Kỷ niệm 100 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân đến nước Nga "Quê hương cách mạng"

30/06/2023 11:39 Chính trị
Ngày này cách đây vừa tròn 100 năm (30/6/1923 - 30/6/2023), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân đến Petrograd (nay là thành phố St.Petersburg, Nga) - quê hương của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.

Trong hơn 30 năm tìm đường cứu nước và gần 30 năm lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, Bác Hồ đã đặt chân đến gần 60 quốc gia trên thế giới. Nhưng từ rất sớm, trong tim Người luôn ước muốn được đến nước Nga Xô viết - cái nôi của Cách mạng tháng Mười, đất nước của Lê-nin vĩ đại, đây cũng chính là nơi Người có thời gian gắn bó lâu nhất. Đối với Người, nước Nga có một vị trí và tầm ảnh hưởng vô cùng lớn đến cuộc đời hoạt động cách mạng.

Bác Hồ những năm 1923. (Ảnh tư liệu)
Bác Hồ những năm 1923. (Ảnh tư liệu)

Sau khi đọc “Sơ thảo lần thứ nhất Những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lê-nin (đăng trên báo L’Humanité (Nhân đạo) hai số liên liếp ngày 16 và ngày 17- 6-1920), Nguyễn Ái Quốc đã có được lời giải đáp cho câu hỏi trăn trở hàng chục năm qua của mình. Người đã thấy được cái cần thiết cho dân tộc Việt Nam - con đường giải phóng dân tộc theo tư tưởng cách mạng của Lênin. Và ấp ủ trong tim - tìm cách đến nước Nga Xô viết, hoạt động trong phong trào Cộng sản quốc tế, kêu gọi mọi sự hỗ trợ cho cuộc cách mạng giải phóng ở các thuộc địa.

Trải qua hành trình dài và gian khổ khi con tàu đưa Bác vượt qua Luxembourg, Bruxelles và xẻ dọc nước Đức từ miền Nam lên miền Bắc. Tại Berlin (Đức), dưới tên Chen Vang (Trần Vương), Người nhận visa và lên tàu đến với nước Nga Xô viết.

Giấy thông hành và visa vào Nga của Bác vời tên Chen Vang.(Ảnh tư liệu)
Giấy thông hành và visa vào Nga của Bác vời tên Chen Vang.(Ảnh tư liệu)

Tạp chí Công nghiệp và Môi trường xin trích giới thiệu bút ký của GS.TS Trình Quang Phú (Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển phương Đông) được đăng trên Tuổi Trẻ Online ngày 29/6/2023.

Tạm biệt Paris

Cuối tháng 5 vẫn còn là mùa xuân của Paris, hoa nở rực rỡ, cái nắng đầu hè tràn đến hòa trong cái rét buốt cuối đông tạo nên một tiết trời nắng nhưng không nóng, man mát dễ chịu. Đêm càng dịu dàng dễ chịu hơn.

Cuộc họp Chi bộ Đảng Cộng sản vừa tan, Bác và nữ đảng viên Lared trên đường về, tản bộ trên bờ sông Seine, từng làn gió mát nhè nhẹ phả trên mặt.

- Lared nghĩ thế nào về các nước thuộc địa của Pháp, Bác hỏi.

- Tôi nghĩ ở đó phải làm cách mạng.

- Lared đọc luận cương của Lênin chưa?

- Rồi, anh muốn làm gì ở xứ An Nam.

- Ở đó phải có Đảng Cộng sản, phải giải phóng khỏi ách thực dân.

- Ồ! Tôi khâm phục anh. Nhưng…

- Ý cô là phải làm sao chứ gì?

- Đúng rồi!, quay qua phía Nguyễn Ái Quốc, cô cười: đồng chí Nguyễn ơi, chi bộ họp xong rồi, bây giờ nói chuyện ở bờ sông Seine chứ.

- Sông Seine êm đềm quá! Lared có biết sông này chảy từ đâu không?

Thấy Lared im lặng mỉm cười, Bác nói luôn: Nó chảy từ phía đông nam nước Pháp, ôm lượn vòng rồi xuyên qua Paris và vòng vài lượt nữa mới chịu chảy ngược lên phía bắc, đổ ra cảng Le Havre, nơi năm 1911 mình đặt chân lên đất Pháp.

- Con đường của anh cũng lòng vòng như sông Seine vậy, thật khó ai sánh bằng.

Bác nhìn thẳng vào Lared và hỏi:

- Tôi muốn trở về giúp xứ tôi. Cô ủng hộ chứ?

- Đi bằng cách nào?

- Tôi đến đây được thì trở về được.

- Anh cần tôi ủng hộ anh những gì?

- Cô giúp các bạn tôi tiếp tục công việc ở đây khi không có tôi.

- Tôi sẵn lòng. Nhưng… anh đi thật sao?

Bác gật đầu:

- Cô giữ kín cho tôi.

- Chừng nào anh đi?

- Khi nào đi, tôi sẽ báo với Lared, được không?

Ý định rời Paris để đến với đất nước Xô viết, quê hương của Lênin ngày càng nung nấu và chín mùi trong Bác. Ngày ấy con đường đến nước Nga rất khó. Các nước chưa công nhận Nga, chỉ mới có Đức là nước có quan hệ ngoại giao với Nga. Đế quốc Pháp nếu phát hiện ai đi Nga sẽ bắt và xử liền.

Bác đã làm quen với anh em ngành hỏa xa, tìm hiểu cung đường đi và tìm cách tích lũy tiền nong… Đồng thời tính toán, nghĩ cách để tờ báo Le Paria vẫn tiếp tục. Hội Liên hiệp các nước thuộc địa vẫn hoạt động…

Mọi việc đang giục giã thôi thúc Bác, thì bỗng một hôm có người đến báo tin Trung ương Đảng Cộng sản Pháp cần gặp Bác. Bác hồi hộp đến Văn phòng Trung ương Đảng.

Đến nơi, Bác thấy đồng chí M. Cachin và nữ đồng chí Clara Zetkin đại diện Quốc tế cộng sản, một nữ chiến sĩ cách mạng mà Bác đã gặp ở Đại hội Tours đang chờ. Trong không khí vui vẻ, đồng chí Cachin nói:

- Ban chấp hành Trung ương Đảng cử đồng chí với tư cách đại diện cho các nước thuộc địa đi Matxcơva để dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 5.

- Ôi, thật tuyệt vời! Bác thốt lên trong vui mừng sung sướng.

- Chúng tôi bố trí để đồng chí qua Đức - đồng chí Clara nói. Từ đó sẽ lên tàu thủy của Nga vào Petrograd. Đồng chí phải tìm cách cắt đuôi những mật thám.

- Vâng, hiện tại họ theo tôi từ sáng đến tối. Nhưng tôi sẽ có cách.

- Cách nào?

- Trong những ngày tới tôi sẽ tạo thành một quy luật "không có gì mới" với mật thám, họ sẽ chủ quan. Để hôm cuối cùng sẽ bất ngờ "biến mất".

- Nên chọn một quán cà phê lớn có hai cửa, rủ một vài đồng chí vào cà phê ở cửa trước rồi một mình ra cửa sau - đồng chí Cachin nói. Và như chợt nhớ ra, đồng chí cười: Đồng chí Nguyễn mời đồng chí Lared. Đi uống cà phê với bạn gái là "đắc cor" nhất.

Bác cười.

Đồng chí Clara nói thêm:

- Tôi thấy nữ đồng chí Lared mến phục đồng chí Nguyễn lắm đấy!

- Bác nói: Trong tôi, ưu tiên số một là giải phóng thuộc địa, cứu dân tộc mình.

- Chúng tôi hiểu đồng chí.

Đồng chí Cachin mới đi Liên Xô về và đã gặp Lênin. Bác hỏi Cachin rất kỹ về Lênin, về cuộc sống ở Matxcơva, về nước Nga. Câu chuyện sôi nổi và thân thiết. Bác quay qua đồng chí Clara:

- Tôi sẽ đi đến Đức như thế nào xin đồng chí cho biết rõ.

- Chúng tôi sẽ cử một người hỗ trợ đồng chí, đồng chí ấy sẽ lo thu xếp vé tàu lửa, chuẩn bị giấy thông hành đi Đức cho đồng chí Nguyễn, có lẽ đồng chí phải dùng một tên khác. Đồng chí đóng vai người Trung Quốc, như vậy khi lên tàu chưa ra khỏi đất Pháp đồng chí chỉ dùng tiếng Hoa hoặc tiếng Pháp, có gặp người Việt Nam cũng không nói tiếng Việt Nam. Đồng chí ấy sẽ liên lạc với đồng chí để bàn cụ thể trước ngày lên đường.

- Chúng ta xác định như thế này - đồng chí Cachin nói: Anh sẽ đi chuyến tàu đêm 13 tháng 6, hôm ấy là thứ ba. Như vậy còn mười hai ngày nữa, đồng chí thu xếp, chuẩn bị.

- Một việc lớn nữa, đồng chí Nguyễn phải chuẩn bị bài tham luận ở đại hội về sự cần thiết đối với các nước thuộc địa - đồng chí Clara nhắc.

- Cảm ơn các đồng chí nhiều. Tôi sẽ làm tốt nhất. Bác như được tiếp sức, phấn chấn trả lời.

Ngày thứ ba sắp tới. Suốt một tuần lễ qua Bác thực hiện rất chuẩn mực công việc hằng ngày: Sáng đi làm ở tiệm ảnh, chiều đến tòa soạn báo Le Paria, có hôm đến trụ sở Hội Liên hiệp thuộc địa. Có hôm hẹn ăn trưa với luật sư Phan Văn Trường. Buổi tối đi thư viện hoặc đi dự meeting. Cũng có hôm đi uống cà phê với các bạn châu Phi và trở về nhà nghỉ không quá 23h đêm.

Hai mật vụ thay nhau ngày đêm theo Bác. Bác đã nhận ra quy luật của họ là buổi tối chỉ theo Bác đến thư viện hoặc một nơi nào đó rồi yên tâm Bác sẽ về nhà ngủ trước 23h, nên một lúc sau họ về nhà với vợ con để sáng hôm sau đến "đưa" Bác đi làm. Bác cười thầm và có lần khoe với bạn cùng làm: "Mình có cảnh vệ sát cánh từ sáng đến tối".

Sáng sớm thứ hai, trời vừa hừng sáng, người của tổ chức bố trí đã đến gặp Bác. Anh nói:

- Chúng tôi sẽ làm giấy tờ để anh đi Nga, có lẽ anh phải đóng vai thương gia Trung Quốc. Anh muốn lấy tên gì?

Suy nghĩ một lúc, Bác chọn:

- Chen Vang, nghĩa là Trần Vương.

- Anh đã chuẩn bị hành lý xong chưa? Nhớ mang theo áo măng tô để chống lạnh. Anh cứ đi làm với tay không như mọi ngày. Vali tôi sẽ xách ra tàu cho anh.

Hai người bàn chi tiết công việc cho ngày ra đi vừa xong, thì D'edire mật thám Pháp, đầu đội mũ phớt đen, đã lảng vảng bên ngoài. Bác cười:

- "Cảnh vệ" đến rồi. Anh ở đây chờ cho tôi và người "cảnh vệ" kia đi xa xa, anh hãy đi. Nhớ giúp tôi đóng cửa.

Bác ung dung bước ra đi làm như mọi ngày, viên mật thám D'edire lẽo đẽo theo sau. Đồng chí của tổ chức mỉm cười và xách vali hành lý của Bác ra đi.

Tối thứ ba đẹp trời, Bác hẹn với cô Lared cùng đi dự meeting ở ngoại ô.

Cuộc meeting vừa bắt đầu, Bác đã rủ Lared đi uống cà phê ở khách sạn sang trọng.

- Sao bữa nay anh chơi sang thế?

- Làm oai một bữa mà!

Đến cửa Paris hotel cổ kính, Bác bất ngờ khoác tay Lared. Mật thám vẫn ở phía sau. Bác ghé vào tai Lared nói nhỏ:

- Che mắt mật thám một chút.

Đôi bạn "tình tứ" vào bar cà phê. Mật thám chắc mẫm Nguyễn Ái Quốc đã "cắn câu" với cô gái Pháp và sẽ ở đây, rồi sẽ về nhà có thể sau 23h.

Bên tách cà phê, Bác nói với Lared:

- Hôm nay tôi đi. Ai hỏi, bạn nói tôi đi nghỉ mát ở miền Nam.

- Nhưng thực ra anh đi đâu?

- Tôi tìm đường về xứ An Nam của tôi.

Bác nhìn thẳng vào mắt Lared thăm dò và nói tiếp:

- Tôi nhờ bạn chuyển giùm bức thư này cho các đồng chí ở Hội Liên hiệp thuộc địa.

- Ôi, thế là tôi mất Nguyễn rồi sao? - Lared cầm phong bì và nói lạc giọng vì xúc động.

- Sao mất được. Chúng ta là đồng chí, là những người cộng sản, dù ở phương trời nào thì lý tưởng cũng bên nhau.

Uống mới nửa tách cà phê, Bác đưa tiền cho Lared và dặn cô ngồi lâu lâu, rồi thanh toán giùm. Lered gạt đi:

- Không, anh để tôi trả tiền cà phê, coi như mời anh để chia tay. Nói xong Lared nói trong xúc động:

- Anh là một con người vĩ đại, tôi tin anh sẽ thành công!

- Meci Lared.

Bác hôn lên tay Lared và đứng dậy, tạm biệt. Bác đi nhanh ra cửa sau, đón taxi đến ga xe lửa. Taxi chạy qua nhiều đường phố như để Bác chào tạm biệt Paris, rồi vào đại lộ Magenta chạy thẳng đến nhà ga Du Nord, một nhà ga lớn, có mái vòm cong rất đẹp trong ánh đèn đêm.

Gọi là ga phía Bắc nhưng vẫn trong trung tâm Paris, không xa lắm là Vương cung thánh đường uy nghiêm trầm mặc. Người của tổ chức bố trí mà Bác đã từng gặp hẹn hò, đang chờ sẵn trong vai thư ký. Anh xách chiếc vali hành lý nhỏ đưa Bác lên toa tàu hạng nhất. Anh đưa vé cùng giấy tờ và nói với Bác:

- Đây là giấy thông hành, anh dùng cho đến khi tới nước Nga. Tôi quan sát không thấy có mật thám nào theo, anh ngồi toa hạng nhất cảnh sát ít chú ý, yên tâm. Anh dặn mật khẩu khi có người đón ở nhà ga Berlin và vui vẻ bắt chặt tay Bác: Chúc đồng chí lên đường thành công.

Con tàu lăn bánh lao về phía Bắc, Paris lùi dần phía sau với bao kỷ niệm của hơn 2.000 ngày.

Linh Nguyên
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động