Ngôi nhà đầu tiên ở Hà Nội đón Hồ Chủ tịch năm 1945
Chỉnh đốn Đảng theo Di chúc Bác Hồ: Bắt đầu từ công tác cán bộ Mãi mãi là ngọn cờ quy tụ sức mạnh toàn dân tộc Thủ tướng gặp mặt các đồng chí trực tiếp phục vụ, bảo vệ Bác Hồ |
Hơn 20 năm qua, ông Công Ngọc Dũng (57 tuổi, phường Phú Thượng, Hà Nội) vừa làm người trông coi, vừa hướng dẫn viên giới thiệu lịch sử ngôi nhà gần 100 năm tuổi cho khách tham quan.
Mỗi sáng, bất kể khi khoẻ mạnh hay ốm đau, vợ chồng ông vẫn cùng nhau thay hoa mới, thắp hương trên bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi quét dọn, tỉ mỉ lau từng ô cửa, góc bàn trong nhà.
Ông Công Ngọc Dũng và ngôi nhà từng hai lần đón Bác Hồ. Ảnh: Viết Tuân. |
Đầu năm 2019, sau ca phẫu thuật tim, sức khoẻ giảm sút nhiều nhưng ông Dũng vẫn gắng làm việc không ngơi nghỉ. Chỉ vào cây hoa mộc trước nhà, ông rất lo lắng vì thân đang bị mục ruỗng. Ông đã tìm mọi cách chạy chữa nhưng chưa hiệu quả. "Năm nay cây kém xanh hơn năm trước rồi" - ông nói.
Cây hoa mộc do cụ nội ông Dũng trồng năm 1929, được nhiều thế hệ trong gia đình thay nhau chăm sóc đến nay. Trong tâm thức ông, cây hoa mộc là nhân chứng của những sự kiện lịch sử gắn với ngôi nhà.
Trước đây, cụ nội ông Dũng là chánh tổng, làm nghề ươm tơ tằm, nên năm 1931 đã xây được ngôi nhà năm gian bằng gạch, lợp ngói. Phía trước nhà có bốn chữ Hán "Nhật nguyệt thanh phong" (trăng thanh gió mát). Hai bên có hai dòng chữ nhỏ "Tứ niên Bảo Đại - Tôn tạo Đông thành" (Nhà xây năm thứ tư thời vua Bảo Đại, khánh thành vào mùa Đông).
Ông Dũng là cháu nội đời thứ ba của bà Nguyễn Thị An. Theo lời kể của ông, từ năm 1941, bà An và con trai Công Ngọc Kha (bố ông Dũng) đã được giác ngộ đi theo cách mạng. Hai người trở thành mắt xích quan trọng làm nhiệm vụ đưa tài liệu, truyền tin bí mật cho những yếu nhân cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Ngôi nhà năm gian của vợ chồng bà An thường được ông Hoàng Tùng đến tá túc trong vai thầy cúng để tránh sự truy lùng của quân Pháp. Nhiều cuộc họp quan trọng để chuẩn bị tổng khởi nghĩa được tổ chức ở đây. Gia đình có đủ lương thực, thực phẩm chu cấp cho cán bộ cách mạng.
Vì vậy, ngôi nhà được ông Hoàng Tùng chọn làm điểm dừng chân đầu tiên của Hồ Chủ tịch khi từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội.
Ngày 23/8/2019, ngôi nhà của gia đình ông Công Ngọc Dũng được UBND TP Hà Nội công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố. |
4h chiều ngày 23/8/1945, ông Công Ngọc Kha đang họp ở ngoài chuẩn bị in cờ cho tổng khởi nghĩa thì được báo tin nhà có khách. Ông vội chạy về nhà, nhưng bị bảo vệ chặn lại ngoài cổng. Bà An và ông Hoàng Tùng phải ra xác nhận đây là người nhà mới được vào.
Ông Kha vào đến sân, nhìn vào trong nhà thì thấy nhiều người ngồi quanh ông cụ mặc áo nâu chàm, không khí rất yên lặng. Ông cụ đi giày vải màu đen, người gầy yếu nhưng có đôi mắt rất sáng và chòm râu dài. Bên cạnh là chiếc gậy dùng để đi đường, mũ lá và túi vải nâu.
Khi đó, ông Hoàng Tùng chỉ nói "có các đồng chí ở chiến khu mới về, nghỉ ở nhà mấy hôm". Nhưng ông Kha thầm nghĩ "đó chắc là thượng cấp". Sau đó, ông được giao cử người canh gác đầu và cuối làng.
Ngôi nhà của gia đình ông Công Ngọc Dũng ngày xưa. Ảnh tư liệu. |
Đến khuya, ông Kha trở về nhà thì vẫn thấy ông cụ ngồi miệt mài đánh máy chữ làm việc. Nhưng ông không dám hỏi sợ phiền cụ mà chỉ lẳng lặng lên chiếc chõng trẻ ngoài hiên ngủ. Sáng hôm sau, ông cụ dậy từ sớm tinh mơ, đi quanh ao tập thể dục rồi tiếp tục làm việc. Nhiều người lạ đến gặp ông cụ nhận nhiệm vụ. Thấy ông cụ sức khoẻ yếu, không ăn được cơm, hằng ngày bà An hầm cháo gà cho ông cụ ăn.
Ngày 25/8, ông Hoàng Tùng báo gia đình chuẩn bị bữa cơm, để ông cụ và đoàn lên đường công tác. Ăn xong bữa trưa, ông cụ nói muốn gặp cả gia đình để cảm ơn. Cụ Công Văn Trường, thân sinh bà Nguyễn Thị An, khi đó 90 tuổi được mời xuống gặp ông cụ.
"Chúng tôi về đây mấy hôm, được gia đình chăm lo, giúp đỡ. Chúng tôi xin cám ơn. Nay chúng tôi đi công tác, hẹn có dịp sẽ quay trở lại" - ông cụ nói với gia đình trước khi rời đi.
Chiều 2/9, gia đình bà An hoà cùng dòng người khắp nơi đổ về quảng trường Ba Đình dự mít tinh. Khi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại diện Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đọc Tuyên ngôn độc lập, cả nhà đều ngờ ngợ, nhưng không dám nhận đó là ông cụ mấy hôm trước. "Bà nội và bố tôi nghe rất giống giọng ông cụ, nhưng vì đứng xa không nhìn rõ" - ông Công Ngọc Dũng kể lại.
Sau buổi mít tinh, mọi người mới vỡ oà khi ông Hoàng Tùng báo tin, vị khách đặc biệt tuần trước của nhà bà An chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giữ lời hẹn, ngày 24/11/1946, Hồ Chủ tịch về thăm nhà bà Nguyễn Thị An lần thứ hai. Đó là những ngày quân Pháp bắn phá nhiều nơi ở Hà Nội, Hải Phòng và cả nước đang gấp rút chuẩn bị kháng chiến toàn quốc.
Vừa đến cổng, thấy ông Công Ngọc Kha ra đón, Hồ Chủ tịch hỏi ngay: "Chú hai (chỉ ông Kha), ông cụ nhà ta đâu (cụ Công Văn Trường)".
Thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đến, dù đã rất yếu nhưng cụ Công Văn Trường nói con cháu đỡ dậy, mặc áo the, đội khăn xếp, đi giày vải để gặp. Được người nhà dìu xuống đến chỗ cây hoa mộc, thấy Hồ Chủ tịch ngồi trong nhà, cụ Trường chắp hai tay, toan làm lễ. Nhưng Bác nhanh chân bước ra, đỡ lấy cụ, nói: "Cụ đừng làm như vậy. Bây giờ chúng ta là anh em, không còn như chế độ thực dân, phong kiến ngày trước nữa".
Trò chuyện với cụ Trường xong, bác dùng cơm trưa cùng mọi người. Vì quý trọng Hồ Chủ tịch, bà An làm cơm ngon hơn thường ngày. Nhưng Bác không vừa lòng, gọi bà Lê Thị Thanh là người trực tiếp lo việc ăn uống của mình đến hỏi, sao hôm nay lại nhiều thức ăn vậy? Bà Thanh đáp, đây là gia đình tự làm để mời Chủ tịch.
Bà Nguyễn Thị An cũng đỡ lời, gia đình có phong tục làm cơm ngon hơn khi có khách và thức ăn đều sẵn trong nhà.
Bộ bàn ghế Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi làm việc năm 1945 đến nay vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Ảnh: Viết Tuân. |
Nhưng Hồ Chủ tịch phê bình bà Thanh: "Lần này tôi về đây, chị tổ chức cho ăn thế này thì ngày mai tôi đến xã khác, các anh, các chị mổ trâu, mổ bò cho tôi ăn hay sao?". Nói rồi, để không phiền lòng gia đình, Hồ Chủ tịch dùng cơm trong không khí ấm cúng cùng mọi người.
Từ đó, nhiều thế hệ trong gia đình ông Công Ngọc Dũng thay nhau gìn giữ ngôi nhà đến bây giờ. Chiếc sập Hồ Chủ tịch nằm, bộ bàn ghế, đồ đạc trong nhà đều được giữ nguyên. Ông còn đi khắp nơi sưu tầm tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh để trưng bày.
"Giữ lại ngôi nhà hai lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh là di nguyện của bà nội và bố tôi. Đây là ngôi nhà lịch sử" - ông Dũng nói.
Năm 1996, gia đình ông hiến tặng căn nhà để địa phương làm nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng từ đó, vợ chồng ông tình nguyện làm hướng dẫn viên cho người dân, du khách xa gần đến thăm. Mỗi khi có khách đến, dù bận làm gì ông cũng về đón tiếp. "Từ nhỏ tôi đã được bà nội và bố kể lại những kỷ niệm về căn nhà và Hồ Chủ tịch nên tôi muốn chia sẻ những câu chuyện ấy với mọi người" - ông Dũng bày tỏ.
Khi nhà có chỗ hỏng, vợ chồng ông tự bỏ tiền tu sửa. Có viên ngói vỡ, ông phải sang tận Hà Đông để mua được đúng loại ngói ngày xưa về thay thế.
Đến giờ, ông Công Ngọc Dũng và gia đình còn tâm nguyện chưa hoàn thành là tìm được tên tuổi của 13 người cùng Hồ chủ tịch về thăm nhà năm 1945.