Nghiên cứu mô hình thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
1. Giới thiệu
Theo "Báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc gia 2016-2020” do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cuối năm 2021, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) vẫn tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước, trung bình 64.658 tấn/ngày. Lượng CTRSH ước tính ở các đô thị tăng trung bình 10-16%/năm, tổng khối lượng CTR phát sinh 35.624 tấn/ngày, hơn 13 triệu tấn/năm, chiếm tới 55% tổng khối lượng CTRSH phát sinh của cả nước. Tốc độ thu gom và xử lý CTRSH đô thị tăng trung bình 2%/năm. Trong đó phần lớn CTRSH chưa được phân loại tại nguồn.
Điều 75 của Luật bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực từ năm 2022 đã quy định CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; CTRSH khác.
Việc phân loại CTR tại nguồn sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cũng như môi trường, giúp khắc phục những tồn tại về quy trình xử lý rác thải hiện nay. Nếu việc phân loại CTRSH tại nguồn được thực hiện tốt, sẽ giúp giảm tác động đến môi trường, thuận lợi cho công tác xử lý cũng như tiết kiệm diện tích đất dùng để chôn lấp rác.... Tuy nhiên, hiện nay các chương trình phân loại CTRSH ở các địa phương phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, quyết liệt do đó hiệu quả chưa cao.
Thành phố Lào Cai nằm ở phía bắc của tỉnh Lào Cai, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 286 km về phía Tây Bắc. Thành phố Lào Cai có diện tích 282,13 km², dân số năm 2019 là 130.671 người, mật độ dân số đạt 463 người/km². Việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn TP Lào Cai do Urenco Lào Cai phụ trách.
Từ năm 2016 người dân trên địa bàn TP Lào Cai bắt đầu thực hiện việc phân loại CTRSH tại nguồn, việc triển khai phân loại CTRSH tại TP Lào Cai được triển khai rất hiệu quả, giờ đây việc phân loại CTRSH đã trở thành thói quen hàng ngày của đại bộ phận người dân nơi đây.
2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp thu thập tài liệu từ các báo cáo, đề tài, nghiên cứu về thu gom, vận chuyển, xử lý CTR, báo cáo thu gom, vận chuyển, xử lý CTR của Công ty cổ phần Môi trường Đô thị tỉnh Lào Cai (Urenco Lào Cai)
Phương pháp khảo sát thực địa tại nhà máy xử lý CTR thuộc Urenco Lào Cai
Phương pháp tham vấn cán bộ, công nhân viên của Urenco Lào Cai
3. Kết quả nghiên cứu
a. Tổng quan
Nhà máy xử lý rác thải TP Lào Cai được xây dựng và đi vào vận hành chính thức từ tháng 01 năm 2016, mục tiêu là xử lý toàn bộ CTRSH của TP Lào Cai, Thị trấn Sa Pa và huyện Bát Xát. Nhà máy xử lý rác thải tại thành phố Lào Cai công suất thiết kế 147 tấn/ngày, hiện tại tiếp nhận xử lý 75 tấn/ngày. Việc vận hành nhà máy do Công ty Cổ phần môi trường đô thị Lào Cai vận hành.
Những ngày đầu vận hành nhà máy, do CTRSH chưa được phân loại tại nguồn, việc vận hành nhà máy rất khó khăn. Tuy nhà máy đã có hệ thống sàng, tuyển từ … để phân loại CTR trước khi đưa vào những công đoạn xử lý tiếp theo, tuy nhiên thành phần CTR phức tạp, chưa phân loại làm cho việc xử lý rất khó khăn. Nhà máy đã tăng cường hơn 20 công nhân, thậm chí phải tăng ca để cùng phân loại trên dây chuyền xử lý CTRSH, tuy nhiên hiệu quả phân loại CTR vẫn chưa được như mong đợi.
Trong báo cáo năm 2019 của Bộ Tài nguyên & Môi trường về Kết quả điều tra, khảo sát thực trạng công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) cho thấy CTRSH ở các địa phương hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; các chương trình phân loại tại các địa phương còn mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, chưa được chính thức hóa; cơ sở hạ tầng, thiết bị, phương tiện thiết yếu phục vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH chưa được chú trọng đầu tư đồng bộ
Như TP. Hà Nội cũng từng thực hiện dự án phân loại CTRSH tại nguồn do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Dự án được triển khai thí điểm trên tại bốn phường của nội thành Hà Nội gồm Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Thành Công và Láng Hạ. Từ năm 2006 đến hết năm 2009, 18.000 gia đình được huấn luyện cách phân loại CTRSH tại nguồn. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, việc phân loại CTRSH trên địa bàn Hà Nội không được duy trì. Nguyên nhân chủ yếu là sự chưa đồng bộ của việc thu gom, vận chuyển, xử lý sau khi phân loại CTR. Một số tỉnh, thành phố khác cũng có các dự án tương tự như: TP Hồ Chí Mình (2002), Hưng Yên (2012- 2014), Bắc Ninh (2014), Bình Dương (2017-2018), Đồng Nai (2016- 2018), Đà Nẵng (2017), Hà Tĩnh (2019)... tuy nhiên, hiệu quả thu về khá khiêm tốn.
b. Triển khai phân loại CTR tại nguồn
Nếu việc phân loại CTRSH tại nguồn được thực hiện tốt, sẽ giảm áp lực cho công nhân của Nhà máy xử lý rác thải TP Lào Cai trong việc phân loại CTR, tăng hiệu quả xử lý của nhà máy, đồng thời giảm lượng CTRSH cần phải chôn lấp.
Nhận thấy những vấn đề trên, ngày 29/12/2015, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt Đề án “phân loại CTR SH tại nguồn trên địa bàn TP Lào Cai, Bát Xát và Sa Pa”. Đề án triển khai thực hiện thí điểm trong thời gian 6 tháng từ 01/01/2016 đến 20/6/2016 trên địa bàn 12 phường TP Lào Cai.
Theo báo cáo tổng kết giai đoạn thí điểm, việc triển khai đề án đã thu được kết quả khả quan, cụ thể: tỉ lệ số hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đã thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn tại 12 phường của TP Lào Cai khá cao (đạt trên 70%), mỗi phường đã có 2 đến 3 tuyến phố kiểu mẫu (đạt 100% các hộ gia đình thực hiện việc thu gom phân loại CTR và có thùng đựng CTR đúng theo quy định). Trong quá trình triển khai ở giai đoạn này còn những khó khăn như: việc tuyên truyền, hướng dẫn đối với khách du lịch còn nhiều hạn chế và chưa đạt yêu cầu. Việc phân loại CTR chưa triệt để, tỉ lệ CTR vô cơ trong rác hữu cơ còn cao; một số khu vực vẫn còn hộ gia đình chưa thực hiện việc phân loại CTR tại nguồn, không đổ rác đúng giờ và đúng nơi quy định. Mới chỉ có sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban ngành địa phương trực tiếp triển khai đề án, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo tích cực của một số thành viên ban chỉ đạo …
Hình 1. Hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2023 |
Đến ngày 06/02/2017 Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai tiếp tục ban hành kế hoạch số 29/KH-UBND về việc Triển khai Đề án phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn TP Lào Cai, các huyện: Sa Pa, Bát Xát, Bảo Thắng giai đoạn mở rộng (từ năm 2016 – 2020).
Theo đánh giá kết quả triển khai Đề án PLCTRSHTN năm 2018, mặc dù các cấp, các ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện nhưng CTR thải hữu cơ đưa vào nhà máy xử lý đạt chất lượng thấp, tỷ lệ CTR vô cơ lẫn trong CTR hữu cơ cao (40-45%), một số khu vực công cộng, chợ đêm, các hộ tạm trú, cho thuê nhà người dân không phân loại rác, khó khăn cho công tác thu gom, hoạt động tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa có hình thức phong phú để tạo sức hút, lan tỏa trong cộng đồng, tỷ lệ phân loại CTR có chiều hướng đi xuống tại các địa phương . Do đó, ngày 12/04/2019 Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành kế hoạch 151/KH-UBND về việc triển khai đề án phân loại CTRSH tại nguồn giai đoạn mở rộng năm 2019.
Hình 2. Thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Lào Cai |
Để tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả của Đề án phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn thành phố Lào Cai, huyện Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa), huyện Bát Xát giai đoạn 2016-2020, cũng như để phù hợp với luật bảo vệ môi trường năm 2020, thì ngày 19/07/2021 Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành văn bản số 3229/UBND-KT về việc hướng dẫn triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Nội dung quy định việc phân loại, lưu chứa CTRSH; việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH sau xử lý; cũng như việc tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh.
c. Kết quả đạt được
Trước năm 2016, khi CTRSH chưa được phân loại trên địa bàn TP. Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát vẫn thu gom lẫn rác hữu cơ và vô cơ, sau đó vận chuyển đưa bãi rác xã Đồng Tuyển TP. Lào Cai để xử lý bằng hình thức chôn lấp, sau đó sử dụng chế phẩm vi sinh, hóa chất để diệt ruồi, khử mùi hôi. Điều đó ảnh hưởng đến nếp sống văn minh đô thị, chiếm dụng diện tích đất lớn cho chôn lấp rác, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, môi trường đất và khu vực dân cư xung quanh, xảy ra các khiếu kiện về môi trường của người dân.
Theo báo cáo của Sở TNMT tỉnh Lào Cai, thì trong năm 2022 tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 140.741 tấn/năm, trong đó: - CTRSH tại đô thị: 78.330 tấn/năm. Tỷ lệ chất thải vô cơ chiếm 45%, tỷ lệ chất thải hữu cơ chiếm 55%. - CTRSH tại khu vực nông thôn: 61.941 tấn/năm. Tỷ lệ chất thải vô cơ chiếm 48%; chất thải hưu cơ chiếm 52% - Chất thải rắn khác: 470 tấn/năm, gồm: 161 tấn chất thải phát sinh là bao bì, chai lọ hóa chất BVRV; 309 tấn chất thải phát sinh từ các cơ sở y tế.
Năm 2022, tổng khối lượng CTRSH được thu gom, xử lý 125.489 tấn, bình quân toàn tỉnh đạt 89,46 %. Trong đó: - Tại các khu vực đô thị: Tỷ lệ thu gom, xử lý được 75.943,53 tấn (bình quân đạt xấp xỉ 96,95 % so với lượng chất thải phát sinh tại đô thị). - Tại các khu vực nông thôn: Tổng khối lượng rác thải được thu gom xử lý 49.545,57 tấn (bình quân đạt 80 % so với tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực nông thôn).
Hình 3. Hình ảnh Nhà máy xử lý rác thải Lào Cai |
Tỷ lệ phân loại CTRSH trên địa bàn tỉnh đạt 62 %, trong đó có 03 địa phương: Thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát duy trì tỷ lệ phân loại bình quân đạt 75-95%. Các huyện Bảo Thắng, Mường Khương lệ phân loại đạt 75-80%; 04 huyện còn lại (Si Ma Cai; Bắc Hà; Văn Bàn; Bảo Yên) chưa thực hiện phân loại chất thải tại nguồn.
Hình 4. Sơ đồ công nghệ nhà máy xử lý rác thải Lào Cai |
Tại TP. Lào Cai: tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn năm 2016 đạt 50%, chất lượng phân loại 40% thì năm 2020 đã đạt 90% với chất lượng phân loại là 80%.
Năm 2022, tại thành phố Lào Cai, việc thu gom và xử lý rác thải đạt 87%, trong đó tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải trong 10 phường đạt 97%, 5 xã đạt khoảng 60%; hiện còn 2 xã chưa thực hiện thu gom là Tả Phời và Hợp Thành, chủ yếu người dân xử lý bằng lò đốt rác tại gia đình
Trên địa bàn thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa đã hình thành nhiều tuyến phố văn minh, tuyến phố kiểu mẫu thực hiện tốt tiêu chí vệ sinh môi trường, phân loại rác tại nguồn. Hàng năm, nhiều cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu được các địa phương tuyên dương khen thưởng vì có ý thức trong công tác bảo vệ môi trường.
Có thể thấy, việc triển khai Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã đem lại hiệu quả rõ rệt đối với Nhà máy xử lý rác thải thành phố Lào Cai, số lượng công nhân lao động trực tiếp giảm, lượng mùn Compost thu hồi tăng từ 3,44% lên trên 10% với chất lượng và giá bán được nâng lên, rác thải vô cơ sau phân loại có thể tái chế, tái sử dụng sẽ tạo nguồn thu, giảm diện tích chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường... Quan trọng hơn là ý thức của người dân được nâng lên, đã thực hiện phân loại đúng cách, đổ rác đúng thời gian quy định, không gây mất mỹ quan đô thị. Đây là mô hình rất hiệu quả trong bối cảnh hiện trạng chất thải rắn chưa được xử lý triệt để và còn nhiều bất cập trong công tác quản lý, thu gom, xử lý.
4. Kết luận
Có thể thấy, việc triển khai Đề án phân loại CTRSH tại nguồn tại tỉnh Lào Cai từ 2016 đến nay đã đem lại nhiều lợi ích đối với người dân. Nhận thức của người dân từng bước được nâng lên, giúp giảm tối đa lượng CTRSH chôn lấp trực tiếp nên hạn chế nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường như ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt, chất lượng đất. Việc phân loại CTRSH tại nguồn giúp giảm áp lực phân loại tại Nhà máy xử lý rác, đảm bảo hiệu quả xử lý của nhà máy, cũng như tạo ra phân có chất lượng ổn định. CTR vô cơ sau phân loại có thể tái chế, tái sử dụng sẽ tạo nguồn thu, cùng với nguồn thu từ sản xuất phân vi sinh sẽ hỗ trợ một phần cho hoạt động của Nhà máy cũng như giảm gánh nặng ngân sách để đầu tư cho xử lý CTR.
Để có được sự thành công trên trước tiên phải kể đến sự quyết liệt của chính quyền, thể hiện bằng hàng loạt các văn bản chỉ đạo. Bắt đầu bằng việc thực hiện Đề án “phân loại CTR SH tại nguồn trên địa bàn TP Lào Cai, Bát Xát và Sa Pa năm 2016, rồi các văn bản, kế hoạch thực hiện, tổng kết kết quả của từng năm, từng giai đoạn.
Các văn bản, quyết định, kế hoạch của UBND tỉnh Lào Cai đã giao trách nhiệm, kết nối được sự tham gia của các bên liên quan.
* Sự tham gia của chính quyền: UBND tỉnh thành lập ban chỉ đạo Đề án phân loại CTRSH tại nguồn có sự tham gia và tham mưu chính của Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai, cùng với Sở Tài chính, Sở thông tin và truyền thông, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải - xây dựng, Sở Giáo dục và Đào tạo, Các Sở, ban, ngành liên quan khác và UBND thành phố Lào Cai, UBND các xã/phường trên địa bàn thành phố.
* Sự tham gia của đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội: có Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Tỉnh đoàn Lào Cai, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ các cấp trong việc tham gia tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho các tổ chức/cá nhân/cộng đồng dân cư trong việc triển khai thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. Theo báo cáo số 49 năm 2023 của Sở TN&MT tổng số đợt tuyên truyền năm 2022 trên địa bàn tỉnh là trên 1000 cuộc
* Có sự tham gia của Doanh nghiệp thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH: sự phối hợp của đơn vị thu gom, trong việc tăng tần suất thu gom, điều chỉnh lại tuyến đường thu gom, thời gian thu gom cho phù hợp, cũng như việc vận chuyển riêng rẽ các loại CTRSH đã được phân loại tại nguồn.
* Sự tham gia của người dân và các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh trên địa bàn: Đời sống kinh tế ngày càng phát triển thì nhận thức của người dân càng được tăng lên, sự ủng hộ của người dân trong việc phân loại CTRSH tại nguồn đã tạo lên sự thành công của Đề án. Giờ đây việc phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn TP Lào Cai đã trở thành thói quen của người dân nơi đây.
Ngoài ra để việc duy trì nhân rộng việc thu gom, phân loại CTRSH được hiệu quả thì Tỉnh cần có cơ chế chính sách hỗ trợ trong công tác thu gom, xử lý CTRSH tại các các khu vực ven đô thị, tiếp tục tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp đổ CTRSH không đúng nơi quy định và quy hoạch các ga rác để cho công tác thu gom, vận chuyển CTRSH được thuận lợi, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường và con người xung quanh.
TS. Mai Quang Tuấn - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thuyết minh kinh tế của Nhà máy xử lý rác thải TP Lào Cai
2. Báo cáo số 49/BC- STNMT của Sở TN&MT Lào Cai ngày 20 tháng 3 năm 2023 về Kết quả triển khai thực hiện công tác thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh năm 2022
3. Báo cáo số 264/BC-BCĐ của Ban chỉ đạo Đề án phân loại CTRSH tại nguồn ngày 19 tháng 9 năm 2016 về tổng kết giai đoạn thí điểm thực hiện Đề án Phân loại CTRSH tại nguồn trên đại bàn TP Lào Cai, thị trấn Sa Pa
4. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019
5. Quyết định số 151/KH-UBND của UBND tỉnh Lào Cai, ngày 12 tháng 04 năm 2019 về triển khai Đề án phân loại CTRSH tại nguồn giai đoạn mở rộng năm 2019.
6. UBND tỉnh Lào Cai (2021), Tổng kết 05 năm triển khai Đề án Phân loại CTR sinh hoạt trên địa bàn thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát giai đoạn 2016-2020.