Thái Nguyên: "Cát tặc" sông Cầu "nuốt chửng" đất bãi soi dâu
Bắt 2 phương tiện khai thác cát trái phép tại An Giang |
Ông Trần Quốc Đoàn ở xóm Đình (3), thôn Phú Cốc, xã Tân Phú, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đang chỉ phần diện tích đất của gia đình và bà con trong thôn bị sạt lở trôi theo dòng sông Cầu. |
Dẫn chúng tôi ra thẳng khu vực đất soi dâu của bà con trong thôn Phú Cốc đang bị sạt lở, ông Trần Quốc Đoàn (ở xóm Đình (3), thôn Phú Cốc, xã Tân Phú, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) than thở: Các tàu khai thác cát hoạt động mạnh về đêm khuya. Từ nhiều tháng qua, “cát tặc” lộng hành đã làm dòng chảy thay đổi. Bãi soi mang cá bị sạt lở. Tàu hút cát trái phép "nuốt chửng" hàng chục nghìn mét vuông đất màu mỡ.
“Cứ từ nửa đêm đến rạng sáng, lúc đang ngủ yên bỗng mất giấc, chúng tôi nghe thấy rõ tiếng máy nổ của tàu khai thác cát sỏi xình xịch, rền vang cả một khúc sông. Cát sỏi xả xuống khoang tàu rào rào. Đến sáng thức dậy thì thấy một khoảng đất soi dâu như vết “ngoạm dở”, cả đất lẫn dâu đã trôi xuống sông", ông Đoàn, ông Nhạ kể.
Hiện trường soi dâu thôn Phú Cốc mới bị sạt lở khoảng cuối tháng 8 năm 2019. |
Được biết, trong thôn Phú Cốc có khoảng 50 hộ dân sinh sống, canh tác chủ yếu dựa vào soi dâu này. Làng nghề truyền thống dâu tằm Phú Cốc sôi động, khấm khá lên mấy năm nay cũng là nhờ có soi trồng dâu làm thức ăn chính chăn tằm và là nơi chăn thả trâu bò.
Ông Trần Văn Nhạ là cựu chiến binh ở xóm Đình (3) bức xúc cho biết, tàu khai thác cát thường "ngủ ngày, cày đêm". Chúng hoạt động rầm rộ chủ yếu từ 12h đêm đến 4h sáng. Mỗi tàu cát thường lắp 3-4 máy bơm hút cát cỡ lớn. Chỉ khoảng 2 tiếng là đầy tàu 200-300 m3. “Ăn no cát sỏi” tàu rút xuôi theo dòng đổ cát lên các bến bãi trên bờ sông Cầu. Một nhóm “cát tặc” có 5-7 tàu lớn nhỏ gồm cả người địa phương và người ở Bắc Giang thường neo đậu tàu hút cát gần chân cầu Vát thuộc địa phận huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Chúng rình khi trời mưa gió, thời điểm thuận lợi là tiến lên các vùng soi bãi lắm cát, nhiều sỏi để hút trộm.
Người dân thôn Phú Cốc lo lắng cây cối, đất cát, soi bãi bị sạt lở xuống sông Cầu. |
Nhiều người dân dẫn chúng tôi thị sát vài ba điểm soi dâu bị sạt lở, ước chừng từ điểm đầu đến điểm cuối cũng dài khoảng nửa cây số. Người dân cho biết, sông đã lấn vào bờ bãi từ 100 đến 150m. Diện tích đất soi dâu bị tàu cát “rút ruột”, bị sạt lở xuống sông Cầu ước khoảng 50 đến 75 nghìn m2 tương đương 5-7,5ha.
Ông Trần Văn Hội là người cao tuổi trong thôn bức xúc nói: Tôi đã nhiều lần phát hiện tàu hút cát trộm ở soi dâu. Nhưng hễ cứ cất máy điện thoại gọi báo lãnh đạo xã, trưởng công an xã Tân Phú thì chỉ 15 phút sau là tàu cát tặc rút vòi chạy xuôi sang Bắc Giang. Người dân chỉ biết kêu trời thôi. Không có “tay trong” thì ai dám cho làm cát tặc như thế. Mà nữa, mấy năm nay, đầu bãi soi lại đẻ ra bến, bãi tập kết cát sỏi nằm chềnh ềnh ở đấy. Phép tắc thì chẳng có mà hoạt động hối hả, công khai. Liệu có khi nào “cát tặc” hút trộm ở sông, ở soi bán đại cho các bến bãi thu mua? Điều này chỉ có chủ bến mới biết thôi.
Bến, bãi tập kết cát sỏi chưa hề được cấp phép vẫn hoạt động công khai nhiều năm nay. |
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú, thị xã Phổ Yên, cho biết: Xã đã nhiều lần tổ chức cán bộ, công an trực tiếp xuống bãi soi đuổi các tàu hút cát trái phép nhưng gặp nhiều khó khăn. Hiệu quả ít bởi lực lượng mỏng, thời gian các tàu khai thác chủ yếu hoạt động vào ban đêm đến rạng sáng tại địa bàn giáp ranh 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang…
Mặt khác, xã không đủ thiết bị, phương tiện ngăn chặn, bắt giữ tàu thuyền và cũng không đủ thẩm quyền xử phạt hành chính…Còn bến bãi tập kết cát sỏi Hải Ngọc thì tận mắt tôi được nhìn thấy giấy phép của tỉnh cấp cho họ rồi, ông Sơn khẳng định chắc như đinh đóng cột.
Xe tải chở cát, sỏi chạy hối hả vào, ra bến bãi không phép ở thôn Phú Cốc, xã Tân Phú, thị xã Phổ Yên. |
Làm việc với Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Phổ Yên, ông Dương Văn Diễn và ông Phó Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên Nguyễn Công Thịnh thì được biết: Lãnh đạo thị xã đã nắm bắt được tình hình phức tạp, cát tặc lộng hành ở Tân Phú. Bến, bãi tập kết cát sỏi Hải Ngọc chưa hề được cấp phép. Bến bãi này hoạt động trái phép nhiều năm nay và đã có lần bị lập biên bản đình chỉ hoạt động. Hiện thị xã đã có chỉ đạo giao công an lập chuyên án điều tra xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát sỏi ở xã Tân Phú. Kết quả kiểm tra sẽ thông tin sớm đến các cơ quan báo chí.
Dựa vào tình hình thực tế, rất cần sự vào cuộc khẩn thiết của chính quyền thị xã Phổ Yên và ngành chức năng liên quan sớm thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác cát sỏi trên sông Cầu, sông Công. Đặc biệt, cần xem xét hoạt động của các bến, bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi. Nếu phát hiện sai phạm cần mạnh tay xử lý thật nghiêm minh các chủ bến bãi hoạt động trái phép, tàng trữ cát sỏi “ăn cắp” từ soi bãi của dân…
Tin mới
Khảo sát của Herbalife tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, 9 trên 10 người Việt cho rằng một chế độ ăn uống lành mạnh rất quan trọng để hỗ trợ sức k
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.