Đồng Nai: Lên kế hoạch xây dựng con đường di sản gốm Biên Hòa

12/08/2024 10:35 Văn hóa
Để bảo tồn và phát triển thương hiệu nghề gốm Biên Hòa, cũng như tạo điểm nhấn thu hút du khách trong nước và quốc tế, TP. Biên Hòa sẽ xây dựng Con đường di sản Biên Hòa - Đồng Nai chạy dọc theo sông Đồng Nai dài gần 6km.

Theo Dự thảo Xây dựng Con đường di sản Biên Hòa - Đồng Nai, con đường sẽ bắt đầu từ tuyến phố đi bộ Nguyễn Văn Trị và kéo dài đến cổng chào huyện Vĩnh Cửu.

Đồng Nai: Lên kế hoạch xây dựng con đường di sản gốm Biên Hòa
Gốm Biên Hòa - Đồng Nai nổi tiếng, phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỷ XIX

Dự kiến con đường thực hiện trong 3 giai đoạn. Trong đó, gia đoạn 1 sẽ được triển khai ngay trong năm 2024 với các công việc, tuyển chọn phương án phù hợp về nội dung, hình thức, kinh phí đầu tư của địa phương. Giai đoạn 2 - năm 2025, phê duyệt dự án đầu tư và triển khai thiết kế thi giai đoạn 1. Giai đoạn 3 - năm 2026, thực hiện thiết kế thi công phần còn lại, từ cầu Hóa An đến cổng chào huyện Vĩnh Cửu.

Theo thông tin từ Phòng Văn hóa và thông tin TP. Biên Hòa, điểm đầu từ khu vực Thành cổ Biên Hòa, kết nối tuyến đường Phan Chu Trinh và kéo dài đến giao lộ với đường Nguyễn Văn Trị dài khoảng 600m. Dự kiến đây là khu vực giới thiệu, trưng bày hình ảnh, hiện vật, tư liệu về lịch sử, văn hóa, thành tựu trong lao động sản xuất thành phố Biên Hòa; sa bàn của dự án phục vụ du khách có nhu cầu tìm hiểu khái quát về con đường di sản.

Đồng Nai: Lên kế hoạch xây dựng con đường di sản gốm Biên Hòa
Một trong những cơ sở sản xuất gốm Biên Hòa hiện nay

Cụ thể, khu vực sẽ có các hạng mục tranh ghép gốm, bình phong… tái hiện thời kỳ cổ đại đến trung đại và trọng tâm là thời kỳ khai khẩn xứ Đàng Trong.

Còn phần 2 bắt đầu từ cầu Hóa An đến cổng chào huyện Vĩnh Cửu, sẽ sử dụng gốm để tái hiện 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược; thành tựu lao động sản xuất, các đặc trưng văn hóa Nam Bộ như: đờn ca tài tử, cải lương, ẩm thực…

“Xây dựng Con đường di sản Biên Hòa - Đồng Nai sẽ góp phần làm đẹp cảnh quan, quảng bá thương hiệu gốm của Biên Hòa; đồng thời, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật gốm truyền thống của vùng đất hơn 325 năm hình thành và phát triển” - Phó chủ tịch UBND TP. Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết.

Để tạo sự đồng thuận cao, hiện UBND TP. Biên Hòa đã giao Phòng Văn hóa và thông tin thành phố tham mưu tọa đàm, hội thảo, lấy ý kiến của các chuyên gia và cộng đồng dân cư trước khi thực hiện.

Đồng Nai: Lên kế hoạch xây dựng con đường di sản gốm Biên Hòa
Những năm gần đây, nhiều bạn trẻ đã bắt đầu quan tâm hơn đến nghề truyền thống của địa phương

Được biết, nghề gốm Biên Hòa hình thành từ thế kỷ XVIII và phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, những năm gần đây do nhu cầu, thị hiếu của nhân dân thay đổi, nghề gốm dần mai một, nghệ nhân gốm thưa dần, kỹ thuật gốm truyền thống đứng trước nguy cơ bị thất truyền.

Lê Lĩnh

Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động