Nhiều doanh nghiệp còn mơ hồ về thị trường tín chỉ carbon
Đầu tư hệ thống điện áp mái là một trong những giải pháp nhằm giảm phát thải của nhiều doanh nghiệp |
Tại buổi tọa đàm do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bộ Tài Nguyên và Môi trường và Công ty TNHH Nước Giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam tổ chức ngày 28/11/2023 tại TP. Hồ Chí Minh với chủ đề "Tín chỉ Carbon - Chìa khóa chuyển đổi sang một thế giới phát thải ròng bằng 0", nhằm hưởng ứng và góp phần thực hiện chủ trương chung của Đảng, Nhà nước về triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, từ đó góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu, đề xuất các phương án, giải pháp trong hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp trong nước cho biết dù đã nỗ lực đầu tư cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển sang kinh tế tuần hoàn nhưng vẫn còn mơ hồ về việc được cấp chứng nhận bảo vệ môi trường, cũng như phương thức giao dịch mua bán tín chỉ carbon.
Một số doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu lo lắng, để vượt qua hàng rào thuế carbon của Liên minh châu Âu, cũng như nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Doanh nghiệp đã đầu tư chuyển sang kinh tế tuần hoàn từ rất sớm, trước khi thuế carbon của Liên minh châu Âu chính thức được áp dụng từ tháng 10/2023. Thế nhưng đến nay vẫn chưa được cấp chứng nhận bảo vệ môi trường, chứng nhận giảm phát thải nhà kính. Thậm chí cơ quan, đơn vị nào sẽ thẩm định, đánh giá và cấp chứng nhận cũng chưa rõ. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp thiếu tín chỉ carbon thì sẽ mua như thế nào? giá cả ra sao? Ngược lại dư tín chỉ carbon thì có thể bán để tăng nguồn thu được không?…
Để giúp doanh nghiệp bước đầu hiểu về thị trường tín chỉ carbon, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ (Viện Chiến lược Chính sách tài Nguyên và môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, bất cứ người dân hay doanh nghiệp có trồng rừng, góp phần bảo vệ diện tích rừng, cải thiện công nghệ để giảm khí phát thải nhà kính… đều có thể giao dịch mua bán tín chỉ này trên sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ thì người dân và doanh nghiệp trồng rừng đều có thể bán tín chỉ carbon qua sàn giao dịch. Theo đó, doanh nghiệp có thể thông qua đây để mua nếu thiếu |
Với doanh nghiệp, căn cứ vào quy định của nhà nước để biết phải bù trừ ra sao. Nếu đang thiếu thì doanh nghiệp phải mua tín chỉ hoặc cải tiến công nghệ, trồng thêm rừng. Nếu thừa thì có thể để dành cho năm sau hoặc giao dịch trên sàn để thu lợi nhuận.
Tuy nhiên, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ cho biết, theo lộ trình thì đến năm 2028 Việt Nam mới thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon. Do đó, trong khoảng thời gian này người dân và doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ tư vấn của các đơn vị được Liên hiệp quốc, Liên minh châu Âu công nhận xây dựng được hệ thống kiểm kê khí nhà kính, giám sát phát thải nhà kính một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thanh Hải
Tin mới
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.