Nhiều nội dung quan trọng về môi trường trong quản lý và phát triển cụm công nghiệp

21/03/2024 08:37 Hạ tầng bảo vệ môi trường
Để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về cụm công nghiệp cho địa phương và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, ngày 15/3/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP.
Để thành lập, mở rộng cụm công nghiệp các tổ chức, doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường trong Nghị định số 32/2024/NĐ-CP
Để thành lập, mở rộng cụm công nghiệp các tổ chức, doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường trong Nghị định số 32/2024/NĐ-CP

Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/5/2024, gồm 7 chương và 38 Điều trong đó có nhiều nội dung liên quan đến quản lý môi trường.

Nghị định quy định về phương án phát triển cụm công nghiệp; thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp và quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp.

Nghị định áp dụng cho các đối tượng là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan tới quản lý, đầu tư và hoạt động của cụm công nghiệp.

Nhiều ngành nghề được khuyến đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp

Nghị định cũng quy định các ngành, nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp như: Công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp; công nghiệp cơ khí (như: Ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế...); công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp dệt may, da giày;

Công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử; công nghiệp năng lượng thông minh; công nghiệp công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học;

Các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại địa phương cần được bảo tồn và phát triển; dịch vụ kho bãi, đóng gói bao bì, vận chuyển hàng hóa, sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị công nghiệp và dịch vụ khác phục vụ trực tiếp cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương với tổng diện tích không quá 10% diện tích cụm công nghiệp;

Các ngành, nghề công nghiệp khác có công nghệ cao, sạch, tiêu tốn ít năng lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững;

Các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm tại các làng nghề, khu dân cư được khuyến khích di dời vào cụm công nghiệp.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể ngành, nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp phù hợp phương án phát triển cụm công nghiệp thuộc quy hoạch tỉnh, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thể hiện tại Quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp.

Cụ thể hóa nhiều nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường

Bên cạnh việc khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp, Nghị định số 32/2024/NĐ-CP cũng có nhiều nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường.

Trong đó quy định, việc điều chỉnh phương án phát triển cụm công nghiệp thực hiện sau khi đánh giá tiến độ, hiệu quả đầu tư hạ tầng kỹ thuật; thu hút đầu tư, tỷ lệ lấp đầy, tình hình sản xuất kinh doanh; công tác xử lý và bảo vệ môi trường; công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cụm công nghiệp; hiệu quả kinh tế - xã hội của các cụm công nghiệp đã quy hoạch; những mặt đạt được, tồn tại và nguyên nhân.

Các cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh cần đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư lân cận, di tích lịch sử quốc gia, sông, hồ...; chỉ bố trí các cụm công nghiệp cạnh nhau khi có sự liên kết giữa các cụm công nghiệp, quy mô diện tích, ngành nghề hoạt động.

Nghị định cũng quy định rõ các tiêu chí về môi trường với các trường hợp thành lập, mở rộng cụm công nghiệp. Mở rộng cụm công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung thiết yếu (gồm: Đường giao thông nội bộ, cấp nước, thu gom và xử lý nước thải) theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.

Việc xây dựng các cụm công nghiệp trên cơ sở phải xác định mục tiêu, diện tích, địa điểm, phạm vi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; phân tích, lựa chọn phương án đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật; phương án giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư (nếu có); thời hạn, tiến độ thực hiện dự án phù hợp với thực tế và khả năng huy động các nguồn lực; kế hoạch, tiến độ thu hút đầu tư, di dời và tỷ lệ lấp đầy của cụm công nghiệp; phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại cụm công nghiệp; phương án nhà ở dành cho lao động của cụm công nghiệp.

Bên cạnh đó, phải đảm bảo việc đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; dự kiến khả năng tiếp nhận, xử lý chất thải xung quanh khu vực dự kiến thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; dự báo những nguồn thải, tác động môi trường của các ngành, nghề dự kiến thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp và phương án quản lý môi trường; đánh giá sự phù hợp về chức năng nguồn nước… khi tiến hành thành lập, mở rộng cụm công nghiệp.

Quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý các cấp

Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong công tác bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện về quản lý đất đai, bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan quản lý nhà nước về cụm công nghiệp trên địa bàn có quyền hạn, trách nhiệm tổ chức rà soát, có kế hoạch, giải pháp xử lý dứt điểm các cụm công nghiệp, dự án đầu tư trong cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, vi phạm pháp luật; có biện pháp xử lý, quản lý hiệu quả đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp và không có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; Chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và các quy định khác của Nhà nước về cụm công nghiệp trên địa bàn; xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.

Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và các quy định khác về cụm công nghiệp trên địa bàn cấp huyện theo thẩm quyền; định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Công Thương về tình hình cụm công nghiệp trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp còn quy định nhiều điều về đầu tư xây dựng hạ tầngkỹ thuật cụm công nghiệp; đầu tư sản xuất kinh doanh; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp và các điều khoản chuyển tiếp có liên quan.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động