Sa Pa miền đất gây thương nhớ
Cách thành phố Lào Cai gần 40 km, Sa Pa được mẹ thiên nhiên ưu ái cho rất nhiều cảnh đẹp thơ mộng, như viên ngọc giữa lưng chừng mây trời núi non hùng vĩ. Đến Sa Pa, đứng trước dòng thác Bạc, thác Tình Yêu như dải lụa trắng chảy xuống từ trên trời cao, hay ngắm nhìn bức tranh nên thơ với thung lũng Mường Hoa, chiêm ngưỡng núi Hàm Rồng ẩn hiện trong màn sương sớm… Sa Pa như nàng thơ của đất trời Tây Bắc, là tình nhân của những lữ khách đường xa. Đến Sa Pa, du khách không chỉ bị mê hoặc bởi khung cảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ, mà còn có cơ hội khám phá nét đẹp văn hóa của người dân bản địa. Sa Pa mộc mạc nhưng ân tình không dứt, Sa Pa khiến bao du khách đi chẳng muốn về.
.Thung lũng Mường Hoa ở Sa Pa |
Thiên nhiên hòa quyện cùng giá trị văn hóa lịch sử
Tên gọi Sa Pa xuất phát từ tiếng Quan Thoại, trước kia những người dân địa phương thường đọc là Sa Pả hay Sa Pá với ý nghĩa là “bãi cát” do trước đây Sa Pa chỉ là một bãi cát để người dân họp chợ. Từ hai chữ “Sa Pả” hay “Sa Pá”, người Phương Tây phát âm không có dấu, nên thành Sa Pa và họ đã viết bằng chữ Pháp hai chữ đó là “Sa Pa” và một thời gian rất lâu người ta đều gọi “Sa Pa” theo nghĩa của từ tiếng Việt. Còn thị trấn Sa Pa ngày nay, trước có một mạch nước đùn lên đục đỏ, nên dân địa phương gọi là “Hùng Hồ”, “Hùng” là đỏ, “Hồ” là hà, là suối, suối đỏ.
Khi về thăm tỉnh Lào Cai năm 1958, Bác Hồ đã căn dặn: “Sa Pa có thể thiết kế làm đường lên để thành nơi du lịch, tu nghiệp cho tỉnh nhà và cho cả nước”. Thực hiện lời căn dặn của Bác, nhiều thế hệ những người yêu Sa Pa, vì Sa Pa và nhất là đồng bào các dân tộc nơi đây, bằng bàn tay, khối óc đã hăng say lao động, vượt qua gian khổ, hy sinh để xây dựng Sa Pa trở thành điểm đến du lịch văn hóa và thiên nhiên hàng đầu thế giới.
Sở hữu thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, từ bao đời nay, Sa Pa là nơi cư trú của rất nhiều đồng bào các dân tộc Kinh, H'Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó… với nhiều phong tục, tập quán và những nét văn hóa riêng biệt, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, tổng hòa thành nền văn hóa độc đáo của vùng đất nơi rẻo cao này. Nổi bật như chợ tình Sa Pa, một dịp để các dân tộc thiểu số giao lưu văn hóa, lan tỏa các giá trị văn hóa bản địa ở Sa Pa. Cùng đó là không gian văn hóa của những lễ hội truyền thống rực rỡ sắc màu, những điệu múa, tiếng khèn, tiếng sáo vang lên giữa không gian núi rừng, những ngôi nhà sàn đơn sơ ấm cúng, những món ăn truyền thống như thắng cố, xôi ngũ sắc, rượu ngô… Tất cả hòa quyện mang đến cho khách thăm quan những trải nghiệm văn hóa, ẩm thực đáng nhớ.
Đến Sa Pa, du khách chắc chắn đều khát khao chinh phục đỉnh núi Fansipan, với độ cao 3.143m – “nóc nhà Đông Dương”. Với khung cảnh hùng vĩ trên dãy Hoàng Liên Sơn, du khách chỉ cần đứng trên cao phóng tầm mắt nhìn xuống, sẽ thấy toàn cảnh núi rừng tựa bức tranh thủy mặc, những con đường mòn uốn lượn quanh đồi, từng tia nắng lấp lánh xuyên mây trời làm nên từng mảng sáng tối khác nhau.
Sa Pa đang vào mùa săn mây |
Chạm Sa Pa - Chạm những tầng mây
Tỉnh Lào Cai và thị xã Sa Pa đang phối hợp tổ chức chương trình kích cầu du lịch lớn nhất trong năm với chủ đề “ Chạm Sa Pa – Chạm những tầng mây năm 2024” nhằm thúc đẩy các hoạt động du lịch, khắc phục hậu quả sau đợt bão lũ và thu hút du khách đến với Sa Pa dịp cuối năm. Chương trình kích cầu diễn ra xuyên suốt từ tháng 11 đến hết 30/12/2024 với sự tham gia của 130 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tại Sa Pa đồng loạt tung ra các chương trình khuyến mãi lên đến 50%, đồng thời cam kết bảo đảm chất lượng dịch vụ.
Khoảng 5h sáng ngày 23/11/2024, tại đỉnh Fansipan nhiệt độ xuống 2 độ C và xuất hiện băng. Đỉnh Fansipan thường bắt đầu lạnh sâu từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau, kèm theo nhiều đợt rét kéo dài, nhiệt độ thậm chí xuống dưới 0 độ C và xuất hiện băng giá. Đây được xem là một trong những trải nghiệm đặc biệt và thu hút du khách khi đến với mùa đông ở Sa Pa.
Để chuẩn bị chào đón năm mới 2025, Sa Pa cũng đang chuẩn bị một không gian văn hóa các dân tộc ngay ở trung tâm thị xã. Những nét văn hóa đặc trưng nhất của các dân tộc thiểu số sẽ được giới thiệu cho du khách trải nghiệm. Chương trình Countdown đón năm mới được chuẩn bị một cách chu đáo và có quy mô nhằm hấp dẫn du khách.
Tin mới
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Phú Thiện(Gia Lai): Người phụ nữ Jrai với ước mơ truyền nghề may thổ cẩm cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Tin khác
Thiếu tướng Hoàng Sâm - Người cộng sản kiên trung, nhà chỉ huy quân sự tài năng, người con ưu tú của tỉnh Quảng Bình
Quảng Ngãi: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.