Giải pháp giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi

23/08/2023 17:42 Quản lý nguồn thải
Đi đôi với các lợi ích về kinh tế, việc số lượng đàn gia súc, gia cầm ngày một tăng lên cũng kéo theo những tác động không nhỏ đến môi trường do khối lượng chất thải chăn nuôi tăng lên. Trước thực trạng này, giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng việc xử lý có hiệu quả chất thải sẽ đem lại hiệu quả thiết thực cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, dịch bệnh và giá sản phẩm chăn nuôi biến động, nhưng năm 2022, theo Cục Chăn nuôi, giá trị sản xuất chăn nuôi ước tính tăng 5,93%. Tính đến hết tháng 12/2022, tổng đàn lợn khoảng 26,22 triệu con (chưa bao gồm lợn con theo mẹ), tăng 11,4%; đàn gia cầm khoảng 551,6 triệu con, tăng 4,8%; đàn bò khoảng 6,65 triệu con, tăng 3,1% (riêng đàn bò sữa 335 nghìn con).

Giải pháp giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi

Để bảo đảm phát triển đúng quy hoạch, trước hết các địa phương cần rà soát lại thực trạng chăn nuôi hiện có, khắc phục ngay những thiếu sót, nhất là công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Mặt khác, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết đóng cửa các trang trại không đáp ứng yêu cầu, hoặc cố tình vi phạm, để tình trạng ô nhiễm kéo dài, chậm khắc phục…

Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tích cực như ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong xử lý chất thải rắn, nước thải để bảo vệ môi trường khu vực nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, lãnh đạo và người dân nông thôn về bảo vệ môi trường; xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường nông thôn; áp dụng các biện pháp đủ mạnh, có tính răn đe trong giải quyết xung đột về xử lý môi trường…

Để cải thiện chất lượng môi trường trong chăn nuôi, việc xử lý hiệu quả chất thải là vô cùng quan trọng. Chất thải là nguyên do gây ra ô nhiễm, mùi, mầm bệnh,... Có thể xử lý chất thải bằng áp dụng một số giải pháp sau:

Sản xuất khí sinh học: Người chăn nuôi có thể xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas góp phần làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Qua đó, tận dụng nguồn khí sinh học thay thế chất đốt, hoặc có thể được sử dụng cho chạy máy phát điện, tạo ra điện sinh hoạt gia đình và điện phục vụ trang trại. Tuy nhiên, giải pháp này đòi hỏi các khu vực chăn nuôi phải có quy mô, diện tích trang trại phù hợp, để quyết định lựa chọn công nghệ hầm xây hoặc hầm nhựa hoặc hồ phủ bạt HDPE cho phù hợp. Giải pháp này chưa thực sự phù hợp với các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ.

Xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học: Phương pháp này đang được nhiều địa phương triển khai để xử lý ô nhiễm môi trường. Phương pháp này sử dụng men vi sinh để trộn vào thức ăn, nước uống làm tăng tỷ lệ tiêu hóa thức ăn, giảm mùi hôi thối trong phân và nước tiểu. Hoặc sử dụng các loại men vi sinh để phun, rắc vào nền chuồng hoặc nước thải để giảm ô nhiễm môi trường.

Ủ phân hữu cơ (compost): Trong thời gian gần đây, giải pháp này cũng được nhiều trung tâm khuyến nông hướng dẫn và khuyến khích người nông dân triển khai thực hiện. Nguyên liệu để ủ phân gồm phế phụ phẩm trồng trọt, phân động vật để làm phân bón cho cho cây trồng. Phân sau khi ủ háo khí trở lên tơi xốp và không có mùi hôi thối; các loại vi sinh vật có gây bệnh bị tiêu diệt bởi nhiệt độ đồng ủ.

Ép tách phân: Công nghệ này còn khá mới mẻ và chưa được áp dụng đại trà tại nhiều địa phương. Đây là công nghệ xử lý phân hiện đại dựa trên nguyên tắc “lưới lọc”. Khi hỗn hợp chất thải đi vào máy ép qua lưới lọc, thì các chất rắn được giữ lại, ép khô và ra ngoài để xử lý, còn lượng nước theo đường riêng chảy ra ngoài hoặc cho xuống bể khí sinh học để xử lý tiếp. Độ ẩm của phân khô có thể được điều chỉnh tùy theo mục đích sử dụng.

Giang Nam
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động