Tăng cường nhận thức, quyết tâm hành động vì môi trường biển, đảo
Phát biểu tại Lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng Hành động vì môi trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị mọi tổ chức, cá nhân cùng tăng cường nhận thức, quyết tâm hành động, chung tay hành động để bảo vệ biển và hải đảo, bảo vệ môi trường.
Kết nối, lan tỏa, truyền cảm hứng, cùng bảo vệ biển
Ngày Đại dương thế giới 8/6 hằng năm do Liên Hợp Quốc thông qua thể hiện sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương. Ngày Đại dương thế giới năm nay với chủ đề “Giới và Đại dương” (Gender and The Oceans). Đây là cơ hội để khám phá các khía cạnh về giới trong mối quan hệ của loài người với các đại dương, như một lời kêu gọi chúng ta phải có trách nhiệm chăm sóc đại dương xanh bằng cách kết nối, lan tỏa và truyền cảm hứng hướng tới bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trên khắp thế giới trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến đại dương.
Chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm nay còn hướng tới xây dựng sự hiểu biết về giới, đại dương và khám phá những giải pháp khả thi để thúc đẩy bình đẳng giới trong các hoạt động liên quan đến đại dương như nghiên cứu khoa học biển, ngư nghiệp, lao động trên biển, di cư bằng đường biển, buôn bán người... đồng thời, khuyến khích các giải pháp ngăn chặn tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa và tăng cường ngăn chặn rác thải nhựa trên biển vì một đại dương khỏe mạnh hơn, cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Ngày Môi trường thế giới năm nay với chủ đề: “Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta” được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc lựa chọn nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng cùng hành động trong việc giảm thiểu những chất độc hại ra môi trường không khí trong các hoạt động sản xuất kinh doanh trên toàn cầu.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương có gần 4 triệu người. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, sức khỏe con người và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội.
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, trái đất - ngôi nhà chung của nhân loại, đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng như việc khai thác, sử dụng quá mức, thiếu bền vững tài nguyên biển gây ra.
“Thực tế đó, đòi hỏi tất cả chúng ta phải nỗ lực có các giải pháp tổng thể để giải quyết những thách thức đã và đang đe dọa đến sự sống còn trái đất và của chính chúng ta”, Phó Thủ tướng nói.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa nước ta trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.
Phó Thủ tướng đề nghị, tại lễ phát động này và thông qua các hoạt động của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng Hành động vì môi trường, mỗi người dân hãy cùng nhau tăng cường nhận thức và quyết tâm hành động vì môi trường, bảo vệ biển, đảo.
“Mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm chăm sóc đại dương xanh bằng cách kết nối, lan tỏa và truyền cảm hứng hướng tới bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trên khắp thế giới trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến đại dương để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, trước hết, phải đoàn kết, thống nhất ý chí và kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng và lợi ích quốc gia trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình.
“Phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, ứng phó kịp thời hiệu quả trong mọi tình huống để giữ vững an ninh, chủ quyền biển đảo và lợi ích quốc gia”, Phó Thủ tướng nói.
Đồng thời, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo sát thực tế và theo kịp tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.
“Rà soát, bổ sung và xây dựng mới đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hoà, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”, Phó Thủ tướng nói.
Trên cơ sở đó, huy động các nguồn lực để khai thác có hiệu quả, bền vững các tiềm năng, lợi thế từ biển cho phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên các vùng biển, đảo.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị từng cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao nhận thức về chủ quyền biển – đảo, bảo vệ môi trường.
Khuyến khích doanh nghiệp, người dân sản xuất và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các điển hình tiên tiến, mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị trong sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Tăng cường hợp tác, huy động nguồn lực quốc tế nhằm đảm bảo khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, giải quyết những vấn đề trên biển có liên quan, góp phần duy trì hòa bình trong khu vực và trên thế giới.
“Đặc biệt, các địa phương có biển phải thường xuyên quan tâm, có các giải pháp tổng thể để hỗ trợ các điều kiện cần thiết để bảo đảm sinh kế cho nhân dân vùng biển đảo, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân vùng biển đảo. Các bộ, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách về ngư dân, ngư trường, ngư nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bám biển, phát triển kinh tế biển”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn và mong muốn các cơ quan Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững.
Tại Lễ phát động, Bộ TN&MT biểu dương các tổ chức, cá nhân có đóng góp biểu cho sự nghiệp bảo vệ môi trường; bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Danh hiệu "Đại sứ Đại dương xanh" đã được trao cho 3 gương mặt tiêu biểu.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng, với nghệ danh Lekima Hùng, anh là người đầu tiên thực hiện chuyến hành trình, dự án “Hãy cứu biển - Save Our Seas”. Anh Nguyễn Văn Sang-doanh nhân với dự án “1 triệu lon nước sạch” dành tặng cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu, vùng xa; nhân dân các huyện đảo trên phạm vi cả nước. Bạn Lương Kỳ Duyên-sinh viên năm thứ nhất Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền với dự án "Cùng chung tay giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt, sản phẩm nhựa dùng một lần tại các trường đại học trên pham vi cả nước".
Nhằm tiếp sức, động viên tinh thần ngư dân tại 28 tỉnh vùng biển kiên cường ra khơi bám biển, cùng chung tay khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước, Báo Người Lao động đã phát động chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”.
* Trong khuôn khổ các hoạt động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới năm 2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tham dự “Diễn đàn đầu tư phát triển thương hiệu biển Việt Nam” do Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức.
Theo báo cáo của ông Trần Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, đến nay tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 125 dự án với tổng vốn đăng ký trên 37.500 tỷ đồng và 72 triệu USD, trong đó có 113 dự án đầu tư trong nước, 12 dự án đầu tư nước ngoài.
Ông Trần Thanh Tâm cho biết, năm 2019 được xác định là năm “nước rút”, là tiền đề để tỉnh Bạc Liêu “về đích” vào năm 2020, quyết định việc thực hiện thắng lợi mục tiêu phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, Bạc Liêu đứng vào tốp các tỉnh khá trong khu vực và trung bình của cả nước và trở thành một trong những tỉnh giàu mạnh từ kinh tế biển… Tại diễn đàn, trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ký kết các thỏa thuận, biên bản ghi nhớ đầu tư các dự án phát triển thương hiệu biển Việt Nam tại địa phương./.