Kinh nghiệm quốc tế trong quản lý chất thải rắn đô thị

04/10/2019 05:00 Quản lý nguồn thải
Sự gia tăng dân số cùng với phát triển kinh tế - xã hội đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng, đồng thời làm gia tăng lượng phát sinh chất thải rắn (CTR), với thành phần ngày càng phức tạp đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý CTR ở Việt Nam. 
5 kế hoạch trong lĩnh vực tái chế, tái sử dụng chất thải phải hoàn thành trong năm 2020

Báo cáo hiện trạng môi trường cho thấy, CTR sinh hoạt đô thị năm 2015 tăng gấp 1,6 lần so với năm 2010; dự đoán năm 2020 sẽ tăng gấp 2,37 lần và năm 2025 là 3,2 lần năm 2010. Bình quân CTR/đầu người tăng (0,95kg/người/ngày năm 2009 lên 1,6kg/người/ngày năm 2025). Hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy CTR là vấn đề lớn đối với các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý CTR, Chính phủ đã ban hành các Nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định về chiến lược, quy hoạch quốc gia quản lý tổng hợp, quy hoạch khu xử lý CTR; đặc biệt Chỉ thị số 23/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác quản lý CTR tại các đô thị và KCN.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, với vai trò là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đặc biệt là quản lý CTR, đã xây dựng được hành lang pháp lý, công cụ trong quản lý CTR, từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý CTR, đặc biệt là CTR đô thị, đưa các công nghệ tiên tiến trên thế giới về xử lý CTR vào Việt Nam, điều này góp phần không nhỏ trong việc nỗ lực giảm thiểu CTR tại các đô thị trên toàn quốc.

kinh nghiem quoc te trong qua n ly cha t tha i ra n do thi
Phân loại rác tại nguồn - khâu quan trọng trong công tác xử lý CTR đô thị.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng, để công tác quản lý CTR đô thị đạt hiệu quả cao, cần có sự học hỏi kinh nghiệm quốc tế, bắt nhịp với các phương thức, công cụ quản lý tiên tiến, hiệu quả trên thế giới, cũng như tìm hiểu, ứng dụng các công nghệ hàng đầu trong việc xử lý CTR đô thị. Để làm được điều này, cần có sự quan tâm đúng mức, có cách tiếp cận mới, xem rác thải là nguồn tài nguyên, quản lý CTR phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn.

Đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) cho biết, tái chế chất thải, chất thải công nghiệp là một phần cách tiếp cận của UNIDO theo kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, hỗ trợ ngành công nghiệp tái chế để có thể tái chế chất thải, chất thải công nghiệp thành nguồn tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín; áp dụng RECP để đảm bảo các hoạt động tái chế “xanh” và an toàn; cung cấp, hỗ trợ cho các hoạt động tái sử dụng, sửa chữa, tái sản xuất và tái chế; tăng cường các điều kiện khung để đảm bảo việc hỗ trợ ngành công nghiệp tái chế và nền kinh tế tuần hoàn.

kinh nghiem quoc te trong qua n ly cha t tha i ra n do thi

Các quốc gia phát triển trên thế giới đều có chung nhận định: "Kinh tế tuần hoàn là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường". Nếu như kinh tế sản xuất thông thường bắt đầu từ khai thác tài nguyên, sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng là thải bỏ, kinh tế tuần hoàn hướng tới khôi phục và tái tạo để sản xuất các sản phẩm khác, qua đó tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí khai thác tài nguyên mới, chi phí xử lý chất thải. Vì vậy, việc phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng tái sử dụng các phế liệu và rác thải, được đánh giá là giải pháp có thể giúp các nước phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Hiện nay, việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý CTR, đặc biệt là CTR đô thị tại một số quốc gia trên thế giới như Đức, Úc, Hàn Quốc đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận.

Chính sách chất thải quốc gia

Theo PGS Sunil Herat - Trường Kỹ thuật và Môi trường Xây dựng thuộc Đại học Griffith (Brisbane, Úc), quản lý chất thải là một thách thức lớn trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Việc tách rời tăng trưởng kinh tế khỏi tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và chất thải là ưu tiên hàng đầu của các nước đang phát triển. Cách tiếp cận 3R (tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu) là một công cụ chính sách quan trọng để đạt được kết quả này.

PGS. Sunil Herat cho biết, Chính phủ Úc đã ban hành chính sách chất thải quốc gia với mục tiêu là hạn chế phát sinh chất thải, giảm lượng chất thải để xử lý; quản lý chất thải như một nguồn tài nguyên; đảm bảo rằng việc xử lý, thu hồi và tái sử dụng chất thải được thực hiện theo cách an toàn, khoa học và thân thiện với môi trường; góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn và sản xuất năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước và nâng cao năng suất của tài nguyên đất.

Để đạt được các mục tiêu này, trên thực tế, Chính phủ Úc đã ban hành, triển khai chương trình tái chế máy tính và tivi quốc gia, quy ước về vật liệu đóng gói, các tiểu bang Nam Úc, Queensland, New South Wales, Victoria, ACT có các sáng kiến về lãng phí nhựa, tiểu bang Nam Úc có Luật Ký gửi vỏ chai, đầu tư cho tái chế, xây đường bằng nhựa tái chế. Chính phủ Úc đã cam kết mức kinh phí lên tới 1,1 triệu đô la nhằm giúp tăng tỷ lệ tái chế cho bao bì thông qua việc giáo dục người tiêu dùng. Đây là một phần trong tổng cộng 167 triệu đô la của Chính phủ Úc cam kết cho các sáng kiến tái chế và giảm chất thải mới (tháng 6/2019).

Chính phủ Queensland đang đầu tư 100 triệu đô la vào chương trình phát triển công nghiệp phục hồi tài nguyên nhằm cải thiện các cơ sở hoạt động hiện tại cũng như đưa về các cơ sở quan trọng mới đến Queensland (tháng 7/2019). Nhựa từ khoảng 176.000 túi nhựa, bao bì và thủy tinh từ khoảng 55.000 bình chứa đã được chuyển từ bãi rác đến xây dựng con đường đầu tiên của New South Wales làm từ nhựa mềm và thủy tinh,…

Thực hiện phân loại rác tại nguồn

Ông Jorg Ruger - người phụ trách môi trường của Đại sứ quán Đức chỉ ra rằng, gần 50 năm trước đây, nước Đức cũng sử dụng biện pháp chôn lấp rác như Việt Nam hiện tại, với 50.000 bãi chôn lấp rác. Nhưng đến nay, Đức đã dần loại bỏ phương pháp này. Chính phủ Đức đã nhận ra việc chôn lấp rác gây ô nhiễm và không tận dụng được nguồn tài nguyên này, nên đã đề ra nhiều phương pháp thay thế. Đến năm 2016, Đức giảm còn 300 bãi chôn lấp rác và dự kiến sẽ xóa bỏ hoàn toàn vào năm 2020.

Nước Đức thực hiện rất nghiêm quy định phân loại rác tại nguồn, tái chế rác và chỉ cho chôn lấp những loại rác không thể tái sử dụng. Nước này còn áp dụng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền; mỗi cá nhân, tổ chức phải đóng phí tùy theo mức độ xả rác.

Khuyến khích tái chế rác

Còn tại Hàn Quốc, trong vòng 30 năm từ 1982 đến 2013, nước này đã giảm được tỉ lệ chôn lấp rác thải từ 96% xuống còn 16% và mục tiêu đến năm 2025 đưa tỉ lệ này về ngưỡng 3%. Để làm được điều đó, Hàn Quốc đã ban hành đạo luật khung về tuần hoàn tài nguyên, trong đó quy định mức phí chôn lấp rác cao với mục đích khuyến khích tái chế rác.

Nói về các quy định phân loại và thu gom rác thải đối với người dân Hàn Quốc, ông Kim In Hwan - nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường cho biết, các hộ gia đình ở Hàn Quốc phải đựng rác trong các túi do chính quyền địa phương bán. Chính việc phải mua các túi này, người dân đã đóng các phí xử lý rác thải. Nhà nào xả rác nhiều thì phải mua nhiều túi. Tương tự, các nhà sản xuất cũng được giao trách nhiệm thu gom, tái chế sản phẩm của mình. Đơn vị nào không thực hiện sẽ bị áp chế tài với phụ phí lên tới 30%.

Ngoài việc hạn chế tối đa việc chôn lấp rác thải, Hàn Quốc hiện cũng không khuyến khích mô hình đốt rác vì nguy cơ gây ra ô nhiễm không khí.

Việt Nam là một trong 4 nước phát sinh rác thải nhựa nhiều nhất trên thế giới, với số lượng 280.000 tấn mỗi năm; hơn 70% số này xử lý bằng phương pháp chôn lấp dẫn đến tốn diện tích đất và gây ô nhiễm môi trường.

TS Nguyễn Hoàng Nam - Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách tài nguyên môi trường

Quang Minh
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động