Nâng cao hiệu quả tuyên truyền phòng chống cháy, nổ cho các hộ kinh doanh dịch vụ văn hóa tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) hiện nay
Tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ và những hạn chế trong tuyên truyền phòng chống cháy, nổ
Hoàn Kiếm là quận có diện tích nhỏ nhất thành phố (5,29km2) nhưng lại có mật độ dân cư cao nhất với 35.727 người/km2. Hiện nay, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có 1.463 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), 438 cơ sở nguy hiểm cháy nổ, 12 địa bàn phường trọng điểm về PCCC, 10 khu dân cư nguy hiểm cháy nổ và 108 hộ kinh doanh dịch vụ văn hóa, trong đó có 22 hộ kinh doanh karaoke và 36 cơ sở nhà hàng có sử dụng nhạc. Các hộ kinh doanh dịch vụ văn hóa này có một số đặc điểm sau:
Về kết cấu hạ tầng: Các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa đa phần được thuê lại từ nhà dân, đã và đang sinh sống. Các cơ sở này có kết cấu hạ tầng theo loại hình nhà ống, kết cấu khung bê tông, cốt thép, nhiều nhà cao 02 tầng trở lên, được thiết kế theo kiểu khép kín, kiến trúc ngăn phòng trên từng tầng, vách ngăn tường là tường gạch, đất nung nên tăng thời gian cháy lan. Tuy nhiên, với các cơ sở kinh doanh karaoke, nhà hàng, dịch vụ giải trí, do tính phổ thông, thẩm mỹ và kinh tế cao nên các vật liệu cách âm, trang trí nội thất trên tường, trần, cửa hầu hết là các vật liệu dễ cháy như mút xốp, nỉ, vật liệu giả da,… khi xảy ra cháy, đám cháy sẽ phát triển rất nhanh trong phòng, tạo nhiều khói gây thiệt hại lớn và khó khăn để cứu chữa. Thêm vào đó, cửa của các phòng karaoke lại thường là loại một cánh bọc tấm cách âm (chất liệu cách âm là loại chất dễ cháy), nên khi xảy ra cháy gần cửa thoát nạn rất khó khăn cho việc thoát nạn ra ngoài.
Cảnh sát PCCC kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ quán karaoke - Ảnh minh hoạ. |
Về trang thiết bị sử dụng điện: Hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa đều là những nơi sử dụng lượng tiêu thụ điện rất lớn, tập trung chủ yếu vào điện chiếu sáng, quảng cáo, máy móc, thiết bị âm thanh, ánh sáng… Để thu hút sự chú ý của khách hàng, nhiều cơ sở còn lắp hệ thống biển quảng cáo điện tử công suất lớn với hệ thống dây điện chằng chịt. Hệ thống điện trong phòng thường là đi ngầm do đó cũng gây nhiều khó khăn trong kiểm tra… dẫn đến nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu không được đảm bảo an toàn. Ngoài ra, hệ thống thiết bị điện của một số cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa quy mô nhỏ, trung bình đã có thời gian hoạt động nhiều năm, nhiều thiết bị cũ, hỏng không được thay thế triệt để, cùng với đó, việc sử dụng đấu mắc bằng dây nối đã gây ra tình trạng mất an toàn trong quá trình sử dụng.
Về chủ hộ kinh doanh: Các chủ hộ kinh doanh dịch vụ văn hóa đa số là người có trình độ dân trí cao, tuy nhiên đặc điểm thường xuyên thay đổi chủ, nhân viên phục vụ của các hộ kinh doanh khiến công tác kiểm tra, tập huấn, hướng dẫn phòng chống cháy nổ (PCCN) gặp nhiều khó khăn.
Xác định rõ nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ trên địa bàn, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền quận Hoàn Kiếm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền PCCN và đã đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, cụ thể:
1. Qua thực tế công tác tuyên truyền PCCN tại quận Hoàn Kiếm cho thấy, vai trò của các chủ thể tuyên truyền chưa được phát huy, nhiều chủ thể còn bị động, ỷ lại vào lực lượng cảnh sát PCCC. Công tác tuyên truyền PCCN của các lực lượng bao gồm các đồng chí cán bộ, đảng viên, bí thư chi bộ, trưởng tổ dân phố, trưởng các đoàn thể, các tổ chức xã hội nghề nghiệp… cũng còn nhiều hạn chế, chưa chặt chẽ, thường xuyên, trong khi đây lại là những chủ thể gần gũi nhất với người dân, am hiểu về tập quán, thói quen sinh hoạt, đặc điểm gia đình, nghề nghiệp, tâm lý của đối tượng, đồng thời có tầm ảnh hưởng và uy tín nhất định với người dân địa phương.
Hoạt động tuyên truyền của lực lượng dân phòng còn nhiều hạn chế, mang tính hình thức, kiêm nhiệm (một người là đội viên của nhiều ban, đội), hoạt động mang tính thời vụ, chủ yếu tập trung vào dịp "Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy" để tham gia hội thao, hội thi PCCC do địa phương tổ chức; việc trang bị phương tiện PCCC cho lực lượng này còn thiếu và yếu. Ở nhiều địa phương, đội viên đội dân phòng chưa được huấn luyện kiến thức về PCCC, do đó thiếu kiến thức và năng lực tuyên truyền.
2. Nội dung tuyên truyền chưa có tính phân loại; sức thuyết phục và tính cổ vũ hành động chưa cao. Đối với các buổi tuyên truyền, tập huấn được tổ chức cho các hộ kinh doanh dịch vụ văn hóa chưa có sự phân hóa đối tượng theo những tiêu chí nhất định, như: phân loại theo mức độ chấp hành quy định về PCCC, phân loại theo quy mô, tính chất kinh doanh… Do đó, việc xây dựng nội dung chưa thực sự tác động mạnh mẽ vào nhận thức, thái độ của đối tượng. Việc tìm ra điểm chung của đối tượng để hợp thành một nhóm đối tượng cụ thể và xây dựng nội dung tuyên truyền sát thực tiễn, có tính thuyết phục cao, đánh vào tâm lý, xoáy vào những nhận thức sai lệch của đối tượng sẽ mang lại tính thuyết phục cao hơn và thúc đẩy đối tượng hành động. Tuy nhiên, các chủ thể tuyên truyền PCCN trên địa bàn quận Hoàn Kiếm lại chưa nhận thức sâu sắc về vấn đề này.
3. Các hình thức mang lại hiệu quả cao như tọa đàm chuyên đề, hội thi chưa được thực hiện thường xuyên. Các hình thức tuyên truyền như hội nghị, lớp học, lớp tập huấn, tuyên truyền cá nhân tuy đã được quan tâm thực hiện song tần xuất chưa cao, chất lượng chưa đảm bảo. Hiên nay, hoạt động tuyên truyền PCCN trên địa bàn quận Hoàn Kiếm chủ yếu diễn ra tại các hội nghị, các buổi tập huấn. Tuy nhiên, thời lượng tuyên truyền qua các hình thức này cũng rất hạn chế. Theo thống kê, mỗi năm tại mỗi địa phương, đơn vị chỉ tổ chức được từ 1-2 hội nghị tuyên truyền, tập huấn với thời lượng từ nửa ngày đến 1 ngày.
4. Phương pháp tuyên truyền PCCN thiếu tính tương tác và chưa phát huy được yếu tố tích cực, chủ động của đối tượng. Các phương pháp kiểm tra, đánh giá đối tượng trong tuyên truyền PCCN chưa được quan tâm thực hiện. Chưa phát huy được hiệu quả của các phương tiện tuyên truyền như các thiết chế văn hóa, nhà trường, hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền PCCN cho các hộ kinh doanh dịch vụ văn hóa nói riêng và cho nhân dân nói chung còn nhiều hạn chế. Điều này thể hiện ở việc chưa ứng dụng được các phương tiện truyền thông mới trong công tác tuyên truyền, đặc biệt là mạng xã hội như facebook, youtube, website, thư điện tử (email… Trong khi đây lại là những phương tiện truyền thông hiện đại với nhiều ưu thế, tính năng vượt trội, tốc độ thông tin lan truyền nhanh, mạng lưới liên kết rộng, thông tin được truyền tải bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng (chữ viết, hình ảnh, video, âm thanh,…).
Thực tế tình hình cháy nổ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện nay vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản vẫn xảy ra. Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn quận đã xảy ra 323 vụ cháy (số vụ cháy, nổ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ là 28 vụ, chiếm 8,67%), làm chết 04 người, 01 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính 266,100,000 đồng. Chỉ tiếng riêng trong năm 2018, số vụ cháy trên địa bàn quận Hoàn Kiếm là 49 vụ. Nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ có nhiều lý do khác nhau, trong đó nguyên nhân chủ quan phải kể đến làý thức đảm bảo an toàn PCCC của chủ hộ kinh doanh chưa tốt, dẫn đến chủ quan, lơ là, không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ quy định về PCCC.
Giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền PCCN cho các hộ kinh doanh dịch vụ văn hóa
Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền PCCN cho các hộ kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, cần thực hiện tốt một số giải pháp chính như sau:
Một là, nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác tuyên truyền PCCN cho các hộ kinh doanh dịch vụ văn hóatrên địa bàn Quận. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ cấp huyện đến cơ sở phải xác định công tác tuyên truyền PCCN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần được tiến hành thường xuyên, hàng ngày. Nội dung tuyên truyền PCCN cho các hộ kinh doanh dịch vụ văn hóa cần được cụ thể hóa trong các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, chú trọng ban hành các văn bản tuyên truyền, hướng dẫn theo chuyên đề, tập trung vào đối tượng là các hộ kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn quận.
UBND quận Hoàn Kiếm và UBND phường cần có chương trình, kế hoạch hành động với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo an toàn PCCN; trước hết là chỉ đạo Công an quận, Đội Cảnh sát PCCC tập trung tuyên truyền, tập huấn phương án PCCC cho các hộ kinh doanh dịch vụ văn hóa, thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng công tác PCCN, tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn PCCC, kịp thời phát hiện, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, chủ cơ sở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và cương quyết đình chỉ, tạm đình chỉ các cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC; tiếp tục duy trì, củng cố hoạt động của các lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ trong công tác PCCN; từng bước thực hiện đồng bộ quy hoạch kinh tế - xã hội địa phương, quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông, nguồn nước đảm bảo cho công tác PCCC; quan tâm đầu tư kinh phí, trang bị đầy đủ các phương tiện cần thiết phục vụ công tác PCCC và tuyên truyền PCCC.
Công an quận và lực lượng Cảnh sát PCCC cần xác định rõ trách nhiệm, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền ban hành các văn bản, quy định về PCCN; chủ động tuyên truyền và xây dựng các kế hoạch phối hợp tuyên truyền với các chủ thể khác như cơ quan văn hóa - thông tin, đài phát thanh - truyền hình, cơ sở giáo dục - đào tạo; chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí về công tác PCCC, hoạt động tuyên truyền PCCC của lực lượng cảnh sát PCCC, dân quân tự vệ.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng trào toàn dân tham gia PCCC gắn với phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư theo phương châm "bốn tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ); chú trọng phát biện, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến về PCCC nhằm khích lệ, động viên và định hướng dư luận trong nhân dân.
Hai là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền PCCN, nhất là lực lượng Cảnh sát PCCC nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền về PCCN bao gồm Cảnh sát PCCC, báo cáo viên, tuyên truyền viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, lực lượng dân phòng, cán bộ công chức, viên chức và đảng viên. Mục đích của đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên truyền là giúp cán bộ tuyên truyền nắm được các quy định của pháp luật, các kiến thức phổ thông, chuyên sâu về PCCC, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân đối với công tác PCCC, xây dựng hình ảnh mỗi cán bộ tuyên truyền là một gương điển hình tiên tiến trong PCCN để người dân học tập, noi theo.
Ba là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện tuyên truyền PCCN cho các hộ kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn.
Nội dung tuyên truyền cần bám sát các nội dung chính sau: Tuyên truyền kiến thức pháp luậtvà các kiến thức phổ thông về PCCC như PCCC điện, xăng dầu, khí đốt, PCCC dây chuyền công nghệ mới, vật liệu mới…; tuyên truyền kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn, kỹ năng xử lý sự cố khi có cháy, nổ xảy ra; tập trung tuyên truyền tác dụng, hiệu quả của công tác PCCC, phổ biến kinh nghiệm, kịp thời phát hiện, biểu dương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trong PCCC; phê phán những hành vi mất an toàn PCCC, vi phạm quy định của pháp luật về PCCC; tuyên truyền xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC theo phương châm “sâu rộng, vững chắc và có hiệu quả”; nhấn mạnh tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ kinh doanh dịch vụ văn hóa đối với công tác PCCC.
Hình thức tuyên truyền phải phù hợp với đối tượng, nội dung tuyên truyền và phải được sử dụng một cách đa dạng, linh hoạt. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền cần chú ý đổi mới hình thức tuyên truyền như sau: Tập trung khai thác hiệu quả một số hình thức tuyên truyền có tính tương tác cao, hấp dẫn đối tượng như tuyên truyền qua tọa đàm trao đổi về công tác PCCC; tuyên truyền qua hội thi về PCCC như thi tìm hiểu kiến thức, kỹ năng, thi vẽ tranh, hùng biện, thuyết trình, thi văn hóa - văn nghệ tuyên truyền về PCCC ở cơ sở. Đối với hình thức tuyên truyền qua hội nghị, lớp tập huấn cần xây dựng quy chế lớp học cụ thể, đồng thời có sự kiểm tra, giám sát, khen thưởng, xử phạt nhằm nâng cao ý thức người học, tránh việc đối tượng tham gia tập huấn không đúng đối tượng tuyên truyền hoặc người học bị động, ý thức kém trong quá trình tham gia lớp học; thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn tại cơ sở, hộ kinh doanh; kết hợp rà soát, kiểm tra cơ sở với tuyên truyền đảm bảo an toàn PCCC.
Đối với phương pháp, phương tiện tuyên truyền, cần đổi mới theo hướng khai thác tốt phương pháp đối thoại như hỏi - đáp, trao đổi, tọa đàm; chú ý sử dụng hiệu quả phương pháp nêu gương thông qua gương tốt và gương xấu; khai thác tối đa các phương tiện tuyên truyền, bao gồm tuyên truyền qua các thiết chế văn hóa như bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim, câu lạc bộ…; tuyên truyền qua hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp như các hội nghị, hội thảo…; tuyên truyền thông qua các phương tiện trực quan như sách báo, cẩm nang PCCC, pano, áp phích, tranh ảnh, băng rôn, khẩu hiệu… Đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng như phát thanh, truyền hình, báo in, báo mạng điện tử và các trang mạng xã hội (youtube, zalo, viber, twiter, skype…), trong đó tiêu biểu là facebook.
Cảnh sát PCCC kiểm tra trực quan một phòng hát karaoke - Ảnh minh hoạ. |
Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tuyên truyền PCCN cho các hộ kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn Quận, xây dựng quy chế phối hợp giữa lực lượng cảnh sát PCCC với cơ quan tuyên truyền như Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCN; xây dựng và duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, xác định rõ vị trí, vai trò của lực lượng này; tổ chức ký kết giao ước thi đua an toàn PCCC hàng năm giữa các cụm dân cư; huy động sức mạnh toàn dân tham gia PCCC, đặc biệt nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm PCCC của chủ hộ kinh doanh, người có uy tín tại địa phương.
Năm là, tăng cường kiểm tra, đánh giá, kiên quyết xử phạt những hộ vi phạm và kịp thời biểu dương, nêu gương những hộ kinh doanh dịch vụ văn hóa chấp hành tốt quy định PCCN. Thông qua công tác kiểm tra, chủ thể tuyên truyền nắm được thực trạng hoạt động PCCC, phát hiện được các vấn đề phát sinh, các vấn đề cần lưu ý, nhấn mạnh trong tuyên truyền PCCC để nghiên cứu, bổ sung vào nội dung tuyên truyền, đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền sao cho phù hợp. Từ kết quả kiểm tra, chủ thể tuyên truyền cũng thấy được các mặt hạn chế, tích cực trong công tác tuyên truyền, từ đó phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế nhằm mang lại hiệu quả cao hơn cho công tác tuyên truyền.
Cũng thông qua kiểm tra, đánh giá, chủ thể tuyên truyền có thể kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các điển hình tiên tiến là các cá nhân, tập thể, các mô hình sáng tạo trong PCCC đồng thời, phát hiện và kịp thời xử ký nghiêm các trường hợp vi phạm. Mục đích của việc xử lý vi phạm an toàn PCCC là nhằm bảo đảm cho việc chấp hành các quy định của Nhà nước về PCCC; giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm và nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về PCCC của người dân.
Sáu là, tăng cường đầu tư kính phí, cơ sở vật chất cho công tác tuyên truyền PCCN cho các hộ kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn. Việc đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác tuyên truyền PCCC cần có sự tính toán phù hợp giữa chi phí và hiệu quả mang lại, đầu tư phải hợp lý, khoa học; ưu tiên đầu tư cho lực lượng cảnh sát PCCC bảo vệ các địa bàn trọng điểm về kinh tế - xã hội, khu đô thị…; chú trọng trang bị phương tiện, đảm bảo kinh phí tuyên truyền PCCN cho đội dân phòng và lực lượng PCCC cơ sở.
Tin mới
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.