Hành trình rác thải nhựa Mỹ đến với "đồng nát" châu Á: Bí mật "bốc mùi"
Sông Dương Đông bị bức tử bởi rác thải Top đầu thế giới, "thành tích" đáng lo ngại của Việt Nam "Văn hóa túi nhựa" của Nhật Bản: Bài toán nan giải |
Hoa Kỳ là một trong những quốc gia sử dụng nhựa hàng đầu thế giới nhưng không hàng đầu về xử lý nhựa! Họ thường xuyên xuất khẩu rác thải nhựa sang các quốc gia đang phát triển - nơi có quy định xử lý chất thải thiếu chặt chẽ, trong đó có Việt Nam. 10 phóng viên của trang The Guardian đã có bài phóng điều tra với quy mô lớn, khám phá "hành trình bốc mùi" của rác Mỹ đến 11 nước châu Á.
Bà Thắm hàng ngày làm việc giữa đống chất thải nhựa bẩn thỉu đến từ Mỹ. Ảnh: The Guardian. |
Ngành công nghiệp nhựa Mỹ luôn nói rằng, rác thải nhựa sẽ được chuyển đến các nhà máy để tái chế. Tuy nhiên, điều này khác xa với những trải nghiệm của bà "đồng nát" Nguyễn Thị Thắm (60 tuổi), hiện là mẹ của 7 người con, ngày ngày sống và làm việc giữa đống rác thải nhựa bẩn thỉu đến từ Mỹ ở làng nghề tái chế nhựa Minh Khai (thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên).
Tại đây, rác từ Mỹ, Ả Rập, Pháp,…, từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Rác tràn ngập trên đường phố, tràn vào nơi sinh sống của hơn 1.000 hộ gia đình. Ngay cả cổng chào được trang hoàng bằng cờ đỏ của làng cũng bị bủa vây bởi rác thải nhựa. Những công nhân làm việc trong điều kiện nghèo nàn, sực mùi hôi thối từ rác chưa xử lý, mùi khói độc từ lò đốt rác…
Trên nền đất, bà Thắm ngồi dưới cái nắng chói chang, tay đeo găng cao su, miệng bịt khẩu trang vải, đầu đội nón lá, vừa phân loại rác vừa nói: "Chúng tôi sợ mùi rác lắm! Cũng không dám uống nước giếng khoan ở đây. Nhưng không có tiền nên không có sự lựa chọn nào khác".
Mỗi ngày bà Thắm được trả khoảng 150.000 đồng (tương đương 6,5 USD) để phân loại rác nhựa, nhặt riêng những thứ có thể và không thể tái chế. Từ sáng tới chiều, bà "chìm đắm" trong tàn dư bốc mùi của nền văn hoá Mỹ: vỏ Cheeotos từ siêu thị Walmart, vỏ kẹo York Peppermint Patties của hãng Hershey, túi nhựa từ Shoprite (chuỗi siêu thị ở New Jersey) còn nguyên dòng chữ in, kêu gọi mọi người tái chế rác… Sau khi phân loại, rác sẽ được đổ vào máy nghiền, sau đó được đun chảy rồi nấu thành các viên nhựa.
Ngay cả cổng chào được trang hoàng bằng cờ đỏ của làng Minh Khai cũng bị bủa vây bởi rác thải nhựa. Ảnh: The Guardian. |
Tháng 7/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ra lệnh thắt chặt tiêu chuẩn phế liệu nhập khẩu, lượng rác chuyển vào Việt Nam đã giảm 1/10 so với thời điểm trước đó. Đến tháng 4/2019, hơn 23.400 container phế liệu không qua được cửa hải quan ở Việt Nam. Nhưng hoạt động tái chế rác ở Minh Khai vẫn tấp nập. Theo bà Thắm, phế liệu đến từ cảng Hải Phòng - cảng lớn nhất miền Bắc và nhiều vùng miền khác trong nước cho thấy hoạt động nhập khẩu rác là bài toán khó trong công tác quản lý.
Theo điều tra của nhóm phóng viên The Guardian, mỗi năm, Mỹ gửi khoảng một triệu tấn chất thải nhựa đến các quốc gia đang phát triển. Xứ cờ hoa "nhường" họ - vốn đã là phần yếu thế của thế giới, công đoạn tái chế bẩn thỉu, tốn nhiều công sức, để lại hậu quả nghiêm trọng về môi trường và sức khoẻ cộng đồng.
Đây là hành vi vô đạo đức khi tại các nước này, trình độ xử lý chất thải nhựa còn thấp, họ thậm chí không thể tự giải quyết rác của chính nước mình. Một nghiên cứu của Đại học Georgia cho thấy, Malaysia - nước hiện nhập khẩu lượng nhựa lớn nhất từ Mỹ, xử lý không hiệu quả 55% lượng rác nhựa trong nước, con số này tại Việt Nam là 86%, tại Indonesia là 81%.
Hoạt động tái chế rác ở Minh Khai vẫn tấp nập bất chấp lệnh thắt chặt quản lý. Ảnh: The Guardian. |
Thống kê của Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) cũng cho biết, năm 2015, chỉ khoảng 9% rác nhựa của Mỹ được tái chế, một nửa trong số đó (khoảng 1,6 triệu tấn) được Trung Quốc và Hong Kong xử lý. Họ thu mua những loại nhựa có giá trị nhất để tái chế, tái sử dụng, bán lại cho các nước phương Tây. Phần rác thải nhựa xuất khẩu còn lại nằm lẫn lộn cùng thực phẩm thừa đang phân huỷ và những thứ không thể tái chế như bỉm, băng vệ sinh, quần áo cũ… nằm ngoài khả năng xử lý của bất cứ bộ máy xử lý rác nào.
Hồi đầu năm, Tổ chức môi trường Gaia đã công bố kết quả của một cuộc khảo sát cho thấy sức ảnh hưởng của rác Mỹ xuất khẩu sang các nước "nạn nhân". Cụ thể, nguồn nước bị ô nhiễm, mất mùa, xáo trộn cuộc sống của người nghèo, gây bệnh hô hấp do khói đốt nhựa, tăng tỷ lệ tội phạm… tạo ra những hậu quả nặng nề về kinh tế, xã hội, môi trường... đặt gánh nặng lên vai người dân và các thế hệ tương lai.
"Ma trận" rác thải Mỹ đến các nước. Ảnh: The Guardian. |
Trước tình trạng trên, vào cuối năm 2017, Trung Quốc đã phải "cấm cửa" các loại rác nhựa, chỉ trừ những loại nhựa được phân loại cẩn thận, sạch sẽ. Indonesia, Malaysia và Thái Lan cũng cấm hoặc hạn chế tối đa nhập khẩu rác thải.
Tuy nhiên, điều này đã biến các quốc gia "thấp cổ bé họng" khác thành "nạn nhân" mới của rác nhựa Mỹ, như Campuchia, Lào, Ethiopia, Kenya,… - những nơi nghèo nhất thế giới với lao động rẻ bèo và quy định môi trường lỏng lẻo.
Theo điều tra của The Guardian và Cục điều tra Dân số Hoa Kỳ, mỗi tháng trong suốt nửa cuối năm 2018, Mỹ đã xuất khẩu tới 260 tấn phế liệu nhựa. Tổng cộng là 68.000 container; trong đó riêng "phần" của Việt Nam là 83.000 tấn.
Người dân nghỉ mát cùng rác ở biển Bình Thuận. Ảnh: The Guardian. |
Đối với nhiều chuyên gia, Malaysia là ví dụ đáng sợ nhất về khủng hoảng rác thải nhập khẩu từ Mỹ. Sau lệnh cấm của Trung Quốc, quốc gia này trở thành "miền đất hứa" của rác. Trong 10 tháng đầu năm 2018, Mỹ xuất khẩu 192.000 tấn nhựa sang Malaysia. Nhiều nhà máy ở đây chỉ có giấy phép xử lý rác thải trong nước nhưng vẫn lén lút thu gom rác nhập khẩu, đa số xử lý bằng cách đốt trái phép, thải khói độc, gây ảnh hưởng tới công nhân, người dân sống gần nhà máy và bãi chôn lấp.
Hồi tháng 10/2018, Chính phủ Malaysia tuyên bố ngừng cấp phép mới cho rác thải nhựa nhập khẩu và cấm nhập khẩu mọi loại rác nhựa trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, động thái này có phần muộn màng khi hàng nghìn tấn rác thải nhựa đã "xâm chiếm" các cảng sau khi những kẻ kinh doanh vô đạo đức "bỏ của chạy lấy người". Tại những nơi trước đây là các nhà máy đốt rác bất hợp pháp, rác nhựa vẫn chất cao tới hàng mét, trải kín các bãi đất trống.
Công nhân Thái Lan phân loại rác trong điều kiện lao động nghèo nàn, kém bảo hộ. Ảnh: EPA |
Theo Bộ trưởng Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin, việc rác thải Mỹ nhập lậu vào nước này vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Các chủ tàu chỉ cần thay đổi mã trên dữ liệu của các container phế liệu, nguỵ tạo thành nhựa nguyên chất là có thể đi qua cửa hải quan.
Tại thị trấn Sungai Petani ở phía Tây Bắc Malaysia, khoảng nửa triệu người dân đang sống chung với mùi xú uế và khói độc rác xả ra từ 20 nhà máy đốt rác bất hợp pháp. Nhiều người dân đã tự niêm phong cửa sổ, chặn khe cửa ra vào bằng các loại thảm nhưng cũng không ăn thua. Cô Christina Lai - một người hoạt động vì môi trường tại đây cho biết: "Mùi khói đốt rác khiến chúng tôi tỉnh giấc giữa đêm. Một ngày nào đó, mảnh đất này sẽ không còn bóng người, mà chỉ có rác ở khắp nơi".
Trong 10 tháng đầu năm 2018, Mỹ xuất khẩu 192.000 tấn nhựa sang Malaysia. Ảnh: Getty Image. |
Tại thị trấn biển Sihanoukville của Campuchia, nhiều khu vực biển được phủ kín bởi rác thải nhựa. Nhìn từ xa, mặt nước như tấm thảm polymer lấp lánh nhưng… bốc mùi. Ông Heng Ngy (58 tuổi) - cư dân của thị trấn, sống trong một ngôi nhà gỗ trên biển cho biết, thay vì tận hưởng không khí biển, hằng ngày gia đình ông đều phải chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc đến từ rác.
Ông bức xúc nói: "Tôi không thể chấp nhận việc nhựa nhập khẩu tràn lan vào đất nước của chúng tôi".
Đa số rác được xử lý bằng cách đốt trái phép, thải khói độc, gây ảnh hưởng tới công nhân, người dân sống gần nhà máy và bãi chôn lấp. Ảnh: AFP/Getty Image. |
Người dân nơi đây hầu như mù mờ về nguồn gốc của số rác thải này, không biết chúng là rác thải chưa qua xử lý, đến từ nước Mỹ xa xôi. Theo ước tính của các chuyên gia, các cơ sở tái chế trên toàn cầu phải thải loại khoảng 20 - 70% lượng nhựa đầu vào do không thể sử dụng. Vì vậy, nhập khẩu rác thải luôn đồng nghĩa với ô nhiễm hơn.
Tại Philippines, mỗi tháng có khoảng 120 container rác được chuyển đến thủ đô Manila và đặc khu công nghiệp ở vịnh Subic từ Los Angeles, Georgia và cảng New York. Từ đây, nhựa tiếp tục được chuyển đến Valenzuela - thành phố "nhựa" ở vùng ngoại ô. Người dân nơi đây chịu chung số phận với dân làng Minh Khai ở nước bạn Việt Nam. Đêm ngày bị mùi đốt rác làm cho ngạt thở. Nhiều người già và trẻ nhỏ bị mắc bệnh nặng về đường hô hấp, có người ung thư phổi. Nhưng không có sự lựa chọn nào khác vì rác là nguồn thu nhập chính của họ. Nói cách khác, rác đồng thời nuôi sống và cướp đi cuộc sống của họ.
Ông Heng Ngy và gia đình phải chịu đựng mùi hôi nồng nặc từ rác thải mỗi ngày. Ảnh: The Guardian. |
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, kể từ khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm, lượng rác thải nhựa nhập khẩu đã tăng vọt từ 159.000 tấn đến 439.000 tấn chỉ trong hai năm. Mỗi tháng, khoảng 10 tàu kéo cập cảng Istanbul và Adana, mang theo khoảng 2.000 tấn phế liệu từ các cảng Georgia, Charleston, Baltimore, New York (Mỹ)… cùng hàng chục tàu khác từ Anh và các nước châu Âu khác.
Trước khi tàu cập bến, đã có hàng trăm nghìn người chờ sẵn để "thu hoạch" phế liệu, tự phát như "đồng nát" ở Việt Nam hoặc đến từ các công ty địa phương, rồi bán lại cho các nhà máy tái chế. Họ rất chuộng loại nhựa này vì giá thành rẻ, trong khi cho rác thải nhựa trong nước "ra rìa", chất đống ở nhiều nơi trong đô thị.
Trước tình trạng trên, nhiều người dân đã phải vận động chiến dịch ngăn chặn rác nhập khẩu. Ông Baran Bozoğlu - người đứng đầu Tổ chức Kỹ sư Môi trường Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: "Trong nước có khoảng 500.000 người thu gom rác thải cần mẫn như kiến. Nhưng những nỗ lực của họ đang trở nên vô ích khi việc nhập khẩu rác trở nên vô biên, vô giới hạn. Giống như chúng ta có sẵn bột và nước nhưng không tự làm bánh mì mà đi nhập khẩu từ nước khác. Thật là vô nghĩa!".
Anh Eser Çağlayan, 33 tuổi đời nhưng đã có tới 20 năm tuổi nghề thu gom phế liệu chia sẻ, trước đây anh có thể nuôi sống một gia đình 5 miệng ăn với thu nhập 800 USD từ rác thải nhựa. Nhưng năm nay, số tiền anh kiếm được giảm đi 1/3 do nhựa nhập khẩu cạnh tranh gắt gao.
Anh Çağlayan bức xúc nói: "Tôi muốn nói với người Mỹ rằng hãy tự tái chế rác trên đất của các anh. Đừng cướp miếng cơm của chúng tôi, đẩy gia đình chúng tôi vào cảnh chết vì đói".
Người dân Sihanoukville sống giữa dập dềnh biển rác. Ảnh: The Guardian. |
Điểm đến "hot" của rác Mỹ hiện nay còn có là Bangladesh, Lào, Ethiopia, Senegal… Từ những nước phát, rác thải nhựa vượt đại dương, đi qua các lục địa với mạng lưới phức tạp, đôi khi là bất chính, đến các cơ sở tái chế. Tại đây, chúng được phân loại thành các kiện khác nhau để bán.
Mặc dù chưa biết chính xác các hoạt động tái chế ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ của con người, nhưng khói độc phát sinh từ đốt nhựa, chế biến nhựa có thể gây ra nhiều bệnh hô hấp. Công nhân và gia đình của họ ngày ngày bị "hun" trong hàng trăm khí độc, như axit hydrochloric, sulfur dioxide, dioxins và kim loại nặng gây rối loạn phát triển, rối loạn nội tiết và ung thư.
Tháng 8/2019, 187 quốc gia đã ký một hiệp ước ngăn nhặn việc xuất nhập khẩu rác thải nhựa không thể tái chế hoặc quá ô uế. Tuy nhiên, một số nước không ký, trong đó có Hoa Kỳ.
Sự phân biệt xã hội trong xuất khẩu rác nhựa của Mỹ khiến cả những người trong ngành cũng sốc. Ông Bob Wenzlau - người đi đầu trong việc sáng lập hệ thống thu gom, phân loại rác trên đường phố vào năm 1976 cho biết: "Tôi từng cảm thấy rất tự hào về thành quả của mình, nhưng khi thấy sự ảnh hưởng của rác thải Mỹ xuất khẩu sang các nước khác, trái tim tôi đau nhói vì hệ thống mà tôi sáng lập ra đang gây hại".
Cuộc sống người dân nghèo Thổ Nhĩ Kỳ càng trở nên khốn đốn khi lượng rác thải nhập khẩu không được kiểm soát. Ảnh: Reuters. |
Những thất bại trong hệ thống xử lý rác thải đã biến một loại vật liệu tối tân, làm nên từ những đồ dùng nhỏ như bàn chải đánh răng, cho đến các bộ phận của tàu không gian… thành "tội đồ" của của thế kỷ. Hiện nay, một lượng rác thải nhựa khổng lồ đang trôi nổi trên các đại dương, giết chết các sinh vật biển; người ta còn tìm thấy các hạt nhựa siêu nhỏ trong cơ thể người… Cho đến năm 1950, nhựa mới được sử dụng đại trà. Nhưng tại một số điểm ở Thái Bình Dương, mật độ nhựa còn dày hơn sinh vật phù du. Riêng Mỹ đã tạo ra 34,5 triệu tấn chất thải nhựa, đủ để lấp đầy 1.000 sân vận động. Ngay cả San Francisco - nơi từ lâu được ca ngợi về năng lực tái chế rác thải cao cũng đã phải tuyên bố rằng, hệ thống xử lý rác đang thất bại.
Về mặt kinh tế, rác nhựa cũng là một loại hàng hoá. Chúng mang lại lợi nhuận cho những người môi giới, bên vận chuyển và các công ty tái chế. Trước đây, việc xuất khẩu nhựa sang châu Á mang lại lợi ích kinh tế lớn. Vì sau khi vận chuyển hàng từ Trung Quốc đến Mỹ, các container nhiều khi trống rỗng. Trong trường hợp này, các công ty vận tải sẵn sàng nhận chở rác quay về châu Á với mức giá "yêu thương" nhất.
Ông Steve Wong (61 tuổi) - một người Hong Kong chuyên môi giới tái chế rác cho biết: "Tôi từng là một trong những nhà xuất khẩu rác lớn nhất thế giới, nắm trong tay đường dây trị giá hàng triệu USD. Nhưng giờ đây, công ty của tôi đang chìm trong nợ nần".
Các công ty như của ông Wong lao đao vì nhiều quốc gia phát triển đã phải tự nâng cấp hệ thống tái chế của mình sau thời gian tìm cách xử lý rác trên tiêu chí "càng rẻ càng tốt" mà không quan tâm đến môi trường và cuộc sống của người khác.
Ông Wong cho biết, lợi nhuận trong ngành này cũng giảm sút trong thời gian gần đây. Ví dụ, một tấn phế liệu nhựa mua từ Mỹ có giá khoảng 150 USD. Sau khi chuyển sang nước ngoài để bán cho các nhà máy chế biến, người bán có thể ra giá 800 USD/tấn, nhưng giá nhựa mới có chất lượng cao hơn chỉ khoảng 900 – 1.000 USD/tấn.
Theo ông Steve Wong, tái chế rác từng là "con gà đẻ trứng vàng". Ảnh: The Guardian. |
Để cứu vớt sự nghiệp của mình, ông Wong đang tìm cách mở các cơ sở tái chế gần với Mỹ hơn. Ông lên kế hoạch đi tới Dominica, Haiti, Monterrey, Texas… để gặp gỡ các quan chức địa phương để bàn về kế hoạch xây dựng các nhà máy, tìm kiếm đầu tư…
Ông Wong kỳ vọng xây dựng được các nhà máy tiên tiến, có thể loại bỏ các chất độc hại phát tán ra không khí và nước. Nhưng ông cũng lo ngại rằng sẽ không thể cạnh tranh về giá cả với những đối thủ đặt lợi nhuận lên hàng đầu, tìm cách hạ vốn tối đa bằng cách tận dụng những hệ thống cũ kỹ, gây hại cho môi trường. Theo ông, ngay cả ở những quốc gia đã cấm nhập khẩu nhựa vẫn tồn tại những ngóc ngách buôn lậu khiến người dân sống trong cảnh khóc dở mếu dở.
Giáo sư Andrew Spicer - Chuyên ngành Trách nhiệm xã hội của Đại học South Carolina, một thành viên trong ban cố vấn tái chế rác địa phương chia sẻ: "Mọi người không được biết chuyện gì xảy ra với rác nhựa của họ. Khi vứt rác đúng chỗ hay phân loại rác, họ nghĩ mình cứu thế giới, nhưng các doanh nghiệp tái chế quốc tế chỉ coi đó là cách kiếm tiền. Chưa có quy định toàn cầu nào cả, đó chỉ là một thị trường hỗn tạp, bẩn thỉu, luật pháp lỏng lẻo…".
Ông Michael J Sangiacomo - Chuyên gia của nhà máy xử lý rác Rocology lý giải: "Đơn giản là vì có quá nhiều nhựa, quá nhiều chủng loại khác nhau. Trong khi nhu cầu vật liệu tái chế lại thấp".
Ông Wenzlau mới đây đã thuyết phục được hội đồng thành phố Palo Alto (California, Mỹ) thông qua quy định yêu cầu các cơ sở thu gom, tái chế rác thải trong khu vực phải báo cáo về tác động lên xã hội và môi trường của bất kỳ lô hàng phế liệu nào được xuất khẩu.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng rác thải sắp rơi vào giai đoạn vượt tầm kiểm soát. Các nỗ lực đơn lẻ sẽ không thấm tháp vào đâu so với lượng rác thải khổng lồ mà thế giới đang thải ra mỗi ngày. Để giải quyết cục diện vấn đề, cần sự chung tay trên toàn cầu với những kế hoạch mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa.
Tin mới
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.