Phân loại chất thải rắn sinh hoạt câu chuyện tưởng dễ mà khó

18/04/2022 13:22 Quản lý nguồn thải
Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác. Câu chuyện phân loại này tưởng dễ mà lại khó.
Phân loại chất thải rắn sinh hoạt câu chuyện tưởng dễ mà khó
Phân loại rác thải, câu chuyện của cả cộng đồng

Quản lý chất thải rắn trong sinh hoạt là một trong những nội dung quan trọng được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, với 6 Điều (từ Điều 75 - Điều 80) quy định cụ thể các nội dung: Phân loại, lưu giữ, chuyển giao; Điểm tập kết, trạm trung chuyển; Thu gom, vận chuyển; Xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý; Xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp nhằm thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại nguồn. Đồng thời, quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các cấp, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.

Hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định vào các bao bì để chuyển giao như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

Hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định thực hiện quản lý như sau: Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi; Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Chất thải thực phẩm không thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt thực hiện phân loại, lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Bên cạnh các quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, các chế tài xử phạt cũng đã quy định rõ: Hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng.

Tuy nhiên câu chuyện phân loại chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều bất cập, vướng mắc ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện. Chất thải rắn sinh hoạt được phân thành các nhóm như sau: Nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật), nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh), nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).

Thực tế, chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chưa được các gia đình quan tâm đúng mức, hầu hết mọi người đều quan niệm cái gì không xài được thì vứt đi. Tâm lý người dân cho rằng, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt là do đơn vị quản lý nhà nước, các doanh nghiệp thu gom thực hiện.

Bên cạnh đó, tại mỗi hộ gia đình hầu như chỉ có 01 thùng đựng rác dùng chung cho cả gia đình. Tất cả chất thải sinh hoạt hầu hết được đựng trong túi ni long buộc kín và chuyển vào thùng rác đã được bố trí tại khu vực đang sinh sống. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: hạn chế về kiến thức phân loại chất thải; số lượng chất thải sinh hoạt phát sinh ít không đủ để phân loại; nhiều khu vực sinh sống vẫn chưa xây dựng các khu vực thu gom theo hình thức phân loại; nhiều hộ gia đình không muốn để quá nhiều thùng đựng rác (để phân loại) ngay trong nhà do tốn diện tích, mất vệ sinh và phải dọn, rửa mất công…

Thế nhưng, với số lượng chất thải rắn sinh hoạt khổng lồ thu gom hàng ngày thì việc phân loại càng khó khăn hơn, gây quá tải cho các bãi rác. Muốn thực hiện có hiệu quả việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt cần tập trung đồng bộ nhiều giải pháp.

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt câu chuyện tưởng dễ mà khó

Nhiều tổ chức, cá nhân cùng chung tay nâng cao nhận thức về phân loại rác thải tại nguồn

Trước hết, phải tổ chức tuyên truyền, tập huấn kiến thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt là rất quan trọng và cần thiết. Tuyên truyền nên đi từ trẻ em, học sinh - đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và luôn tuân thủ theo quy định pháp luật, nghe theo lời người lớn. Mặt khác các đối tượng là trẻ em, học sinh khi đã đủ nhận thức sẽ có tác động ngược lại đối với phụ huynh trong việc giữ gìn nguyên tắc về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Quá trình này đòi hỏi thời gian lâu dài, tuy nhiên nó mang tính bền vững, có chất lượng và xây dựng được lối sống xanh trong tương lai.

Một giải pháp nữa đó là nâng cao trách nhiệm của các đơn vị thu gom, vận chuyển xử lý rác. Trong đó, đơn vị thu gom rác phải đáp ứng các điều kiện kỹ thuật, tham gia đấu thầu công khai; trang bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu mới được thu gom, vận chuyển. Bên cạnh đó, đối với các điểm thu gom rác nhiều lần không tuân thủ quy định về phân loại cần xử lý mạnh tay, triệt để bằng các hình thức xử phạt để tăng tính hiệu quả.

Các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải lấy trọng tâm là tập trung hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ nay tới trước thời điểm xử phạt việc không phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Rác thải chỉ có thể xử lý triệt để khi được phân loại. Việc làm này cũng góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp và được kỳ vọng sẽ giảm tải cho các bãi rác, đặc biệt là hướng tới việc biến rác thải thành tiền.

Hoàng Văn Khanh
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động