Dùng chất thải rắn xây dựng của Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 để san lấp mặt bằng bảo đảm các quy định pháp luật về môi trường
Trước những vấn đề mà người dân quan tâm, có phần lo lắng, qua buổi làm việc với các cơ quan báo chí về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết:
Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 tại xã Ninh Phước (Ninh Hòa) đã được Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 3485, ngày 29-12-2017. Theo đó, phương án quản lý chất thải rắn xây dựng thông thường của dự án như sau: Sử dụng để san lấp mặt bằng của dự án và hoàn công các hạng mục công trình; chuyển giao cho các cơ sở thu gom; thuê đơn vị có chức năng xử lý theo đúng quy định; san lấp mặt bằng của vị trí quy hoạch lấn biển của công trình làm đường nối từ bờ ra kho xăng dầu ngoại quan hoặc các đơn vị thi công trong khu kinh tế đang có nhu cầu lớn về vật liệu san lấp; lưu giữ tạm thời tại khu vực quy hoạch cho Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 2 để tái sử dụng cho các mục đích khác;
Qúa trình thi công xây dựng của Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 phát sinh lượng chất thải xây dựng là rất lớn, nên việc sử dụng loại chất thải xây dựng thông thường này vào san lấp mặt bằng và có sự kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan chức năng sẽ là bài toán kinh tế phù hợp và bảo đảm các quy định về bảo vệ môi trường. |
Thời gian qua, Sở TN&MT đã phối hợp với các đơn vị tiến hành giám sát công tác bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1. Theo đó, các nhà thầu thi công và Công ty TNHH Điện lực Vân Phong (đơn vị quản lý Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1) đã tiến hành phân loại các loại chất thải phát sinh, chuyển giao cho đơn vị có chức năng để xử lý. Trong đó, đối với chất thải nguy hại được ký hợp đồng chuyển giao cho Công ty Cổ phần Môi trường Khánh Hòa (đơn vị được Bộ TN&MT cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại) để xử lý theo đúng quy định pháp luật. Đối với chất thải rắn xây dựng thông thường, Công ty TNHH Điện lực Vân Phong và các nhà thầu chuyển giao cho Công ty Cổ phần Cơ khí Lâm Thăng Long để vận chuyển về san nền khu vực triển khai Dự án Khu dân cư Ninh Thủy.
Theo bà Lan, tại khoản 3, Điều 64 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định “Nhà nước khuyến khích việc tái sử dụng chất thải từ hoạt động xây dựng, sử dụng vật liệu không nung và vật liệu thân thiện với môi trường”; điểm b và d khoản 5, Điều 64 luật này quy định “Việc vận chuyển vật liệu, chất thải trong hoạt động xây dựng phải được thực hiện bằng phương tiện phù hợp, bảo đảm không làm rò rỉ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường; chất thải rắn, phế liệu còn giá trị sử dụng được tái chế, tái sử dụng theo quy định; đất, đá, chất thải rắn từ hoạt động xây dựng được tái sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng theo quy định”. Đồng thời, đơn vị tiếp nhận chất thải rắn thông thường phát sinh từ hoạt động xây dựng để sử dụng cho mục đích san lấp mặt bằng phải theo đúng mục đích sử dụng đất đã được phê duyệt. Do đó, việc chủ Dự án Khu dân cư Ninh Thủy sử dụng chất thải rắn thông thường phát sinh từ hoạt động xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 để tái sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng là phù hợp với quy định nêu trên.
"Trước khi tiến hành vận chuyển, Công ty Cổ phần Cơ khí Lâm Thăng Long đã có Văn bản gửi Sở về việc xin chấp thuận phương án sử dụng chất thải rắn xây dựng tại Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 để san lấp mặt bằng các khu vực thấp tại Dự án Khu dân cư Ninh Thủy. Xét đề nghị của Công ty Cổ phần Cơ khí Lâm Thăng Long và căn cứ quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Sở đã có Công văn phúc đáp công ty về những nội dung nêu trên", bà Lan cho biết thêm.
Hiện nay, chất thải đưa về Khu dân cư Ninh Thủy là xà bần (gạch vỡ, bê tông vụn), đây là chất thải rắn xây dựng thông thường, không phải chất thải nguy hại. Trong trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, Sở TN&MT sẽ tiến hành xử lý vi phạm hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý theo đúng quy định.
Được biết: Dự án “ Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1” được Bộ Công Thương và Tập đoàn Sumitomo ký kết thỏa thuận đầu tư ngày 25/5/2017. Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 gồm 02 tổ máy với tổng công suất 2 x 660 MW (mỗi tổ có công suất tinh 660 MW, cấu hình mỗi tổ gồm 01 lò hơi, 01 tuabin máy phát và các thiết bị phụ trợ và hệ thống cân bằng nhà máy). Dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào tháng 6/2018. Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 do Công ty TNHH điện lực Vân Phong làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích 137,11ha trong tổng diện tích đất của Trung tâm điện lực Vân Phong, tại Khu Kinh tế Vân Phong, thôn Ninh Yển, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Dự án “Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1” được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 3485/QĐ-BTNMT ngày 29/12/2017 và được đính chính hệ số Kp,Kv trong Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 1137/QĐ-BTNMT ngày 20/5/2020. Dự án được cấp Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số 105/GP-BTNMT ngày 13/5/2022; Giấy phép khai thác, sử dụng nước biển số 226/GP-BTNMT ngày 23/9/2022. Cuối năm 2022, Công ty TNHH điện lực Vân Phong đã có Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường cho Dự án “Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1” gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để thẩm định và cấp Giấy phép môi trường cho dự án. |