Lạng Sơn: Làm tốt công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải

31/05/2023 11:17 Địa phương
Để Lạng Sơn thêm Xanh - Sạch - Đẹp, kinh tế - xã hội phát triển cần làm tốt hơn nữa công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường. Qua đó, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ.

Lạng Sơn hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường
Lạng Sơn hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường

Để có được thành công đó, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức trách nhiệm cho người dân trong việc thu gom, phân loại rác thải, Lạng Sơn đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt cùng với sự nỗ lực của ngành chức năng trong việc giám sát, xử lý hành vi vi phạm liên quan trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Trong sự thành công chung về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thời gian qua, công tác thu gom, xử lý chất thải, nước thải được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực nhất.

Làm tốt công tác thu gom, xử lý chất thải

Trong nhiều năm qua, công tác quản lý chất thải luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng. Tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực để kiểm soát tốt công tác quản lý chất thải bên cạnh việc thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra giám sát hằng năm và đột xuất. Tỷ lệ các loại chất thải được thu gom, quản lý, xử lý ngày càng tăng cả về khối lượng, phạm vi và chủng loại. Tỷ lệ thu gom rác đạt 92,7%; xử lý đạt 98,6% số thu gom; chất thải rắn được thu gom đạt 97,04%.

Trên địa bàn tỉnh có khoảng 15 đơn vị tham gia thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt so với 7 đơn vị trong giai đoạn trước, các cơ sở cũng đã trang bị máy móc, thiết bị phục vụ công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ngày một hiện đại hơn. Trên địa bàn tỉnh đang vận hành 05 bãi chôn lấp xử lý rác thải sinh hoạt (gồm: bãi rác Văn Quan, bãi rác Lộc Bình, bãi rác Đình Lập, bãi rác Tân Lang, bãi rác Lân Tắng) và 3 lò đốt rác thải sinh hoạt (lò đốt rác của Công ty TNHH một thành viên Áo Xanh tại huyện Đình Lập; lò đốt rác quy mô liên xã của Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tân Minh tại huyện Văn Quan; lò đốt rác thải sinh hoạt được lắp đặt tại xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng của Công ty TNHH Xây dựng Thành Linh).

Việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã cơ bản được triển khai hiệu quả tại khu vực đô thị. Các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã triển khai thu gom và xử lý tại các hộ gia đình hoặc tập hợp tại một số cụm để đốt bằng bể đốt rác tự xây dựng. Việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã được 6 cơ sở (được cấp phép) gồm Công ty TNHH Huy Hoàng, Công ty TNHH MTV Môi trường và dịch vụ thương mại Phúc Lộc, Công ty CP Thương mại dịch vụ Tân Minh, Công ty TNHH MTV Áo Xanh, Công ty TNHH Thành Linh, Hợp tác xã Tiến Đạt tiến hành thu gom, xử lý theo đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Chất thải rắn công nghiệp thông thường trên địa bàn tỉnh do số lượng phát sinh không lớn nên chủ yếu được tận dụng làm sản phẩm phụ (từ hoạt động các mỏ khai thác đá vôi). Lượng phát sinh chất thải rắn công nghiệp đáng kể nhất hiện nay là tro xỉ của Công ty Nhiệt điện Na Dương cũng được tỉnh đã triển khai nghiên cứu sử dụng tro xỉ thải làm đường giao thông nông thôn, vật liệu san lấp.

Chất thải nguy hại với tổng khối lượng phát sinh trên địa bàn khoảng 297,491 tấn/năm, khối lượng xử lý 287,484 tấn/năm, tỷ lệ chất thải nguy hại đạt khoảng 96,64%. Trên địa bàn tỉnh không có cơ sở có chức năng làm dịch vụ xử lý chất thải nguy hại, các đơn vị làm dịch vụ môi trường chủ yếu thuê các đơn vị có chức năng ngoài tỉnh để thu gom, vận chuyển, xử lý.

Chất thải y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn khoảng 198,291 tấn/năm. Khối lượng xử lý 193,284 tấn/năm (chiếm 97,45%).

Thu gom, xử lý nước thải, quan trắc môi trường được quan tâm, đầu tư hiệu quả

Trong giai đoạn 2017 - 2022, tỉnh Lạng Sơn đã đầu tư, đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải tập trung tại thành phố Lạng Sơn (thôn Nà Pàn, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn), công suất Nhà máy xử lý nước thải theo thiết kế là 5.260 m3/ngày đêm, công suất xử lý thực tế năm 2022 là 3.156 m3/ngày đêm (tương đương 1.151.940 m3/năm) với tổng mức đầu tư gần 701,35 tỷ đồng (nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Tái thiết Đức - KfW).

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 01 khu công nghiệp được thành lập (Khu công nghiệp Đồng Bành), đến nay đã có 04 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong khu công nghiệp, tuy nhiên mới có 01 dự án Nhà máy xi măng Đồng Bành của Công ty cổ phần xi măng Đồng Bành đi vào hoạt động và được đầu tư hệ thống xử lý nước thải riêng, xử lý đạt quy chuẩn môi trường, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung cho cả khu công nghiệp; có 01 cụm công nghiệp đi vào hoạt động (cụm công nghiệp địa phương số 2 tại xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc), tuy nhiên vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung cho cả cụm công nghiệp, tuy nhiên các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp đều đầu tư hệ thống xử lý nước thải riêng của cơ sở.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng và lắp đặt hoàn thành 05 công trình, trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục, trong đó có: 03 Trạm quan trắc môi trường không khí (tại xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc; xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng và tại thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng); 01 Trạm quan trắc môi trường nước tại xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn và 01 Trung tâm điều hành đặt tại Trung tâm Tài nguyên và Môi trường (xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn) để theo dõi đánh giá chất lượng môi trường, kịp thời phát hiện các vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh; ngoài ra, đến nay đã có 02 đơn vị (Công ty Nhiệt điện Na Dương - TKV, Công ty cổ phần xi măng Đồng Bành) đã thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục và 04 đơn vị (Công ty than Na Dương - 5 VVMI, Công ty Nhiệt điện Na Dương - TKV, Công ty cổ phần cấp thoát nước Lạng Sơn, Công ty TNHH Huy Hoàng) đã thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục kết nối về Sở Tài nguyên và Môi trường. Qua đó việc kiểm soát ô nhiễm môi trường được tốt hơn, thông tin dữ liệu được cập nhật thường xuyên.

Lạng Sơn phấn đấu sớm đưa vào hoạt động nhiều nhà máy xử lý nước thải. Ảnh: Sưu tầm
Lạng Sơn phấn đấu sớm đưa vào hoạt động nhiều nhà máy xử lý nước thải. Ảnh: Sưu tầm

Nhìn chung, với một tỉnh miền núi như Lạng Sơn, việc làm tốt công tác thu gom, xử lý chất thải, nước thải cũng như quan trắc môi trường trong thời gian qua đã là sự nỗ đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển kinh tế theo định hướng công nghiệp hiện đại, phát triển thì việc tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn, trình độ, kỹ năng trong công tác bảo vệ môi trường; tập trung nghiên cứu, đề xuất triển khai các dự án công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải đô thị ngoài việc tiếp tục triển khai, thực hiện đồng bộ, có kế hoạch công tác bảo vệ môi trường thì nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp cũng là một nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động