Dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam Quản lý bùn thải hệ thống thoát nước đô thị
Hình minh họa
PGS.TS Trần Đức Hạ - thay mặt nhóm biên soạn cho biết, ở Việt Nam hiện nay, quản lý bùn thải phát sinh từ hệ thống thoát nước còn gặp nhiều khó khăn, bất cập cả về chế tài lẫn phương diện kỹ thuật. Ước tính mỗi ngày, các thành phố lớn của Việt Nam thải ra hơn 600 tấn bùn thải được nạo vét từ hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, nhiều đô thị chưa có hệ thống xử lý bùn thải đảm bảo yêu cầu, phần lớn được ủ đống hoặc chôn lấp. Việc xử lý bùn thải chưa/không đảm bảo vệ sinh gây nguy cơ ô nhiễm nước ngầm, nước mặt và không khí, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Do đó, việc xây dựng TCVN: Quản lý bùn thải hệ thống thoát nước đô thị là đặc biệt là cần thiết.
Tiêu chuẩn này hướng dẫn việc quản lý bùn thải từ hệ thống thoát nước đô thị, như: Cống, kênh, mương, hồ điều hòa, nhà máy xử lý nước thải… từ giai đoạn lập kế hoạch đến quá trình thực hiện nạo vét, thu gom, vận chuyển, xử lý và tái sử dụng theo phương thức hợp vệ sinh, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe người dân. Tiêu chuẩn áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành các công trình thoát nước mưa, nước thải, các công trình xử lý nước thải; không áp dụng cho các loại bùn thải của các trạm xử lý nước thải công nghiệp.
Theo Dự thảo TCVN, bùn thải phải được phân loại để quản lý và lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp, góp phần làm giảm chi phí vận chuyển và xử lý, thuận tiện trong quản lý vận hành bãi chôn lấp. Bùn thải được thu gom, lưu trữ và vận chuyển đến các địa điểm xử lý theo quy hoạch hoặc các địa điểm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng để xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định; không được xả thải bùn thải chưa qua xử lý ra môi trường. Việc xử lý và tái sử dụng bùn thải phải tuân thủ các quy định về quản lý và sử dụng bùn thải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và các quy định về bảo vệ môi trường. Khi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải phải có các giải pháp thu gom và xử lý bùn thải phù hợp.
Các cá nhân, tập thể có hoạt động tạo ra các loại bùn thải phải đăng ký kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý và đổ thải định kỳ với cơ quan quản lý môi trường ngay từ khi xin cấp phép xây dựng công trình. Trường hợp bùn nạo vét từ cống, kênh, mương và hồ thoát nước có chứa những thành phần nguy hại theo QCVN 50:2013/BTNMT, chủ công trình phải đăng ký chủ nguồn thải theo quy định đối với chất thải nguy hại.
Phương pháp xử lý và tái sử dụng các loại bùn thải phải dựa trên thành phần hóa học, vi sinh vật học của loại bùn thải đó. Bùn thải từ hệ thống thoát nước và trạm xử lý nước thải bệnh viện và các cơ sở y tế phải được khử khuẩn bằng clo hoạt tính trước khi vận chuyển đi xử lý hoặc tái sử dụng cùng với các loại bùn thải khác. Bùn thải nếu có tối thiểu 1 giá trị thành phần nguy hại vượt ngưỡng cho phép theo QCVN 50:2013/BTNMT thì phải được quản lý như chất thải nguy hại.