Giải pháp trữ nước Đồng bằng sông Cửu Long

23/08/2019 16:01 Tác động môi trường
Trữ nước ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là cần thiết, đặc biệt cho những năm hạn, nhằm mục đích phục vụ sinh hoạt, công nghiệp, đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, góp phần đẩy mặn, phát triển bền vững đồng bằng.
Xác định cơ hội phát triển bền vững tài nguyên đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long Rà soát và hoàn thiện Quy hoạch tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long Xây dựng phương án ứng phó lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long
giai phap tru nuoc dong bang song cuu long
Hệ thống sông Tiền đang bị xâm nhập mặn rất nghiêm trọng.

ĐBSCL có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và là chìa khoá chính trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề cấp nước ở ĐBSCL ngày càng khó khăn hơn do sự phát triển kinh tế - xã hội làm gia tăng nhu cầu nước toàn lưu vực, biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng làm gia tăng xâm nhập mặn. Những tác động của hệ thống hồ chứa, của phát triển kinh tế - xã hội…ở các nước thượng lưu Mê Kông sẽ tác động to lớn đến chế độ dòng chảy hàng năm đến ĐBSCL, trong đó có nguy cơ lũ nhỏ ngày càng nhỏ hơn, dòng chảy mùa kiệt năm hạn càng kiệt hơn, nước ngọt ngày càng khan hiếm, mặn xâm nhập ngày càng sâu khiến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt, công nghiệp… bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Báo cáo nghiên cứu giải pháp tổng thể trữ nước tại ĐBSCL, ông Nguyễn Anh Đức - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tài nguyên nước cho biết, hệ thống thuỷ lợi ĐBSCL tuy có nhiều nhưng hầu hết chưa hoàn chỉnh; các hệ thống liên vùng nên khó điều tiết nước và trữ nước; nguồn nước chủ yếu trên sông Tiền và sông Hậu phần lớn theo dòng chính chảy thẳng ra biển Đông mà khó có thể cấp vào đồng ruộng do địa hình bằng phẳng. Các dự án thuỷ lợi, đã và sẽ thực hiện, ngoài xây dựng các hệ thống kênh tưới tiêu, các cống điều tiết nước trên kênh, trạm bơm cấp nước còn có giải pháp trữ nước trên sông chính nhằm ứng phó với BĐKH và suy giảm dòng chảy từ thượng nguồn.

Đến nay ở ĐBSCL chưa có một giải pháp tổng thể, toàn diện về vấn đề trữ nước cho toàn vùng và các tiểu vùng, mang tính liên ngành, trên cơ sở tầm nhìn dài hạn (đến năm 2050, 2100) và định hướng chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL theo tinh thần của Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

Vì vậy, trữ nước ở ĐBSCL là cần thiết, đặc biệt cho những năm hạn, nhằm mục đích phục vụ sinh hoạt, công nghiệp, đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, góp phần đẩy mặn. Trữ nước ở ĐBSCL nên được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm việc trữ nước làm chậm lũ, trữ nước mùa lũ dùng cho mùa khô, phân ranh mặn ngọt, trữ nước bằng các biện pháp công trình tại vùng nhiễm mặn…

Trong thời gian qua, đã có các nghiên cứu liên quan đến vấn đề trữ nước ở ĐBSCL như: nghiên cứu tiềm năng trữ nước ngọt trong mùa mưa, cấp nước cho mùa khô, kiểm soát mặn và phát triển bền vững ĐBSCL trong điều kiện BĐKH - nước biển dâng; Nghiên cứu giải pháp quy hoạch vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng trữ nước ngọt cho khu vực ĐBSCL thích ứng với BĐKH; Tính bền vững lâu dài của ĐBSCL Việt Nam: Đánh giá kinh tế về các giải pháp quản lý nước...

Đại diện Viện Khoa học tài nguyên nước đã đưa ra một số giải pháp trữ nước, như: Trên hệ thống kênh rạch, trên ô đồng, trong các hồ chứa nhỏ chỉ có ý nghĩa cấp nước cục bộ cho từng khu vực vừa và nhỏ (ví dụ hồ Ba Tri tại Bến Tre). Tại các vườn quốc gia bị giới hạn bởi các quy định liên quan đến việc bảo tồn và hạn chế can thiệp vào hệ sinh thái của vườn… Đặc biệt trữ nước trên hệ thống kênh rạch là giải pháp khả thi cấp nước nội vùng, có tác dụng tích cực nhất, có thể thấy qua các ví dụ thực tế ở tỉnh Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Bên cạnh những giải pháp kỹ thuật nêu trên, một số dự án đề xuất việc sử dụng biện pháp công trình (cống và đê) nhằm ngăn các nhánh sông lớn trở thành hồ chứa nước ngọt, như đã thực hiện với nhánh sông Ba Lai tại Bến Tre, nhánh sông Cửa Trung (Tiền Giang), sông Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang) với vốn đầu tư lớn, vấn đề tác động môi trường cần phải được xem xét toàn diện.

Qua nghiên cứu, đánh giá sơ bộ các giải pháp trữ nước ở ĐBSCL, đai diện Cục Biến đổi khí hậu và Viện Khoa học tài nguyên nước kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm thực hiện một dự án nghiên cứu tổng thể về các giải pháp trữ nước ở vùng này, trên cơ sở tầm nhìn dài hạn (đến năm 2050, 2100), định hướng chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL theo tinh thần của Nghị quyết số 120/NQ-CP mang tính chất liên vùng, liên ngành, dựa trên các số liệu dự báo khí tượng thủy văn trung hạn và dài hạn, kết hợp với kịch bản BĐKH được cập nhật mới nhất, xác định được định hướng rõ ràng và đề ra được các giải pháp trữ nước khả thi cho từng vùng sinh thái cụ thể.

Mai Hoa
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động