Phát triển đô thị thông minh: Xu hướng tất yếu
|
Xây dựng đô thị thông minh cần bắt đầu từ thiết kế quy hoạch
Chi phí đầu tư hạ tầng lớn
Theo Thạc sỹ - Kiến trúc sư Phan Trọng Dũng – Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, khái niệm đô thị thông minh ngày nay đã không còn xa lạ đối với người dân các đô thị Việt Nam. Đô thị thông minh được hiểu là đô thị được xây dựng trên cơ sở hạ tầng có sự tích hợp của công nghệ thông tin, truyền thông với mạng lưới các thiết bị được kết nối với internet để có thể tối ưu hóa tất cả các hoạt động, dịch vụ của TP kết nối với người dân. Qua hệ thống hạ tầng này, các cơ quan chức năng cũng kiểm soát, theo dõi được các hoạt động diễn ra, cũng như quá trình phát triển của TP.
ở Việt Nam, tỷ lệ tăng dân số đô thị lớn hơn nhiều tỷ lệ tăng dân số đô thị trung bình của thế giới. Không gian các đô thị được mở rộng một cách mạnh mẽ trên khắp cả nước. Thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 là nơi sản sinh ra các thiết bị công nghệ thông minh có tính kết nối cao nên việc xây dựng đô thị thông minh được coi như là một xu thế tất yếu.
Để thu thập đầy đủ dữ liệu cần thiết làm cơ sở cho hệ thống thông minh trong đô thị, hạ tầng công nghệ thông tin của Hà Nội phải đi trước một bước. Hiện, TP đang rất nỗ lực tìm kiếm nguồn lực, giải pháp và tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, phục vụ cho việc thu thập dữ liệu cũng như định hình nền tảng cơ bản của đô thị thông minh.
Theo đánh giá, việc xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, đầu tiên đó là vấn đề về kinh phí. Thạc sỹ - Kiến trúc sư Trần Tuấn Anh – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, để tạo ra hình hài của một đô thị thông minh cần phải có nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng lớn, vì tất cả các thiết bị quản lý của TP thông minh đều là những sản phẩm công nghệ cao.
Việc ứng dụng các thiết bị công nghệ thông minh vào các hoạt động của một đô thị cũng là vấn đề cần được quan tâm, không thể có sự sao chép y nguyên đối với hơn 800 đô thị trên cả nước. Vì mỗi đô thị có một đặc thù riêng, cần phải có sự áp dụng linh hoạt, nếu không sẽ gây ra hậu quả tiêu cực và đặc biệt là sẽ lãng phí nguồn kinh phí lớn để đầu tư mà không thu được hiệu quả.
Các đại biểu tham quan, tìm hiểu một số ứng dụng trong quản lý đô thị thông minh bên lề Hội thảo chính quyền đô thị diễn ra ở Hà Nội, tháng 9/2018. Ảnh: Công Hùng
Giải pháp chiến lược
Thạc sỹ - Kiến trúc sư Phan Trọng Dũng cho rằng, việc xây dựng đô thị thông minh đang tiếp tục tăng trưởng ngày càng nhiều trên thế giới và cũng phù hợp với lộ trình phát triển của các đô thị tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt là trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh gây ra những sức ép về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, những vấn đề về ô nhiễm môi trường, chất thải, rác thải... Việc xây dựng đô thị thông minh (hay còn được gọi là Smart City) là giải pháp chiến lược.
Đối với hạ tầng giao thông – hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh, trong tương lai các phương tiện giao thông sẽ chạy bằng điện và nhiều phương tiện sẽ được thiết kế tự lái, sẽ góp phần làm giảm thiểu các phương tiện giao thông và tiết kiệm năng lượng. Hơn nữa, năng lượng sẽ được sử dụng từ nguồn tự nhiên như năng lượng mặt trời, năng lượng gió hay năng lượng sinh học, năng lượng sạch sẽ dần thay thế cho các nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, khí đốt.
Hệ thống cấp thoát nước sẽ được ứng dụng công nghệ cảm biến (sensor) để cảm biến và vận hành. Tương tự như vậy các sensor cũng sẽ được sử dụng trong việc thu gom và xử lý rác thải môi trường. Các sensor được gắn vào thùng rác, gắn vào phương tiện thu gom... để thông báo khi nào cần xử lý, thu gom... “Đó là viễn cảnh không xa đối với các đô thị Việt Nam” - ông Dũng nhấn mạnh.
Để thúc đẩy phát triển đô thị thông minh, Nhà nước cần phải có những đề án chiến lược. Xây dựng một bộ tiêu chuẩn chung quốc gia về đô thị thông minh để các TP trong cả nước bám theo đó để thực hiện, tránh tình trạng mỗi địa phương làm theo một hướng. Bên cạnh đó, cần phải chú trọng việc đào tạo đội ngũ nhân sự làm công tác kiến thiết, quản lý và xây dựng được một bộ khung phối hợp đa ngành, chuẩn bị nguồn lực tài chính để có thể thực hiện trong một khoảng thời gian dài.
Hà Nội có nhiều lợi thế
Trong chuyến thăm chính thức Singapore tháng 4/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Singapore đã thống nhất lựa chọn 3 TP của Việt Nam là: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng sẽ là một phần trong mạng lưới các thành phố thông minh của ASEAN.
Hà Nội hiện có rất nhiều lợi thế để phát triển đô thị thông minh. Thứ nhất, Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước nên được sự quan tâm rất lớn và kịp thời của Chính phủ, T.Ư. Thứ hai, Hà Nội có tiềm lực kinh tế, nhân sự, kỹ thuật... để phát triển đô thị thông minh. Thứ ba, cũng là điều mà giới chuyên gia đánh giá rất cao là Hà Nội có những lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, rất quyết tâm phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh.
Trên thực tế, Hà Nội đã bắt đầu đưa một số thành tố của đô thị thông minh vào triển khai trong thực tế. Ví dụ như ứng dụng tìm kiếm điểm đỗ xe qua thiết bị di động - iParking; ứng dụng tìm kiếm, sử dụng xe buýt - Timbuyt; bản đồ số các điểm ngập úng... Tuy nhiên, theo Kiến trúc sư trưởng về Smart City của Tập đoàn Viettel Lê Quốc Hữu, Hà Nội vẫn cần phải nhanh chóng xây dựng một kiến trúc tổng thể của đô thị thông minh, giúp TP có hệ thống thu thập, phân tích, quản lý dữ liệu đồng bộ. “TP có thể bắt đầu từ việc khảo sát thực tế đô thị, nhu cầu của người dân... đặt ra các mục tiêu chiến lược, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tổng thể đô thị thông minh” - ông Hữu nhận định.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Hà Nội phải biết mình cần gì, công nghệ nào phù hợp, hạ tầng công nghệ thông tin sẽ được kết nối như thế nào cho phù hợp với hạ tầng xã hội của TP. Từ đó có thể định hình được nền tảng kỹ thuật thiết yếu cho hình thái đô thị thông minh. Bên cạnh đó, Hà Nội cần thu thập dữ liệu để xác lập cơ sở tiền đề cho việc quản lý đô thị, cung cấp tiện ích tối đa cho người dân. Đi cùng với đó, TP cần có các cơ chế mở nhằm đảm bảo chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa Hà Nội với các địa phương khác và với các cơ quan quản lý, bộ, ngành T.Ư.
Tin mới
Khảo sát của Herbalife tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, 9 trên 10 người Việt cho rằng một chế độ ăn uống lành mạnh rất quan trọng để hỗ trợ sức k
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.