Ký ức không phai của những người miền Nam trên đất Bắc

21/11/2024 16:38 Văn hóa
Tuy không phải là cuốn sách đầu tiên viết về chủ đề học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhưng “Ký ức không phai” đã bao quát khá toàn diện các tư liệu lịch sử về Hiệp định Genève 1954 bao gồm cả những tình tiết lịch sử tế nhị hầu như chưa nhắc tới trong nhiều năm qua.

Dù ký ức đã lùi xa nhưng việc ký kết Hiệp định Genève vào tháng 7/1954 sau 75 ngày đêm đàm phán và 31 phiên họp vẫn là một cột mốc không thể nào quên trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Ký ức không phai của những người miền Nam trên đất Bắc
Cuốn sách chưa đầy 450 trang "ký ức không phai" ra mắt độc giả nhân dịp kỷ niệm sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc của nhữngf người con miền Nam

Bên cạnh thắng lợi đạt được từ Hiệp định Genève, có một thực tế lịch sử không thể phủ nhận là việc tập kết, chuyển quân cũng đã tạo ra một sự đứt gãy trong đời sống xã hội.

Hàng trăm ngàn người rời xa gia đình, xứ sở, tập quán sinh hoạt để góp phần thực hiện Hiệp định, dự tính 2 năm đã kéo dài thành 20 năm. Cuộc chia cắt Nam và Bắc, sự chia ly vợ và chồng, con cái và mẹ cha (với nhiều trường hợp là vĩnh viễn), sự khác biệt về tập quán sống không phải là cản trở để mỗi người trong cuộc rời xa nhiệm vụ của mình trong cuộc đấu tranh vì thống nhất và hòa bình cho Tổ quốc, nhưng cũng đã tạo ra những nỗi niềm sâu kín không thể tránh mà mỗi người dù đã nỗ lực vượt qua vẫn hằn vết trong tâm cảm.

Những người con miền Nam đi ra Bắc, dù bằng những chuyến tàu tập kết vượt biển 1954 - 1955 hay bằng đường bộ và những phương tiện khác trong những thời điểm khác sau đó đều đã thu xếp nỗi niềm riêng, ra sức phấn đấu học tập, làm việc, trở thành một lực lượng mạnh mẽ, có những đóng góp xứng đáng cho công cuộc kiến thiết nước nhà khi còn tạm thời chia cắt cũng như sau khi thống nhất, hòa bình từ năm 1975.

Tập sách mang tên Ký ức không phai mà các bạn đang cầm trên tay chính là một phần rất nhỏ của bức tranh nhiều màu sắc về những người miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève. Họ là những cán bộ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau khi đi tập kết như sĩ quan quân đội Trần Văn Danh (sau này là Thiếu tướng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang), nhà báo Lưu Quý Kỳ (sau này là Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương), nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Bạch (sau này là đạo diễn sân khấu, Phó giám đốc Sở Văn hóa thông tin Thành phố Hồ Chí Minh), bà Nguyễn Thị Xuân Phượng (sau này là bác sĩ - nhà điện ảnh, nhà văn).

Họ là những học sinh tuổi vị thành niên như Đinh Miên (sau này là kỹ sư điện, Anh hùng Lao động), như Phan Trọng Nghĩa (sau này tốt nghiệp Đại học Hàng hải ở Liên Xô), nhiều người tuổi đời tính chưa đủ 5 ngón tay, có người phải ẵm trên tay như Trần Đức Hạnh (sau này là Tiến sĩ Toán Kinh tế), thậm chí còn nằm trong bụng mẹ khi xuống tàu tập kết như Huỳnh Dũng Nhân (sau này là nhà báo, nhà văn, họa sĩ).

Cảm nhận của cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam về những ngày đầu tiên đặt chân lên miền Bắc được đồng bào miền Bắc đón tiếp thân tình, nồng hậu ra sao; ký ức về những năm tháng “ngày Bắc, đêm Nam”, về sự phấn đấu không mệt mỏi trong học tập, làm việc để góp phần đẩy nhanh ngày nước nhà thống nhất, gia đình đoàn tụ; cả những câu chuyện không thể gọi là vui của tuổi học trò trong cuộc sống xa quê hương, gia đình, vắng cha thiếu mẹ… Tất cả những cảnh huống vui, buồn, tự hào, ân hận đều đã được 29 tác giả gửi gắm trong 58 bài viết trong sách, chia thành 3 phần: I) Theo dòng lịch sử: 70 năm - Ngày ấy, bây giờ (1954 - 2024); II) Ngày Bắc, đêm Nam - Chia ly và Đoàn tụ; III) Học sinh miền Nam trên đất Bắc, những dòng ký ức.

Cuốn sách không chỉ những mảnh đời đáng nhớ của cán bộ miền Nam, học sinh miền Nam trên đất Bắc, mà còn là những câu chuyện rất cảm động của những người con miền Bắc đã gắn bó gần như suốt tuổi thanh xuân của mình với học sinh các trường miền Nam trong vai trò thầy, cô giáo, như thầy Lê Ngọc Lập, cô Lê Thúy Quyến, thầy Nguyễn Quốc Thái…

Điều đặc biệt trong cuốn sách, chỉ trong chưa đầy 450 trang khổ vừa, người đọc có thể tiếp cận khá toàn diện với các tư liệu lịch sử vừa tóm gọn vừa chi tiết về Hiệp định Genève 1954 bao gồm cả những tình tiết lịch sử tế nhị hầu như chưa nhắc tới trong nhiều năm qua. Người đọc có thể biết về con đường trở thành một học sinh miền Nam rất thú vị của tác giả Vũ Phương Mai (tốt nghiệp Đại học ngành phim ảnh ở Ba Lan, con gái của nhà báo liệt sĩ Vũ Tùng - Chủ tịch Hội Nhà báo Giải Phóng, hậu duệ của nhà cách mạng Lương Văn Can - một trong những người sáng lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907).

Ngay cả số phận khá kỳ lạ của một cây đàn violon liên quan đến chặng đời của một cán bộ quân đội miền Nam tập kết và những học sinh miền Nam yêu âm nhạc cũng được kể trong tập sách này. Những ai luôn coi trọng tình nghĩa giữa người với người, giữa đồng bào miền Bắc và đồng bào miền Nam sẽ rơi nước mắt khi đọc các bài viết hết sức cảm động như “Chị Sinh ơi, về ăn cơm, bố mẹ đợi...” (Châu Nhật Sinh), “Cô giáo Lê Thúy Quyến - một người thân đặc biệt của học sinh miền Nam” (Nguyễn Thanh), “Học sinh miền Nam trong tôi” (Lê Tự Minh), “Những người bạn miền Nam ngày ấy” (Trần Ngọc Tư).

Nếu cần một trong nhiều minh chứng cho sự kế tục thành công sự nghiệp tử tế của mẹ cha để lại thì câu chuyện “Quỹ Học bổng Huỳnh Tấn Phát - những hạt mầm đã thành cây” trong cuốn sách có thể giúp bạn. Và, đặc biệt hơn nữa, nếu bạn muốn biết một người cha bộ đội có thể viết gì cho con gái trong những năm xa cách thì bạn hãy tìm đọc trong cuốn sách này, với những bức thư lần đầu được công bố của Đại tướng Lê Đức Anh gửi con gái Lê Xuân Hồng.

Thanh Hải

Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động