Nam Định: Nước Sông Lèo bị ô nhiễm nghiêm trọng

08/07/2022 09:23 Tác động môi trường
Lần theo dấu tích của nguồn nước đen kịt về phía đầu nguồn, chúng tôi thấy có một số nguồn nước thải từ một nhà máy bánh kẹo; một doanh nghiệp sửa chữa ô tô; một phòng khám đa khoa; và một nguồn thải từ làng nghề bún Phong Lộc. Dòng nước ô nhiễm này chảy men qua các địa bàn thuộc thành phố Nam Định và đến Nam Vân dường như bị cô đặc thành một màu đen đáng sợ.
Nam Định: Nước Sông Lèo bị ô nhiễm nghiêm trọng
Đầu nguồn sông Lèo, vị trí có nhiều nhà máy, nhà xưởng, làng nghề xả thải ngầm ra sông.

Có mặt tại sông Lèo (còn có tên gọi khác là sông An Lá) đoạn chảy qua xã Nam Vân (Thành phố Nam Định), trước mắt chúng tôi là một màu nước đen kịt bốc mùi ô nhiễm nặng nề. Dưới mặt sông xác cá nổi rải rác, ruồi nhặng bu kín. Nhiều năm qua các hộ dân sinh sống dọc đường Địch Lễ và đường kè thôn Vân Lợi cùng các khu vực khác gần sông Lèo phải khốn khổ khi sống chung với ô nhiễm.

Chị Nguyễn Thu Trang nhà ở thôn Vân Trung cho biết: "Nhà tôi cách sông Lèo cả trăm mét, nhưng những hôm trở trời, mùi hôi nồng nặc thốc lên theo gió lùa vào khiến cả nhà tôi đau đầu, chóng mặt".

“Vào mùa mưa sông đầy nước còn đỡ, cứ về mùa heo, nước cạn, lập tức màu nước chuyển sang đen kịt đáng sợ, mùi ô nhiễm phát tan ra đến không khí ngột ngạt, khó thở, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân”, ông Trần Văn Thái, nhà ở thôn Vân Lợi cho hay.

Trao đổi với chúng tôi, một số người dân địa phương còn cho biết, nguồn ô nhiễm sông Lèo bắt nguồn từ phía đầu nguồn từ một số làng nghề và một số công ty khu vực phía nam thành phố Nam Định. Men theo thực tế hai bên bờ sông Lèo địa phận xã Nam Vân để tìm nguồn ô nhiễm nhưng chúng tôi không phát hiện ra nguồn thải nào đáng kể mà nguồn ô nhiễm đổ về chủ yếu xuất phát từ phía đầu nguồn.

Lần theo dấu tích của nguồn nước đen kịt về phía đầu nguồn, chúng tôi thấy có một số nguồn nước thải. Cụ thể nguồn nước thải từ một nhà máy bánh kẹo; một doanh nghiệp sửa chữa ô tô; một phòng khám đa khoa; và một nguồn thải từ làng nghề bún Phong Lộc (phường cửa Nam, thành phố Nam Định) trực tiếp xả thải ra khiến nước sông Lèo đổi thành màu. Dòng nước ô nhiễm này chảy men qua các địa bàn như: xã Nam Mỹ, Nam Toàn, Nam Nghĩa, và đến Nam Vân dường như bị cô đặc thành một màu đen đáng sợ.

Nam Định: Nước Sông Lèo bị ô nhiễm nghiêm trọng
Mỗi lần phía đầu nguồn xả thải ồ ạt, nước sông Lèo đổi màu đen bốc mùi ô nhiễm nghiêm trọng.

Và cứ như vậy, cảnh “quýt làm cam chịu” diễn ra đã hàng chục năm qua, phía đầu nguồn thì cứ kinh doanh, sản xuất sinh lời, phía hạ nguồn phải gánh chịu hậu quả ô nhiễm, bệnh tật.

Không chỉ ảnh hưởng đến khu dân cư, tình trạng ô nhiễm còn đang ngày đêm ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan di tích Khu nhà tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ nằm trên xã Nam Vân nơi thường xuyên đón các đoàn công tác và nhân dân các nơi về tham quan.

Được biết, tình trạng ô nhiễm sông Lèo đã được người dân kiến nghị nhiều lần lên cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, tuy nhiên cho đến nay tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục, xử lý. Thậm chí tình hình ô nhiễm ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Nam Ngọc, Chủ tịch UBND xã Nam Vân cho biết: "Tình trạng ô nhiễm sông Lèo là vấn đề nan giải của địa phương nhiều năm qua. Việc người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm là có cơ sở, địa phương tiếp thu và đã có báo cáo lên cấp trên để có giải pháp tháo gỡ. Thực tế tại địa phương không có nguồn phát thải, mà tình trạng ô nhiễm là do phía đầu nguồn đổ về. Xã chúng tôi cũng là nạn nhân của hoạt động sản xuất, kinh doanh phía đầu nguồn sông Lèo”.

Trước thực trạng đã trình bày trên, đề nghị cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương sớm có biện pháp khắc phục, đồng thời cần vào cuộc làm rõ nguồn gốc gây ô nhiễm cho sông Lèo từ những đâu để có biện pháp xử lý vấn đề từ gốc, nhằm đảm bảo môi trường sống, sinh hoạt cho người dân./.

Trần Chiến
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động