Ngành Than và nỗ lực “xanh hóa” bãi thải mỏ

18/09/2019 10:00 Tác động môi trường
Tỉnh Quảng Ninh và ngành than đều cố gắng hết sức mình để khắc phục, hạn chế đến mức thấp nhất những nguy cơ từ những bãi thải mỏ có thể xảy ra, một trong những biện pháp mang tính lâu dài là "xanh hóa" các bãi thải mỏ.
Tháo gỡ khó khăn cho ngành Than
nganh than va no luc xanh hoa bai thai mo
TKV đã cải tạo, phục hồi được trên 1.000 ha bãi thải mỏ

Quảng Ninh có vùng khai thác, chế biến tiêu thụ than với phạm vi rộng, trải dài từ Thị xã Đông Triều, TP. Uông Bí, huyện Hoành Bồ, TP. Hạ Long cho tới TP. Cẩm Phả với chiều dài trăm cây số, với các mỏ khai thác hầm lò, lộ thiên. Nguy cơ từ các bãi thải mỏ với hàng trăm triệu m3 đất đá tạo thành các quả đồi với độ cao từ 200m - 300m, tiềm ẩn nhiều rủi ro vào mùa mưa lũ đối với các khu dân cư sinh sống gần đó, hàng ngày phát tán bụi, tiếng ồn ra môi trường.

Theo thống kê của Sở TN&MT Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 bãi thải lớn của ngành than đang hoạt động, mỗi năm đổ thải khoảng từ 250 - 300 triệu m3 đất đá tại các mỏ lộ thiên và khoảng gần 1,3 triệu m3 xít thải của các nhà máy tuyển than. Lượng đất đá này ngày càng có xu hướng tăng lên do các mỏ lộ thiên khai thác xuống sâu. Đặc biệt, những biến đổi địa hình và cảnh quan diễn ra chủ yếu ở các mỏ khai thác lộ thiên. Các bãi đổ thải tạo nên những quả đồi ở các bãi thải mỏ như: Cọc Sáu cao 280m, Nam Đèo Nai có độ cao 200m, Đông Cao Sơn cao 300m, Đông Bắc Bàng Nâu cao 150m và Núi Béo cao 240m… Bên cạnh đó, nhiều moong khai thác lộ thiên tạo nên địa hình âm có độ sâu từ 50 - 150m dưới mực nước tại các mỏ Cọc Sáu, Hà Tu, Núi Béo… Việc khai thác lộ thiên đã bóc đi lớp đất màu, dễ bị xói mòn, chủ yếu là đất xen lẫn đá, xít than, khiến cho việc trồng rừng cải tạo môi trường gặp không ít khó khăn.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường đối với sự phát triển của ngành, ngay từ khi thành lập TKV đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường: Quy hoạch, sắp xếp lại các công trình sản xuất, chi hàng chục nghìn tỷ đồng để tháo dỡ, di dời khỏi trung tâm các đô thị, khu đông dân cư các nhà máy (cơ khí, tuyển than), kho tàng, bến cảng, đường sắt và các cơ sở sản xuất khác, bàn giao cho chính quyền địa phương hàng trăm ha đất tạo điều kiện để mở rộng và phát triển các đô thị, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường, cảnh quan các vùng có hoạt động khoáng sản. Cải tạo phục hồi môi trường, trồng cây phủ xanh trên 1.000 ha bãi thải, khai trường các mỏ than, khoáng sản đã kết thúc; một số khu vực gần dân cư, đô thị thực hiện trồng cây phủ xanh nhanh với mật độ cao, rút ngắn thời gian phủ xanh xuống còn 2 - 3 năm. Việc cải tạo phục hồi môi trường các mỏ Bauxit được thực hiện cuốn chiếu đồng thời với quá trình khai thác. Các bãi thải đang hoạt động cơ bản thực hiện đổ thải tầng thấp với chiều cao tầng ≤15m để giảm nguy cơ sạt lở, giảm phát sinh bụi, hạn chế xói mòn đất đá. Xây dựng đê đập chắn đất đá chân các bãi thải để chống trôi lấp đất đá, đảm bảo an toàn cho dân cư và môi trường. Cải tạo, nạo vét thường xuyên hệ thống sông suối thoát nước ngăn ngừa nguy cơ đất đá bồi lấp, ngập lụt các khu dân cư và vùng hạ lưu. Di dời trên 400 hộ dân khỏi các vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó, Tập đoàn còn đầu tư xây dựng 50 trạm xử lý nước thải mỏ với công suất xử lý trên 150 triệu m3/năm; xây dựng nhà máy chất thải nguy hại công nghiệp công suất 6.900 tấn/năm tại Quảng Ninh; xây dựng đê đập chắn đất đá chân bãi thải, củng cố hệ thống thoát nước; xây dựng 1 tuyến đường sắt và 8 tuyến băng tải thay thế ô tô vận chuyển than ra cảng và đến nhà máy điện; công tác thu gom, xử lý các loại chất thải, chống bụi ồn, cải tạo cảnh quan được quan tâm thực hiện thường xuyên; các nhà máy nhiệt điện, xi măng, luyện kim có hệ thống xử lý nước thải, khí thải đồng bộ với dây chuyền sản xuất, kiểm soát tự động đảm bảo quy chuẩn môi trường; quặng đuôi, bùn đỏ (nhà máy alumin) được thải trong các hồ chứa xây dựng đúng quy định...

Thúy Hà
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động