Tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo
Vi phạm quy định về nhận chìm ở biển bị phạt từ 5 triệu đến 1 tỉ đồng Tăng cường nhận thức, quyết tâm hành động vì môi trường biển, đảo |
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong quá trình kiểm tra, giám sát việc triển khai Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến nay phát sinh nhiều hành vi vi phạm các quy định trong lĩnh lực quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo chưa có chế tài xử phạt. Hiện nay, các mức xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển được quy định tại nhiều văn bản chuyên ngành khác nhau có liên quan đến các hoạt động trên biển. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về xử phạt hành chính đã ban hành chưa quy định hành vi vi phạm trong cấp phép nghiên cứu khoa học của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam; quy định về nhận chìm ở biển; quy định về giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; các quy định về hành lang bảo vệ bờ biển.
Thực tiễn áp dụng các chế tài hành chính cho thấy chưa có sự thống nhất giữa các quy định của các văn bản về xử phạt vi phạm hành chính và việc áp dụng các quy định đó vào trong quá trình thực thi pháp luật trên các vùng biển về hiệu lực của văn bản; về thẩm quyền xử lý vi phạm, mức phạt tiền cao thấp khác nhau đối với các hành vi vi phạm hành chính trong cùng một lĩnh vực, gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền thực thi pháp luật trên biển và khó khăn trong tìm hiểu, nghiên cứu và chấp hành của người dân.
Chất được phép nhận chìm không chứa phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn cho phép. |
Một số văn bản quy phạm pháp luật đều quy định 1 hành vi vi phạm nhưng mức xử phạt thì lại khác nhau, như: hành vi vi phạm về kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đươc quy định tại Khoản 7 Điều 33 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 xử phạt từ 25 triệu đồng đến 35 triệu đồng; đối với hành vi không có kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu, ô nhiễm hóa chất từ tàu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Tuy nhiên, theo Khoản 3 Điều 25 Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 11/12/2017 thì quy định xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng với hành vi không có kế hoạch ứng phó sự cố dầu tràn; kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu, ô nhiễm hóa chất theo quy định, hay Khoản 7 Điều 17 Nghị định số 93/NĐ-CP ngày 20/8/2018 quy định phạt từ 80 triệu đồng đền 100 triệu đồng hành vi đổ bùn đất, chất thải từ nạo vét không đúng vị trí quy định.
Tại Khoản 4 Nghị định số 142/NĐ-CP ngày 11/12/2017 quy định phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 90 triệu đồng đối với hành vi đổ bùn, đất, chất thải từ nạo vét không đúng vị trí quy định, Điều 26 Nghị định 162/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với hành vi nhận chìm, đổ, thải dưới 120kg chất thải nguy hại là từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng; có sự khác với Điều 23 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với hành vi chôn, lấp, đổ, thải dưới 100kg chất thải nguy hại là từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng....
Có thể thấy, hệ thống văn bản pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường biển còn thiếu; chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Thêm vào đó, công tác quản lý hoạt động vận tải biển, khai thác khoáng sản, khai thác cảng biển, hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản thiếu chặt chẽ khiến các đối tượng chạy theo lợi ích kinh tế, cố tình vi phạm như: không đầu tư xử lý chất thải mà xả trực tiếp ra biển gây ô nhiễm môi trường biển; trong hoạt động đánh bắt hải sản,… hay những hành vi gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng và gây hậu quả rất lớn, đặc biệt là các hành vi không đảm bảo an toàn hàng hải gây ra các vụ tai nạn do va quệt, đâm va của các tàu vận tải dầu, các hóa chất độc hại khác hay sự thải bỏ, nhận chìm chất thải không đúng quy định...
Vì thế, để tăng cường công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo thì việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật quy định các hành vi, hình thức và mức xử phạt chi tiết đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Theo Dự thảo Nghị định, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định tại Nghị định bao gồm: vi phạm các quy định về nghiên cứu khoa học của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam; vi phạm các quy định về nhận chìm ở biển; vi phạm các quy định về giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; vi phạm các quy định về hành lang bảo vệ bờ biển.
Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo mà không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.