạng ở một số địa phương, mỗi xã có một lò đốt, các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt này hầu hết là các lò đốt quy mô nhỏ với công suất dưới 300kg/h. Với những lò đốt công suất nhỏ cấp xã này, hệ thống xử lý khí thải không có hoặc có nhưng không đạt yêu cầu. Mặt khác, các địa phương cũng gặp các khó khăn về nguồn nhân lực, công nhân tham gia vận hành không đủ kiến thức chuyên môn để vận hành lò đốt, trình độ vận hành của công nhân còn hạn chế, không tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật nên không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Việc này dẫn đến khả năng không kiểm soát được chất thải thứ cấp phát sinh, đặc biệt là dioxin/Furan, đồng thời không phù hợp với mục tiêu xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung.

Ý thức người dân về thu gom, phân loại rác thải chưa tốt, mỗi địa phương có những nơi lưu giữ chất thải không đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến tình trạng chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn cần phải xử lý tăng về khối lượng; mặc dù một số địa phương đã có một số mô hình đã và được triển khai. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có đánh giá và đúc kết kinh nghiệm để nhân rộng ra cho các địa phương có điều kiện tương tự.

Để tạo sự chuyển biến thực sự trong công tác quản lý về chất thải rắn, trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã cụ thể hóa quan điểm “người gây ô nhiễm phải trả tiền". Theo đó, người phát sinh ô nhiễm buộc phải đóng góp kinh phí cho Nhà nước theo khối lượng chất thải phát sinh hàng ngày để tăng cường cho việc thu gom xử lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng, đối với chất thải rắn khu vực nông thôn căn cứ vào điều kiện kinh tế-xã hội đặc thù sẽ có các quy định cho phù hợp với thực tế, trong đó một trong những nội dung quan trọng là nâng cao nhận thức của người dân trong việc phân loại chất thải tại nguồn và sự giám sát của cộng đồng của các tổ chức, chính trị- xã hội trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn nông thôn. Đặc biệt, không khuyến khích đầu tư các cơ sở xử lý xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở quy mô cấp xã.

Ông Nguyễn Thượng Hiền cũng khuyến nghị, việc đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn phải đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%. Các địa phương phải áp dụng các công nghệ tốt, hiện đại, thân thiện với môi trường để xử lý chất thải nông thôn.

Về phía các địa phương, cần rà soát lại các điểm lưu giữ chất thải sinh hoạt nông thôn để đáp ứng yêu cầu về vấn đề xử lý. Trước hết, các địa phương phải rà soát lại các quy hoạch quản lý chất thải hiện có, có kế hoạch, lộ trình để chấm dứt việc đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô cấp xã, khuyến khích việc đầu tư các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô liên xã, liên huyện phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh; xây dựng kế hoạch cụ thể, lộ trình phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương để chấm dứt việc sử dụng các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, các khu vực lưu giữ chất thải, các bãi chôn lấp không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường hiện nay.

Vận động sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức chính trị, xã hội vào việc truyên truyền phân loại rác tại nguồn, có như vậy, việc xử lý rác mới đạt hiệu quả lâu dài, và rác không còn là một gánh nặng môi trường ở mỗi vùng nông thôn.

Thu Trang
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động