Đồng Nai: Kiểm tra không chỉ để xử phạt

23/05/2023 10:13 Chính sách - Pháp luật
Nhằm mục đích xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, góp phần phục hồi các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động chăn nuôi gây ra và hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tạo sự phát triển bền vững… Từ ngày 15/4/2023 đến 15/7/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai và 11 huyện, thành phố sẽ kiểm tra môi trường gần 10 ngàn cơ sở chăn nuôi. Đây là đợt kiểm tra quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Đồng Nai với định hướng phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường
Đồng Nai với định hướng phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường

Đồng Nai được xem là trung tâm chăn nuôi của cả nước với hơn 2,5 triệu con heo và hơn 26 triệu con gia cầm. Trên địa bàn hiện có gần 1.500 cơ sở chăn nuôi tập trung và hơn 22.200 cơ sở chăn nuôi nông hộ, chủ yếu là heo và gà. Số lượng các cơ sở chăn nuôi ngày càng tăng không chỉ ảnh hưởng đến không gian sống của người dân trên địa bàn tỉnh mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân do hệ lụy của ô nhiễm môi trường. Để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, góp phần phục hồi các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động chăn nuôi gây ra, Đồng Nai quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ tại Kết luận tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai năm 2022 về việc chỉ đạo tổ chức đợt tổng kiểm tra tất cả các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh về vấn đề môi trường nhằm chấn chỉnh các cơ sở không chấp hành, bảo đảm vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi.

Trước đó, ngày 24/2/2023, UBND tỉnh Đồng Nai cũng quyết định phê duyệt danh sách di dời và ngưng hoạt động với 3.006 cơ sở chăn nuôi. Trong đó, có 2.145 cơ sở buộc phải di dời, 861 cơ sở dừng chăn nuôi.

Làm tốt các công tác cho tổng kiểm tra

Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với các huyện, thành phố triển khai kế hoạch tổng kiểm tra các cơ sở chăn nuôi trên toàn tỉnh. Các địa phương đã nhanh chóng ban hành kế hoạch, thành lập đoàn, bố trí kinh phí và tổ chức đi kiểm tra.

Theo phân cấp, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì kiểm tra các trang trại chăn nuôi lớn do UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì kiểm tra trang trại do huyện cấp giấy phép môi trường. UBND cấp xã kiểm tra cơ sở chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ.

Phòng Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch và gửi đến các cơ sở chăn nuôi. Kế hoạch nêu rõ nội dung kiểm tra gồm: Việc chấp hành pháp luật về môi trường và tài nguyên nước, lấy mẫu chất thải, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nước thải… Ngoài việc đi kiểm tra các trang trại do huyện quản lý, huyện phối hợp với tỉnh kiểm tra các trang trại trên địa bàn do tỉnh quản lý.

Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Long Khánh đã ban hành kế hoạch, thành lập đoàn và sẽ bắt đầu kiểm tra vào đầu tháng 5-2023. Ngoài nội dung môi trường, thành phố sẽ kiểm tra thêm quy hoạch, đất đai, xây dựng vì hiện tại thành phố Long Khánh đã là đô thị loại III, mục tiêu đến năm 2025 sẽ lên đô thị loại II.

Hiện nay, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đã ban hành Kế hoạch kiểm tra. Các địa phương có ít cơ sở chăn nuôi thuộc diện kiểm tra sẽ thực hiện trong thời gian từ nay đến ngày 15/7/2023. Địa phương có nhiều cơ sở có thể xây dựng lộ trình dài hơn, ưu tiên kiểm tra ở các cơ sở có nguy cơ, đã từng vi phạm về môi trường.

Kiểm tra không chỉ để xử phạt

Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã thực hiện các quyết sách lớn đối với ngành chăn nuôi. Một trong số đó là tổng kiểm tra môi trường gần 10 ngàn cơ sở và di dời hơn 3 ngàn cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép. Công tác kiểm tra của tỉnh Đồng Nai ngoài mục tiêu đáp ứng quy hoạch của tỉnh về chăn nuôi và quy định về bảo vệ môi trường, tạo không gian sống trong lành cho nhân dân mà còn giúp UBND tỉnh kịp thời phát hiện, điều chỉnh và xử lý dứt điểm nguồn gây ô nhiễm, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trên cơ sở các sản phẩm thải bỏ từ quá trình chăn nuôi. Bên cạnh đó, quá trình kiểm tra cũng là cơ sở để các đơn vị quản lý nhà nước, các đơn vị thực hiện chức năng chuyên môn về chăn nuôi, bảo vệ môi trường hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi tuân thủ đúng quy định của pháp luật, góp phần tạo dựng mô hình chăn nuôi chuyên nghiệp, hiệu quả đi cùng với bảo vệ môi trường. Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra chủ cơ sở chăn nuôi cũng được hướng dẫn để tái sử dụng nước thải tưới cây để tiết kiệm nước và chi phí sản xuất.

Qua kiểm tra cho thấy, hiện một số địa phương vẫn băn khoăn các nội dung kiểm tra, đặc biệt đối với các cơ sở chăn nuôi heo nông hộ, chưa có giấy phép môi trường. Tỷ lệ chăn nuôi nông hộ và trang trại nhỏ trên địa bàn tỉnh chiếm đến 95%. Phần lớn các cơ sở này hình thành từ lâu, không giấy phép, không đầu tư hoặc có đầu tư nhưng hệ thống xử lý chất thải sơ sài. Nếu áp theo quy định phải ngừng chăn nuôi, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Qua kiểm tra ban đầu, ngoài việc xử lý các trường hợp đặc biệt gây nguy hại trong bảo vệ môi trường, các địa phương cũng đã đề xuất kiến nghị tạo điều kiện cấp thủ tục môi trường cho cơ sở chăn nuôi dưới 100 con nếu đảm bảo khoảng cách với nhà ở, đầu tư hệ thống xử lý chất thải.

Với số lượng gần 10 ngàn cơ sở chăn nuôi được tiến hành kiểm tra thì trách nhiệm của các cơ quan chức năng là vô cùng nặng nề. Tuy nhiên, làm tốt công tác kiểm tra cũng chính là biện pháp tăng cường công tác tham mưu cho tỉnh về xây dựng cơ chế, chính sách, kế hoạch phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh đến năm 2030 và đề xuất các giải pháp thiết thực để bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh./.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động