Tây Ninh
Tác động đến môi trường từ nhà máy chế biến tinh bột sắn
Nhà máy chế biến tinh bột sắn Công Ty TNHH Nông sản Quốc tế Hiệp Phát nằm ngay đường ĐT781 Tây Ninh |
Phóng viên Tạp chí Công nghiệp môi trường đã tác nghiệp tại cơ sở, nhiều khối chất thải (được xác định là từ củ sắn, còn gọi là xác mì) đổ ra môi trường trên một khu đất cạnh mặt đường ĐT781, nằm khu vực của nhà máy chế biến tinh bột sắn Công Ty TNHH Nông sản Quốc tế Hiệp Phát, bên cạnh dòng nước có tên suối Xa Cách.
Được biết Suối Xa Cách này dòng nước chảy tới con suối Kinh Tây được dùng làm nguồn nước sạch để phục vụ dân sinh hoạt, tưới cây và các mục đích khác (từng là một nguồn nước trong lành và mát mẻ cho cư dân ấp Phước Bình); tuy nhiên, nay bỗng chốc trở thành nơi bị nước thải từ các nhà máy chế biến tinh bột mì chảy vào khiến nước suối đổi màu và phát ra mùi hôi nồng nặc.
Với lượng chất thải lớn như vậy, thậm chí chỉ cần đi qua khu vực này, mọi người đều cảm nhận mùi hôi thối; khi bước vào bên trong khu vực, mùi hôi trở nên càng khó chịu hơn. Nước đen ngòm từ chất thải đã thấm vào lòng đất, tràn ra khỏi khu vực lưu trữ và chảy xuống con suối thông qua một ống cống xi măng được chôn dưới lòng đất; nước thải này đã biến nước suối thành một dạng nước trắng xóa, đóng lớp màng dày và phát ra mùi hôi thối nồng nặc. Bầu không khí xung quanh khu vực này trở nên ngột ngạt và khó thở.
Chất thải từ củ mì chất thành đống ngay mặt đường ĐT781, nước suối đổi màu thành đen, nhiều bọt và phát ra mùi hôi nồng nặc. |
Sự việc gây bức xúc cho cư dân xã Suối Đá, họ đã bày tỏ sự lo ngại về tác động của ô nhiễm môi trường này đối với sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của họ. Một người dân sống ngay bên cạnh suối ngao ngán: “Nhà máy hoạt động riết rồi không cây gì sông nổi, lục bình cũng chết hết, mà giờ đâu giám kêu ai, vì sợ họ ghét, mình dân thấp cổ bé họng mà sao dám lên tiếng. Trước cũng có bên Tài nguyên xuống kiểm tra và lôi mấy đường ống xả thải ra nhưng rồi giờ vẫn cứ bốc mùi hôi thối, nước vẫn ô nhiễm”
Một người khác sống cách đó khoảng 500m khoảng cách giữa 2 nhà máy mì lên tiếng: “ở đây ngửi mùi hôi riết rồi quen luôn rồi, 3 nhà máy thay phiên nhau xả nước thải đen ngòm dồn về phía con suối kia nên bây giờ nước nó ô nhiễm, đâu ai dám động vào nước ở đó, rửa tay cũng không dám, nhìn ghê chết được”.
Ngày 27/10/2023, phóng viên đã có cuộc trao đổi trực tiếp với Nhà máy, bà Trần Thị Xuân (được xưng là trợ lý Giám đốc của Nhà máy) cho biết: "Nhà máy đã tồn tại từ lâu, có đầu tư hệ thống xử lý nước thải có lúc đạt cột A luôn nhưng vẫn bị tràn ra ngoài. Công suất sản xuất trong mùa này là khoảng 120 tấn/ngày. Còn khu đất chỗ xả chất thải xác mì đó là không được phép, nhưng đất là của Công ty. Bởi vì xác mì nó nhiều quá nên nó tràn ra, chảy nước đen nên mới bóc mùi hôi, trời mưa không phơi kịp, ga không đủ sấy, buộc phải trữ lại đó. Gọi là ô nhiễm là có ô nhiễm nhưng do trời mưa nhiều chứ không phải cố tình”
Mặc dù việc xả chất thải từ Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hiệp Phát diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, chất thành đống ngay trên đường DT781 nhưng chính quyền địa phương lại chưa nắm bắt tình hình. Ngày 18/10, phóng viên đã liên hệ với UBND xã Suối Đá để trao đổi về vấn đề này, chị Hà Thị Huế Nhung (Chủ tịch xã) cho biết: “không nghe có dân nào phản ánh hết. Nếu em phản ánh thì chị sẽ đi khảo sát ghi nhận, rồi tham mưu lên cấp trên, còn vấn đề môi trường thì có bộ phận chuyên môn của cấp trên chứ chị không có đủ thẩm quyền”. Sau khi phóng viên đã thông tin vị trí cụ thể của Nhà máy, chị Nhung mới cử cán bộ địa chính để đi thực tế cùng phóng viên và cũng chứng kiến hiện trường nơi bị bốc mùi hôi thối, ô nhiễm.
Việc tiếp cận thông tin về tìm hiểu tình hình ô nhiễm môi trường đã gặp khó khăn khi UBND xã Suối Đá không có đủ thẩm quyền trong vấn đề này. Phóng viên cũng đã đặt vấn đề này với UBND huyện Dương Minh Châu vào ngày 19/10/2023 để hy vọng rằng có thông tin về biện pháp kiểm soát, khắc phục, bảo vệ môi trường tại Công Ty TNHH Nông sản Quốc tế Hiệp Phát nhưng đến nay phóng viên cũng chưa nhận được sự phản hồi của UBND huyện.
Vấn đề này đặt ra câu hỏi về quy trình kiểm tra công tác bảo vệ môi trường từ các bên liên quan. Việc đảm bảo rằng môi trường được bảo vệ và quản lý một cách nghiêm ngặt là điều rất quan trọng để đảm bảo cuộc sống và sức khỏe của cư dân không bị đe dọa. |
Tạp chí Công nghiệp môi trường sẽ tiếp tục thông tin.