Nghệ An: Đóng cửa trường học vì ô nhiễm
Được xác định là các "vệ tinh" để phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tỉnh Nghệ An đã quy hoạch xây dựng một số Cụm công nghiệp ở Thành phố Vinh. Thế nhưng, thay vì chỉ thu hút các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện, ít gây ô nhiễm môi trường như mục tiêu ban đầu thì nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ, đá, sản xuất giấy… không hiểu sao vẫn được đầu tư vào các cụm công nghiệp này. Sau một thời gian hoạt động, những "vệ tinh" này đã khiến người dân sống xung quanh khốn khổ vì ô nhiễm môi trường.
Hậu quả là từ nhiều năm qua, người dân sống quanh các cụm công nghiệp này khổ sở vì ô nhiễm khói, bụi và tiếng ồn. Gần như cuộc tiếp xúc cử tri nào, người dân cũng đều phản ánh, kêu ca nhưng việc xử lý, khắc phục là rất khó trong khi việc di dời nhà máy là gần như chưa thể thực hiện được vì gây tốn kém.
Tại phường Đông Vĩnh, một cụm công nghiệp được quy hoạch ngay cạnh trường THCS của phường khiến trường phải đóng cửa vì ô nhiễm. Ngôi trường này sau đó bị xóa sổ đã khiến gần 1.000 học sinh bậc THCS trong phường phải sang các phường, xã lân cận tìm chỗ học. Một lãnh đạo P. Đông Vĩnh cho biết sẽ phải xây dựng một ngôi trường THCS ở vị trí khác, quy hoạch đã được duyệt nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được vì chi phí xây dựng là khá lớn.
Phía trước cổng trường THCS Đông Vĩnh - nơi duy nhất không bị doanh nghiệp bao vây |
Doanh nghiệp biến con đường dân cư thành “công trường” |
Trường THCS Đông Vĩnh là trường cấp 2 nằm ở gần trung tâm Thành phố Vinh, dân cứ đông đúc. Ô nhiễm môi trường từ các doanh nghiệp xung quanh là nguyên nhân chính khiến trường Đông Vĩnh rơi vào cảnh "vắng như chùa bà Đanh"…Ngôi trường này nằm gần khu công nghiệp nhỏ tại phường Đông Vĩnh (gồm 12 doanh nghiệp). Môi trường khu vực này ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Không những học sinh mà hàng ngàn người dân ở các khối Mỹ Thành, Vĩnh Yên, Yên Duệ thuộc phường này ngày ngày phải sống chung với tiếng ồn, khói bụi, hóa chất độc hại, mùi hôi thối do khí thải của một số nhà máy gây ra. Mặc dù người dân đã kiến nghị nhiều lần, nhưng “biện pháp” chỉ là những cuộc họp không lối thoát do chính quyền tổ chức.
Cụm công nghiệp Đông Vĩnh hiện nay nằm trong khu dân cư cần được di dời sớm |
Tại một số huyện khác của tỉnh Nghệ An, nhiều cụm công nghiệp cũng "lọt thỏm" trong khu dân cư, khiến người dân bức xúc vì phải gánh chịu ô nhiễm môi trường, cuộc sống bị đảo lộn.
Quy hoạch các cụm, khu công nghiệp để thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân và phát triển kinh tế là cần thiết. Nhưng việc đánh giá tác động môi trường một cách qua loa, không lường trước hậu quả khi quy hoạch các cơ sở này ngay trong vùng đô thị, khu dân cư là lợi bất cập hại, để người dân sống xung quanh phải gánh chịu hậu quả là không công bằng.
Từ thực tế trên cho thấy, hệ lụy từ việc quy hoạch các Cụm công nghiệp bao quanh thành phố đã trở thành bài học nhãn tiền đối với các tỉnh, thành trên địa bàn cả nước. Thiếu đồng bộ trong quy hoạch các cụm công nghiệp, xây dựng hạ tầng theo kiểu “chắp vá” nên sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, nhiều “điểm đen” về ô nhiễm môi trường đã dần lộ rõ. Trong khi công tác đấu nối hạ tầng hệ thống xử lý nước thải tập trung vẫn chưa thể hoàn thiện, có chăng cũng chỉ triển khai theo kiểu tạm bợ, manh mún.
Do vậy, giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với các cụm công nghiệp hiện nay như yêu cầu doanh nghiệp cam kết không xả thải nguồn thải chưa được xử lý đạt chuẩn ra môi trường, thường xuyên giám sát, xử lý bằng chế tài theo quy định đối với cơ sở không tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường…là điều cần thiết.