Lộ trình thực hiện và tỷ lệ tái chế bắt buộc của nhà sản xuất, nhập khẩu

04/04/2024 09:24 Phát triển ngành CNMT
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhà sản xuất, nhập khẩu 6 loại sản phẩm, bao bì phải thực hiện trách nhiệm tái chế. Lộ trình thực hiện từ 1/1/2024 đến 1/1/2027. Đây là một phần của quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (gọi tắt là EPR) được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm tăng trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững tại Việt Nam.

Kể từ 01/01/2024, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin, ắc quy, dầu nhớt và bao bì của một số sản phẩm sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ, quy cách bắt buộc.

Bên cạnh đó, theo lộ trình, nhà sản xuất nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 01/01/2025 và nhà sản xuất nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 01/01/2027.

Ngoài ra, nhà sản xuất, nhập khẩu sáu nhóm sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải cũng phải có trách nhiệm đóng góp tài chính hỗ trợ, xử lý chất thải từ ngày 01/01/2024.

Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tỷ lệ tái chế bắt buộc là tỷ lệ khối lượng sản phẩm, bao bì tối thiểu phải được tái chế theo quy cách tái chế bắt buộc trên tổng khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất và đưa ra thị trường, khối lượng nhập khẩu sản phẩm, bao bì trong năm thực hiện trách nhiệm.

Đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì là các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm: thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, ximăng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế.

Tỷ lệ tái chế bắt buộc trong 3 năm đầu tiên được quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và được điều chỉnh 3 năm một lần theo hướng tăng dần. Cụ thể, tỷ lệ tái chế bắt buộc cho 3 năm đầu tiên đối với săm lốp là 5%; các loại pin sử dụng cho phương tiện giao thông (như Li, NiMH) và pin sử dụng cho các thiết bị điện - điện tử là 8%; tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với ắcquy từ 8-12%, tùy từng loại (trong đó ắcquy chì 12%, ắcquy các loại khác 8%).

Tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với bao bì là từ 10 - 22%, tùy từng loại (như giấy carton là 20%, bao bì giấy hỗn hợp 15%, bao bì nhôm 22%, bao bì nhựa PET là 22%, bao bì sắt và kim loại khác 20%); chai, lọ, hộp thủy tinh 15%...

Riêng các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có tổng doanh thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng hoặc có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng thì không phải thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì.

Lộ trình thực hiện và tỷ lệ tái chế bắt buộc của nhà sản xuất, nhập khẩu
Lộ trình thực hiện và tỷ lệ tái chế bắt buộc của nhà sản xuất, nhập khẩu

Cũng theo Luật Bảo vệ môi trường, quy định phương pháp thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, áp dụng triệt để các nguyên tắc thị trường. Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn hình thức (tự) tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.

Trong trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu thấy việc tổ chức tái chế không có lợi hoặc chưa có điều kiện thực hiện thì có quyền lựa chọn hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Khi đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam thì nhà sản xuất hoàn thành nghĩa vụ tái chế của mình.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động