Phát triển bền vững ngành Dệt may, Da giày

01/08/2023 08:09 Tăng trưởng xanh
Để ngành Dệt may, Da giầy thực sự phát triển bền vững trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc đổi mới khoa học, công nghệ và thực hiện tốt các giải pháp, cơ chế tài chính, thuế và nguồn vốn là hết sức cần thiết.

Sau những bước phục hồi tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022, ngành Dệt may, Da giày đang phải đối diện với nhiều khó khăn. Dự báo xuất khẩu của hai ngành này không được lạc quan bởi chịu tác động bất lợi của tình hình kinh tế thế giới. Sự tác động tới các chuỗi cung ứng, chuỗi cung đầu vào, đầu ra đều có sự biến động và ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, xuất khẩu của ngành cũng như công ăn việc của người lao động.

Bên cạnh đó, Liên minh Châu Âu (EU) đã đưa ra chiến lược mới về dệt may, phát triển bền vững và truy xuất nguồn gốc, đặc biệt yêu cầu, sản phẩm dệt may phải tái chế, tái sử dụng, có tuổi thọ lâu dài, tức là thay thời trang nhanh bằng thời trang vững.

Như vậy, các doanh nghiệp ngành Dệt may, Da giày cũng sẽ phải đối mặt với vấn đề về chuyển đổi, đây là vấn đề liên quan đến chi phí, đến nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ và thực hiện tốt các giải pháp, cơ chế tài chính, thuế và nguồn vốn rất nhiều vấn đề khác.

Để ngành ngành Dệt may, Da giày là ngành chủ lực về xuất khẩu của nền kinh tế; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm có chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; giữ vững vị trí trong nhóm các quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dệt may, da giày hàng đầu thế giới; thực hiện tốt “Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” thì đổi mới khoa học, công nghệ và thực hiện tốt các giải pháp, cơ chế tài chính, thuế và nguồn vốn là con đường ngắn nhất để phát triển bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế.

Đổi mới khoa học, công nghệ để phát triển bền vững

Đổi mới khoa học, công nghệ để phát triển bền vững xuất phát từ xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, công nghệ sạch trong ngành Dệt may, Da giầy. Bên cạnh đó cần tiếp tục ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao năng lượng, giảm lượng nước xả thải, giảm phát thải khí nhà kính; tăng cường tái chế, tái sử dụng nguyên, nhiên vật liệu, chất thải; tập trung ưu tiên vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hoá, thân thiện với môi trường.

Ngoài các nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách thì việc khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong sản xuất và phát triển các loại nguyên, phụ liệu trong nước chưa sản xuất được, các sản phẩm dệt may, da giầy chất lượng cao, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn, thân thiện môi trường; tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong ngành Dệt may, Da giầy đầu tư nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất cũng cần được quan tâm.

Tăng cường công nghệ, thiết bị là nhu cầu tất yếu để đưa ngành Dệt may, Da giày phát triển bền vững
Tăng cường công nghệ, thiết bị là nhu cầu tất yếu để đưa ngành Dệt may, Da giày phát triển bền vững

Mặt khác, tăng cường năng lực nghiên cứu cho các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành Dệt may, Da giầy và các tổ chức, đơn vị có các hoạt động phát triển ngành trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, thiết kế, sản xuất thử nghiệm, phát triển sản phẩm, kiểm định chất lượng, chuyển giao công nghệ, đào tạo cũng là nhiệm vụ quan trọng để ngành dệt may phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp ngành dệt may cũng cần tiếp tục xây dựng chính sách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (in 3D, vật liệu mới, tự động hoá, robot, số hoá...), ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo để tham gia sâu vào chuỗi giá trị, tạo bước chuyển biến thực chất trong quá trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ngành Dệt may, Da giầy.

Thúc đẩy các doanh nghiệp dệt may, da giầy trong nước tiếp cận, thực hiện quy hình xanh hóa trong sản xuất và đạt các chứng chỉ về bảo vệ môi trường, về tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các thị trường mục tiêu trên cơ sở rà soát và tham khảo các tiêu chuẩn, yêu cầu, quy định quốc tế, khu vực để thiết lập và định kỳ cập nhật các tiêu chuẩn, định mức, quy định của ngành về chất thải, tiêu thụ năng lượng, sử dụng nước, sử dụng vật liệu, hóa chất...

Đẩy mạnh các nghiên cứu về vật liệu và hoá chất mới có thể tái tạo hoặc có nguồn gốc tự nhiên để dần thay thế các vật liệu không bền vững trên cơ sở đánh giá vòng đời sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp tái sử dụng nguyên, nhiên liệu, chất thải, ... trong quá trình sản xuất.

Tổ chức các khoá đào tạo, phổ biến thông tin và nâng cao năng lực về quản lý và kiểm soát các vấn đề về môi trường tại doanh nghiệp (kiểm soát hoá chất, tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước...); nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, chuỗi giá trị minh bạch... phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Thực hiện tốt các giải pháp, cơ chế tài chính, thuế và nguồn vốn

Thực hiện tốt các giải pháp, cơ chế tài chính, thuế và nguồn vốn đã được pháp luật quy định. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng chính sách về đầu tư, tín dụng, thuế cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành Dệt may, Da giầy.

Mặt khác, cần đẩy mạnh xây dựng và triển khai các chương trình về tín dụng cho các dự án phát triển khu công nghiệp tập trung, xây dựng kết cấu hạ tầng cho các cụm công nghiệp chuyên ngành Dệt may, Da giầy theo hình thức tổ hợp khép kín từ khâu xơ sợi - dệt - nhuộm - hoàn tất và bảo quản da nguyên liệu - thuộc da; xây dựng chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở đào tạo nghề xơ sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất, thuộc da như miễn, giảm thuế thu nhập, hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng, xây dựng trường, xưởng thực hành, miễn thuế nhập khẩu các thiết bị giảng dạy, giáo cụ; xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức đào tạo nhân lực bậc cao bằng các hình thức nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo.

Việc xác định rõ những bất cập về cơ chế, chính sách cũng như năng lực khoa học, công nghệ hiện có, trước mắt sẽ giúp ngành Dệt may, Da giầy có bước đi chủ động, đồng thời sẵn sàng triển khai giải pháp ứng phó phù hợp diễn biến mới, tập trung nghiên cứu, xác định sản phẩm chủ lực, thích hợp nhất tại từng thời điểm để hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín; làm tốt công tác dự báo thị trường, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời để các doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động